(Báo Quảng Ngãi)- Thúy đẩy xe đến chỗ điện sáng thì dừng lại. Gió bờ sông thổi vào lạnh cắt thịt da. Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là năm cũ qua, năm mới đến. Hôm nay, bữa lao động cuối. Nhà nào người ta cũng chưng cúc, chưng mai rực rỡ. Lòng Thúy thấy nao nao. Giờ này chắc con Hương, thằng Bảo đã ngủ, hay chúng nó còn thức chờ mẹ về? Hồi chiều đi, Thúy quay lại dặn, tối nay mẹ về khuya nghen hai đứa.
Bữa họp cuối năm, sếp nói để đón Tết, đường sá phải sạch sẽ. Sếp giao cho Thúy đoạn đường này và mấy chỗ đường ngắn. Đường ngắn Thúy không ngại, nhưng ngại nhất là đường bờ sông. Gió từ sông thổi vào buốt quá. Đêm cuối năm sao mà lạnh dữ dằn. Phía mé sông, lấp lóa ánh điện, những bông lau nằm rạp. Người ta nói, lau trổ bông sớm là hết bão, hết lụt. Mà năm nay không lụt thiệt. Có vài trận mưa lớn. Mưa đường bớt bụi, nhưng rác hơi nhiều.
MH: VÕ VĂN |
Thúy về công ty vệ sinh đô thị được ba năm. Ba năm lăn lộn với gió sương. Ba năm Thúy hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng, nhưng lòng Thúy không vui. Bởi ba năm rồi, anh không về. Anh ăn Tết ngoài đảo xa. Hôm trước anh điện về, nói mẹ con ở nhà lo, chưa chắc Tết này anh về được. Thúy buồn muốn khóc mà không nói với ai. Còn mấy trăm mét đường nữa là xong. Kể ra bây giờ cũng đỡ, người dân không vứt rác bừa bãi như trước đây. Rác tập trung về một chỗ. Đang gom rác, có chiếc xe máy vèo qua, chưa kịp nhìn, hai thằng mất dạng. Hú vía. Trên người Thúy có chiếc áo phản quang. Nghề này đã cực, đôi khi còn nguy hiểm vì có đêm ở ngoài đường đến khuya, một, hai giờ sáng mới về. Đêm khuya thường có đám trời ơi đất hỡi vèo xe lạnh ngắt. Đôi khi, gặp một vài thằng say cà khịa. Giữa đêm khuya biết kêu ai? Cũng may, bên Thúy có chị Hoa. Chị quê Nam Định, theo chồng vào đây. Chị không ngại khó, ngại khổ. Chị trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Chị nói mình làm nghề này đôi khi người ta coi rẻ, nhưng không sao đâu em, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Và nếu không có những người như mình, không lẽ để rác tràn lan trên phố? Phải không em? Thúy trả lời: Dạ. Còn nhớ năm dịch Covid-19, cả nhà mắc bệnh. Ở nhà, chị nói nhớ đường, nhớ phố quá. Bây giờ được làm việc, chị cảm thấy vui. Còn vài giờ nữa là xong, hai chị em được về nhà. Đêm nào cũng vậy, ca nào cũng hai chị em đèo đi trên chiếc xe cà tàng. Đến chỗ làm, xe để đâu cũng được, ít sợ mất. Đang loay hoay, Thúy nghe “choảng”. Ngước nhìn, thấy hai chiếc xe đụng nhau. Chị Hoa bỏ chổi chạy đến. Có hai người lồm cồm ngồi dậy, phủi quần áo. Một người đi cà nhắc vào lề đường. Người kia, nhìn vào chậu cúc vỡ toang. Hoa cúc văng ra. Thúy đến để phụ thu dọn. Chỗ này hơi tối. Cách trụ đèn cao áp khá xa. Bỗng người đàn ông kia nhìn Thúy chằm chằm. Thúy quay lai:
- Ủa! Anh Thanh. Thúy kêu lên. Anh về hồi nào mà không cho em hay?
- Anh mới có phép, đơn vị cho về năm ngày. Hai người đang ríu rít chuyện trò, người ngồi bên lề, đứng dậy. Anh cũng đứng tuổi, biết mình có lỗi. Anh nói:
- Tôi thành thật xin lỗi anh, lúc nãy đã xảy ra chuyện đáng tiếc. May quá không sao. Mong anh bỏ qua, tôi và anh cùng giải quyết. Tôi đền lại chậu cúc cho anh.
Câu chuyện vợ chồng Thúy chưa xong. Anh này ngắt ngang, Thúy nói với người đàn ông kia:
- Xin lỗi, anh tên gì? Giờ anh về đâu? Có về được không?
- Tôi tên An, ở làng biển. Tôi đi về được mà.
Thanh nói:
- Tôi thông cảm cho anh được rồi. Nhưng anh có về nhà được không?
Người đàn ông nói lý nhí gì trong miệng, quờ tay sau túi quần. Bỗng anh có vẻ hốt hoảng, chạy lại chỗ xe ngã, dáng vẻ thất thần. Thấy có gì đó không ổn. Thúy nói với chồng:
- Thôi, em còn phải làm việc, giờ giải quyết thế này cho nhanh. Để xe anh An lại đây, xong việc em và chị Hoa đem về. Còn anh, anh chở ông này về nhà cho chắc. Thúy mải nói chuyện, chị Hoa dọn dẹp xong mớ cúc vung vãi lên xe rác. Thanh nói như ra lệnh:
- Lên xe. Cài mũ bảo hiểm vào. Anh kia líu ríu ngồi lên. Đêm ba mươi, xe cộ hơi nhiều. Thanh chạy chậm cho an toàn, với lại người ngồi sau có vẻ buồn ngủ. Thanh qua cầu, gió vù vù thổi. Với Thanh gió này chẳng ăn thua. Hồi chiều, lúc về đến nhà, hai đứa nhỏ mừng quýnh. Anh bỏ vội ba lô và gói quà lên bàn, lấy xe đi tìm Thúy, với lại mua chậu cúc về chưng Tết. Gặp chuyện thế này, cũng may là anh chạy chậm. Anh vừa đi vừa suy nghĩ. Bỗng An vỗ nhẹ vào vai anh:
- Tới rồi anh. Chỗ kia, chỗ có bóng đèn nhấp nháy đó. Nhà tui ở đó. Thanh rà thắng. Một bà mập ú bước ra, miệng xoen xoét:
- Lại say nữa rồi. Xe cộ bỏ đâu? Còn chú này là ai? Chú cũng nhậu với chồng tui phải không? Ba bữa này ăn uống cho cố vô, rồi hành người ta.
Thanh dìu An vào ghế ngồi. Nãy giờ Thanh không nói gì, bà vợ An ca cẩm đã đời. An lên tiếng:
- Không phải đâu bà ơi! Anh này là lính đảo về phép. Tui tông vô xe ảnh. Người ta chưa bắt đền là may, còn đưa tui về nhà. Chưa cảm ơn người ta, còn trách họ là sao? Bây giờ cái này mới chết. Cái ví bọc giấy tờ và mười chín triệu bạc mất tiêu rồi. Tiền lấy nợ hồi chiều.
Vợ An nghe nói nhảy dựng lên:
- Đó, tui biết mà, uống cho cố vô rồi giấy tờ tiền bạc mất hết. Xin lỗi chú nghen. Hồi chiều tôi bảo ổng đi lấy nợ. Nợ bán cá khô từ hồi tháng họ chưa trả. Vậy coi như mấy trăm ký cá khô mất trắng. Lấy gì ăn Tết đây? Trời ơi là trời. Chồng ơi là chồng. May không có chú chở về, chắc ổng đón giao thừa ngoài đường. Đó chú thấy không? Làm sao ai chịu cho nổi.
Bà nói ào ào không ngớt. Bà tên Xanh. Thanh nhỏ tuổi hơn An, nhưng anh rất điềm đạm, bình tĩnh. Dù lúc này anh hơi nôn nao một chút. Không biết giờ này Thúy xong hết công việc chưa? Có đem xe của ông An về được không? Anh mò túi tìm miếng giấy, rút cây viết ra. Thanh nói:
- Chị ơi! Đây là số điện thoại, địa chỉ nhà tôi. Mai anh An tỉnh rượu chị nói anh đến địa chỉ này, đem chiếc xe về.
- Nhưng mất hết giấy tờ, tiền bạc rồi giờ làm sao chú ơi! Chết tui chú ơi!
Thanh nói:
- Chị yên tâm đi. Không lo lắng gì cả. Người còn, của còn. Không mất đi đâu hết.
- Chú nói sao? Mười chín triệu đâu phải ít hả chú?
Thanh móc cái ví trong túi ra nói:
- Đây, chị coi thử giấy tờ xe và tiền bạc có thiếu hụt gì không? Chị kiểm lại đi.
Bà Xanh tròn mắt, không hiểu gì cả. Run run cầm cái ví mở ra. Đúng là của ông An. Giấy tờ còn đây. Xấp tiền còn đây. Mặt bà rạng rỡ. Bà ôm Thanh, nói cảm ơn chú. Đâu mà có người tốt quá chừng. Ông bà tui có phước.
- Thôi, chị đếm lại tiền đi, tôi còn về mua chậu bông để kịp giao thừa. Anh An làm bể của tôi rồi.
Bà Xanh kiểm lại tiền, rồi nói:
- Chú ơi, đủ rồi chú. Thôi bây giờ vầy. Chú cầm vài triệu, mua quà bánh cho cháu nhỏ. Tui cảm ơn chú quá chừng, quá đỗi.
Thanh mỉm cười xua tay.
- Chị cầm đi. Tôi không nhận đâu.
Thanh nhớ lúc nãy vừa đề xe, chị Hoa nhét vội vàng cái gì đó vô túi Thanh. Chị nhấn sâu xuống, sợ rớt. Thanh hiểu ý, không hỏi. Nghề vệ sinh thường bị xem nhẹ, nhưng con người đâu có tồi. Chính chị Hoa nhiều lần trả lại tiền cho người mất. Với chị, đạo đức là ở đó. Nhân cách là ở đó.
Thanh về, hơn hai mươi mốt giờ. Thúy và chị Hoa cũng vừa xong. Ba người gặp nhau chỗ cũ. Thúy hỏi:
- Sao? Anh đưa ông An về đến nhà an toàn chứ?
- Dĩ nhiên. Bây giờ anh với em đi chiếc xe ông An. Mai ông lên lấy. Chị Hoa chạy xe kia. Mình về nhà tắm rửa, anh chở em đi mua lại chậu cúc nghen. Đường phố về đêm nhộn nhịp, lòng Thanh thấy vui vui. Thanh nói với chị Hoa:
- Lúc nãy chị nhét cái ví của ông An vào túi em. Chứ đưa cho lão chắc mất dọc đường luôn. Vợ lão hết chửi rồi mừng cuống quýt. Thôi, bây giờ ta về. Em còn chở Thúy đi dạo một chút.
Ba người cùng nổ máy, gió từ bờ sông hắt cái lạnh vào người. Nhưng bây giờ Thúy thấy ấm. Cái ấm trong lòng. Cái ấm sum họp. Qua chỗ rẽ, Thúy nói to với chị Hoa:
- Mai anh chị sang nhà em chơi nghen. Có quà từ đảo biếu anh chị đó. Thúy như vui hẳn.
Hai bên đại lộ, đèn hoa sáng rực. Cái rộn rã của Tết hiện trên khuôn mặt mọi người. Qua lối rẽ vào nhà. Chỗ cây cột đèn sáng trưng. Có hai người khệ nệ khiêng hai chậu cúc vàng để xuống. Một người hỏi Thúy:
- Chị ơi! Cho em hỏi đây có phải nhà của vợ chồng anh Thanh không chị?
Thúy hơi ngập ngừng, rồi nói:
- Phải, vợ chồng chị đây. Có gì không em?
- Chị ơi, có người đặt mua cúc chỗ em. Em chở đến cho vợ chồng anh chị. Anh chị nhận giùm em.
- Ủa, ai đặt? Vợ chồng chị tính đi mua bông bây giờ mà. Em coi có nhầm không?
- Không nhầm đâu chị ơi. Tên đường, số nhà nè. Người thanh niên chìa tờ giấy ra. Số nhà đúng y chang. Người chở bông nói:
- Anh chị yên tâm nhận đi. Có người trả tiền rồi. Em có trách nhiệm đi giao thôi.
Thúy đang ngạc nhiên. Thanh mỉm cười nói:
- Thôi được, hai chú bê để vô chỗ này cho tôi đi. Cảm ơn hai chú nghen. Thôi về để khuya!
Hai người thanh niên bước ra. Thúy hỏi:
- Sao vậy anh? Em chả hiểu gì hết.
Thanh nói:
- Lão An mua chứ ai. Lão điện cho bạn lão ship tới đó mà. Thôi, mình vào nhà. Anh lấy quà cho các con vui. Nhìn chậu hoa rực rỡ, hương thơm thoang thoảng. Anh cảm nhận xuân đã về quanh đây.
THOẠI VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: