Truyện ngắn: Vi vút gió quê

15:10, 30/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dũng lót ngót từ ngoài sông về. Con đường lở lói, lởm chởm đá. Áo mưa gió đánh phành phạch, rách toạc, nước thấm vào người lạnh cóng, Dũng bước lên thềm môi tím tái, cố nhìn về phía bờ sông trước khi đóng sập cửa lại. Mới bốn giờ chiều mà trời như đã tối. Mưa bốn bề. Gió núi từng cơn ràn rạt qua thung. Thành lệ, cứ mưa to là mất điện, không điện thoại và buồn cười nhất là không có nước dùng. Ống dẫn nước đâu từ trên núi, không hiểu sao cứ mưa to lại nghẽn. Dũng quơ tay dưới gầm giường tìm thùng hứng nước. Chị Chi bảo: "Dũng giặt đồ đi rồi ăn cơm. Chị nói rồi, mưa to, lũ lớn, không ai chèo thúng qua sông đâu. Đêm nay ngớt mưa, sáng mai mới đi được. Bọn chị cũng đi mà".

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Dũng ầm ừ không nói, vặn ngọn đèn lên. Gió luồn qua liếp cửa lung lay ánh đèn, lao chao bóng chị Chi trên vách. Chị đang chấm bài. Hạnh và chị Thủy đã trùm kín chăn. Cơm còn nóng. Dũng ăn vội vàng. Món canh mít non lá lốt thơm quá, Dũng thích nhất món này. Hồi mới lên đây Dũng bảo học trò hái lá lốt cho thầy. Học trò vùng cao vốn thích được thầy nhờ, chúng tranh nhau. Hôm đó, Dũng phải lấy bao mà đựng lá lốt, mấy ngày sau đành bỏ đi! Ngoài hiên,  gió càng mạnh, kèm theo những trận mưa như nghiêng trời trút nước. 

Dù rất mong manh, Dũng vẫn nuôi hy vọng kịp về dự đám cưới Trang, ít nhất là mười giờ sáng mai Dũng sẽ có mặt tại thị xã. Từ bến đò Trà Phú về nhà Trang bảy mươi cây số, xe chạy vài tiếng đồng hồ có gì đâu. Ngặt nỗi đang mùa lũ, nước xiết quá, không thể nào qua sông được. Hội đồng giáo viên nhận thiệp mời của Trang cả rồi, nhưng cũng ra đến bờ sông nhìn nước rồi quay về. Riêng Dũng bồn chồn lắm. Hôm đưa thiệp, Trang nói: "Dũng cố gắng nghe em". Dũng cười: "Bà kêu bằng em hoài, không được đâu nghe". Thật ra Dũng đâu có nhỏ hơn Trang. Cả hai cùng tuổi nhưng Trang tốt nghiệp cao đẳng sư phạm khóa 25, còn Dũng khóa 26. Trang giọng kẻ cả: "Tui là khóa đàn chị, Dũng phải kêu tui bằng chị nghe chưa". Nhìn cái mặt bấm ra sửa của Dũng, Trang nói thế không quá lắm. Là con của một gia đình khá giả, Dũng không giấu được cốt cách "công tử bột". Hôm đầu tiên lên trường, lúc bước ra khỏi thúng, lên bờ, ai nấy xách dép, Dũng để nguyên giày cắm chân xuống bùn. Chị Thủy nói: "Em cởi giày ra, nếu đỉa chui vào thì phải biết". Dũng nẩy người: "Có đỉa hả chị". Dũng co chân lên, cởi giày huơ loạn xạ. Từ bến sông về trường, khoảng hơn hai cây số! Hai cây lội bộ. Đường dốc quanh co, lúc qua suối, lúc theo triền đồi, mé rừng, cây cối um tùm. Dũng đi chân chim một lúc nghe rớm máu. Rát quá! Dũng ngồi bệt xuống bờ cỏ, săm soi bàn chân. "Ê, coi chừng vắt". Dũng vội đứng dậy. Hai con vắt bám trên vạt áo Dũng. "Để chị bắt cho", Trang vừa nói, vừa đưa tay gỡ. Con vắt vừa trơn, vừa nhũn, lại bám chặt, khó lắm mới gỡ ra được. Mặt Dũng nhợt nhạt, cười méo xệch. Dũng chợt thấy Trang có cái gì rắn rỏi, quả quyết. Nhưng dù sao Trang cũng là con gái. Ỷ học trước một năm, bả kêu mình bằng em đâu được. Nhất định Dũng sẽ gọi "Trang", gọi em cho mà xem. Dũng thầm nghĩ vậy. 

Chị Thủy thấy Dũng sợ vắt, sợ đỉa, nên cười ngất. Chị nói: "Rồi em sẽ quen thôi. Chị Thủy và chị Chi, cả Hạnh nữa quê ở đây, Trà Phú cả, nên chẳng lạ lẫm gì những thứ đó. Trà Phú cách Trà Giang một con sông thôi. Dũng và Trang lính mới. Trang là con gái mà mạnh mẽ. Dũng con trai mà yếu đuối”. Hội đồng giáo viên tiểu học toàn là nữ. Chị Thủy làm hiệu trưởng. Trường mới mở một lớp sáu nhô. Phòng giáo dục nhận về hai giáo viên trung học cơ sở. Trang dạy môn xã hội. Dũng dạy môn tự nhiên. Một mình Dũng là nam nên được miễn nấu cơm. Nhưng Trang phân công Dũng phải kiếm củi, kiếm rau. Rau ở đây khỏi lo.

Mít non, bồ ngót, mồng tơi tha hồ. Nhưng mà nấu với cái gì? Những ngày nước lũ không ai đi chợ được. Ở đây chỉ có mắm cái. Mắm cái là duy nhất. Muốn ăn mắm nước, đồng nghĩa với qua sông. Sông mùa lũ nước mênh mông quá. Vậy còn cách tự cải thiện. 

Hổm rày trời mưa. Gặt xong, ruộng bậc thang đầy nước. Dũng theo học trò đi thả lờ. Thú vị lắm, lờ chỉ là những cọng tre vót thật nhỏ đan lại, có hom hai đầu. Chẳng mồi mỡ gì, nhưng sao thả xuống nước, cá cứ thích chui vào. Mưa đầu mùa, cá lên đồng để đẻ. Dũng theo học trò đi hết ruộng này đến ruộng khác. Có hôm tám, chín giờ đêm mới mò về, ướt sũng người, run lập cập, Dũng ném xâu cá vào xoong nói với Trang: "Giao cho chị đó". Đang soạn bài, Trang ngước nhìn: "Ừ để đó cho chị, thay đồ đi kẻo lạnh". 

Dũng nhóm bếp, hơ bàn tay nhợt nhạt trên ngọn lửa đang nhảy múa. Trang thấy Dũng cũng tội. Phòng được ngăn làm ba. Phần cuối là bếp, giữa là chỗ ngủ của giáo viên nữ, ngoài cùng kê một cái bàn để làm phòng ăn, soạn bài và tiếp khách. Chị Thủy gọi đùa đó là "phòng đa chức năng". Bây giờ có thêm cái giường của Dũng. Giường khiêng từ bên kia sông, mượn tạm của vợ chồng chị Chi. Chồng chị Chi làm kế toán ủy ban xã. Đêm, anh ấy ngủ lại văn phòng. Trang ngủ với chị Chi. Chị có bầu, cái bụng đã lum lúp. Cứ theo cách gọi, Dũng nhỏ nhất rồi đến Trang, đến Hạnh, chị Thủy và chị Chi... Dũng như nửa cam lòng, nửa phản kháng. Đến hôm đi thả lờ về muộn, ướt người, Dũng lên sốt rên hù hù. Sáng ra, Trang vào làng, hái một nồi lá xông và xin đồng bào cái trứng gà. Không biết bài thuốc này Trang học ở đâu, nhưng xem ra có hiệu quả. Trang nói: "Dũng em lên giường, trùm mền lại. Này dầu gió này, nhỏ vào nồi lá vài giọt. Khăn này lau mồ hôi". Trang bắt Dũng nằm úp xuống, rồi bóc vỏ trứng gà còn nóng, Trang lăn qua lăn lại trên lưng. Dũng kêu nóng nghiến răng lại, chảy nước mắt, hít hà mà không dám cựa. Ban đầu Dũng thấy tai mình nóng rang, một chút cảm giác là lạ khi bàn tay phụ nữ chạm vào mình. Trang cũng cảm nhận được điều đó nhưng cố làm ra vẻ nghiêm: "Nằm im ông tướng; không tui bỏ chết ráng chịu". Dũng ngoan ngoãn như một đứa bé.

Buổi chiều, Dũng thấy người nhẹ, đầu bớt đau và sáng hôm sau khỏe hẳn. Dũng thầm cảm ơn Trang, nhưng không biết cách nào nói ra cho hợp lẽ. Giá như không có Trang nấu cho nồi lá xông hôm đó... Nhưng mà cũng tại bả phân công mình làm, nếu không, chắc gì mình bị trúng nước. Là nói vậy nhưng sâu thẳm Dũng có một thứ tình cảm đặc biệt với Trang. Dũng nhận ra bàn tay của Trang có hơi ấm kỳ diệu. Dũng thấy như có cái gì đó mong manh sương khói. Miệng cứ gọi chị, mà lòng Dũng không muốn chút nào. Chiều nay ra bờ sông, nhìn con nước ầm ào chảy. Nước phăng phăng bèo bọt thốc vào bụi cây, mõm đá. Nước cuồn cuộn trôi những rác rến, nhưng không trôi đi lòng Dũng đang trĩu nặng. 

Hơn một năm cùng dạy với Trang, Dũng nhận ra ở Trang những điều mạnh mẽ, thẳng thắn và quả quyết. Trang vui tươi hồn nhiên và cũng rất nghiêm nghị. Nhiều đêm trăng sáng, lang thang ra bờ sông cùng ngồi trên bờ đá, Dũng như muốn nói điều gì rồi lại thôi. Dũng sợ mọi cái oà vỡ. Hương rừng thoang thoảng, và hương tóc Trang, hai người lặng lẽ đi qua bãi bồi. Con nước mùa khô mềm mại, khiêm tốn dưới lòng sông vẫn thao thiết chảy. Trăng mơ màng lung linh. Trăng ở rừng có khác. Dũng bỗng thấy mình nhỏ bé nhút nhát. Tại sao không nói được với Trang điều gì, hay là... Nhưng mà không thể. Sương khuya đã xuống bìa rừng, hai người lặng lẽ trở về. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Chợt Trang nói: "Có lẽ đầu năm học tới...". “Sao ? Chị nói sao? Năm học tới chị chuyển đi à?”. Dũng hỏi dồn dập. "Không, chị lấy chồng". Dũng thấy muôn ngàn ánh trăng nhảy múa, muôn ngàn lá rừng chấp chới trong đêm. "Thật sao chị Trang?". Trang cúi xuống: "Chị có nói đùa với em đâu", Dũng thấy có điều gì hụt hẫng, mất mát. Một điều gì đó chợt như gần, như xa, xa mãi trong lòng Dũng. 

Và bây giờ, Dũng ngồi đối diện với bóng đêm, gió và mưa. Giá như điện thoại không bị hỏng... Dũng sẽ gọi về, sẽ đọc cho chị Trang nghe câu thơ của Hoàng Cầm mà Dũng định sẽ đọc trong lúc dự đám cưới: "Ngày cưới chị, em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim". Ngày mai thứ Bảy rồi. Mười một giờ ngày thứ Bảy, chị Trang mặc váy cưới bước lên xe hoa. Chị sẽ ngoái lại cúi chào mọi người, sẽ ngước nhìn Dũng với ánh mắt tràn ngập hạnh phúc và một chút đượm buồn sẻ chia. Dũng cũng đưa tay chào, đưa tay tiễn biệt một điều gì sâu thẳm trong lòng mình. Xe hoa đưa chị Trang đi, như mang theo một niềm vui, một nỗi buồn.

Càng về khuya càng mưa. Chiếc máy bán dẫn chạy pin để ở đầu giường vừa phát đi công điện khẩn và dự báo "Nước sông Trà Bồng dâng cao bằng đỉnh lũ năm 1999..." Mọi hy vọng của Dũng cho ngày mai đã tan theo lớp bọt bèo ngoài sông vắng. Thiên nhiên có sức mạnh riêng, có phép màu riêng của nó. Mới đêm qua mưa như vùi lấp đất trời, sáng nay hửng nắng. Núi rừng trong xanh trong. Dũng vội vàng khoác túi xách, hối hả đi về phía bờ sông. Vẫn nước và nước. Dòng sông rộng ra, hào phóng cuồn cuộn đổ về xuôi màu nước đục ngầu. Bờ bên kia, hình như có vài bóng người thấp thoáng sau đám bạch đàn. Dũng ngồi trên phiến đá, mắt xa xăm. Nắng đã lên, nắng như sưởi ấm lại núi rừng. Sông vẫn trôi đi miên man lặng lẽ. Có cánh chim lẻ loi lướt qua mặt sông bay về cuối trời xa.

Xách túi trở lại trường, Dũng thẫn thờ đưa tay bứt chiếc lá bên đường, chừng nghe câu thơ của Hoàng Cầm thức dậy trong lòng "Gió quê vi vút gọi diêu bông hỡi diêu bông...".

THOẠI VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:10, 30/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.