Tác giả - Tác phẩm: Ngày đầu tiên đi học...

10:02, 06/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngọn gió thu và những hồi trống tựu trường luôn khiến cho lòng người ngập tràn cảm xúc. Đó là sự rộn rã, rụt rè của “Ngày đầu tiên đi học”, hay sự bâng khuâng trong những lần “Tựu trường”. Vì thế, những ngày khai trường không bao giờ thiếu niềm hân hoan khi “Đưa con đi học”.

Ngày khai giảng

Nói đến ngày khai giảng thì có lẽ không ai quên được “Ngày đầu tiên đi học”. Cái ngày đầu đến lớp, biết bao nhiêu là bỡ ngỡ và xa lạ khi đến với ngôi nhà mới. Có những chú chim non vừa ra ràng ấy đã bật khóc khi đứng trước cửa lớp học để “thực tập” xa sự thường trực của người mẹ, trong sự chào đón của cô giáo. Những cảm xúc ấy đã được tác giả Nguyễn Đặng Viên Phương thể hiện trong thi phẩm “Ngày đầu tiên đến lớp”: “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc/ Mẹ dỗ dành yêu thương/ Cô giáo đón từ xa/ Em mắt ướt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi/ Chao ôi là thiết tha...”. Ai cũng vậy, ngày đầu đến lớp đều có một nỗi chơi vơi, lúng túng như thế. Nhưng dần rồi quen, những ngày khai giảng tiếp theo luôn khiến cho những cô cậu trò nhỏ cảm thấy háo hức.

Bắt đầu vào lớp 1, những mầm non đã rạo rực khi nghe sắp đến ngày khai giảng. Cảm xúc ấy đã được nhà văn Lý Lan tái hiện trong “Cổng trường mở ra”; hay với thi phẩm “Ngày khai trường”, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cũng sẽ cho bạn đọc thấy được niềm vui rộn rã của ngày khai giảng trong mắt trẻ thơ: “Sáng đầu thu trong xanh/ Em mặc quần áo mới/ Đi đón ngày khai trường/ Vui như là đi hội...”. Vì bây giờ, các em đều đã “tỏ đường đi lối về” nên trường học không còn là một thế giới xa lạ, tách biệt với cuộc sống lúc nhỏ. Và trong lòng các bạn nhỏ cũng đã có sự thay đổi lớn. Mà từ những ngày khai giảng, những ngày đi học, ngôi trường đã trở thành một phần trong cuộc đời của mỗi người.

Chính ký ức đẹp đẽ của những ngày khai trường ấy đã khơi nguồn cho mạch thơ Huy Cận tuôn chảy, và những con chữ kết tinh thành những vần thơ thật đẹp: “Giờ náo nức của một thời trẻ dại!/ Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!/ Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường/ Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc...” (Tựu trường I). Tuổi thần tiên ngây ngô, vụng dại mà đẹp tựa cơn mơ. Nhưng niềm rộn rã của buổi tựu trường không “như là đi hội” giống những em học sinh tiểu học. Mà nỗi xôn xao ấy thầm lặng, để rồi cứ lắng đọng mãi trong tim những buổi tựu trường cuối cùng của một thời học sinh với nhiều mơ mộng.

Có lẽ ngày khai giảng là một ấn tượng sâu sắc với mỗi người, nên cứ vào cuối thu, khi thấy những em học sinh rụt rè nép bên nón mẹ, hay nhìn thấy những tà áo tung bay trong gió lộng, ai ai cũng đều được nhắc nhớ về những ngày đầu chân bước đến trường xa. Cũng chính vì ký ức không thể nào phai ấy, mà đề tài ngày khai trường không ngừng ngớt đi vào sáng tác qua nhiều năm tháng.

Đưa con đi học

Là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, nên lễ khai giảng bao giờ cũng mang đến cho phụ huynh nhiều cung bậc cảm xúc. Nếu trong “Cổng trường mở ra” (Lý Lan) và “Tôi đi học” (Thanh Tịnh) là hình ảnh người mẹ trằn trọc trong đêm trước ngày khai trường của con, và hình ảnh người mẹ dắt tay con “đi trên con đường làng dài và hẹp”. Thì trong những thi phẩm mà chúng tôi sắp giới thiệu đều là cảm xúc của những người cha.

Ngày đầu con đi đến môi trường mới, lòng cha mẹ chia ra hai nửa. Một nửa tưng bừng mừng vui, một nửa băn khoăn lo lắng. Người cha Lê Minh Quốc cũng thế. Khi con đi học mẫu giáo, trái tim anh rạo rực nhưng cũng lắm âu lo: “Ngày đầu đưa con đi mẫu giáo/ Ba mẹ ngẩn ngơ quanh quẩn ở sân trường/ Con xa tầm tay. Con rời tầm mắt/ Âu lo rộn lòng rạo rực yêu thương...” (Ngày đầu đi học).

Lo lắng cho con, nên bao giờ đưa con đến lớp, cha mẹ đều dặn dò cẩn thận, tỉ mỉ. Mà những lời ấy đã được nhà thơ Huy Cận viết lại trong “Tựu trường II”. Người cha đã căn dặn: “Học cho ngoan con nhé/ Học bài và học vẽ/ Học chuyện Sống như Anh/ Nghe thầy vô lớp kể...”. Lời dặn này rất quen thuộc, hầu như cha mẹ nào cũng nói với con. Nhưng ở Huy Cận, ta thấy nhà thơ dặn con một điều quan trọng là hãy “Học chuyện Sống như Anh”, nghĩa là phải học tình yêu nước và sự bất khuất, kiên trung của một vị anh hùng dân tộc. Từ ngày đầu đi học, người cha đã răn dạy con mình phải làm trò ngoan, học hành chăm chỉ và hun đúc tình yêu nước cho con trẻ.

Ngày đầu đưa con đến lớp, cha mẹ nào cũng cảm thấy hân hoan, tự hào và mong muốn đồng hành cùng con để con không ngỡ ngàng, lo sợ. Trong thi phẩm “Đưa con đi học”, nhà thơ Tế Hanh viết: “Hương lúa tỏa bao la/ Như hương thơm đất nước/ Con ơi đi với cha/ Trường của con phía trước”. Đó là lời động viên mà thi sĩ người Quảng Ngãi đã nói khi thấy “Con nhìn quanh bỡ ngỡ”. Có câu hát ru: “Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Song, với tình thương cao như núi Thái Sơn của người cha, Tế Hanh đã cùng con đi trên cả trường học và trường đời. Mỗi bước đi của người con bao giờ cũng sẽ có sự đồng hành của ông. Ông đã dắt con đi đến trường và dắt con đi vào đời. Chính câu thơ “Trường của con phía trước” đã thể hiện điều đó. Có lẽ nhà thơ đã vô cùng vui sướng.

Là một ngày vui riêng của ngành giáo dục, nhưng ngày tựu trường mang lại cảm xúc chung cho muôn người. Trong buổi sớm mùa thu ấy, sẽ có những sự bồi hồi, có niềm hân hoan, có cả những bỡ ngỡ, e sợ rụt rè. Những cảm xúc của “Ngày đầu tiên đi học” cứ tiếp nối qua từng năm tháng, từng thế hệ như sự nghiệp giáo dục không bao giờ kết thúc.

NGUYỄN NHẬT THANH

Xuất bản lúc: 10:02, 06/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.