(Báo Quảng Ngãi)- Trời đổ cơn mưa mát lành sau những ngày nắng gắt. Tháng Chín rải lên thị thành những hạt nước thỏa thê tắm tưới cây cỏ, đường xá và cả lòng người. Ngoại nói vậy, rồi cười hềnh hệch. Mảnh sân vườn chiều lướt thướt mưa bay. Mưa mùa này hay buồn. Nhiều khi tiếng võng kẽo kẹt trộn lẫn tiếng mưa trên giàn khiết bông khiến lòng ngoại bời bời miên di về những tháng Chín xưa xa. Có lần Tường hỏi mẹ, sao không để ông ở quê, đưa ông về đây, lắm khi ông lại càng buồn hơn. Đó là khi Tường thấy ông cứ nhẩn nha nhìn ra con đường vắng phía trước nhà. Rồi lại thở dài. Hay như có một đêm, Tường thấy ông bật đèn sáng trưng ngồi vuốt bộ đồ xanh bạc thếch màu thời gian. Tường hỏi thì ông bảo khó ngủ. Người già nào cũng vậy, ngủ nhiều sợ có lúc không còn thức dậy nữa. Tường chẳng biết phải nói gì với ông lúc đó. Chỉ biết, căn nhà tường gạch vôi cao cổng này, chắc không phải là nơi thuộc về ông.
Nhưng dù chỉ quẩn quanh với căn nhà thị thành, hoặc sáng sáng cà phê cùng mấy người bạn già trong xóm, Tường chưa bao giờ nghe ông than thở một câu. Hôm Tường ngồi ngoài sân vườn tỉa mấy lá sâu trên giàn khiết bông, Tường khẽ khàng bảo có khi ông nói với bố mẹ cháu để ông về lại bản xứ sống thì lại tốt hơn. Thị thành này người già cô đơn lắm. Ông chỉ nhìn Tường thật lâu rồi nhẹ tênh bảo chừng như tuổi ông, Tường mới hiểu. Sống thác cũng chỉ là một chuyến đi về trong hành trình dài của đời người. Đi hay về, kỳ thực cũng chỉ là cho chính những người mình yêu thương nhất đời mà thôi. Đối với ông, chỉ cần con cháu bình an là một cuộc đời đáng sống. Ông đâu còn bao năm nữa để gần kề con cháu. Vậy nên, cứ như vậy cho nhà ấm áp, cho bố mẹ cháu đỡ lo. Hay ít ra hằng ngày vẫn được thấy chị Vạn ùa về nhà kể những câu chuyện không đầu không đuôi của lớp học, rồi thẳng thắn chốt hạ mình vẫn sẽ đánh thằng con trai ấy khi nó cố tình chọc ghẹo đám con gái trong lớp. Những lần như thế ông cười rõ to. Sống phải làm người chính trực. Mặc mẹ cứ càu nhàu ông dạy thế chị Vạn sẽ hư đấy. Con gái mười tám mà ngổ ngáo chẳng có cái nết dịu dàng như mẹ. Hoặc như vậy nè, chính những lúc ngồi chỉ dạy Tường làm vườn, kể Tường nghe chuyện này chuyện nọ, bảo Tường cái khôn cái khéo để sau này mà còn có ký ức về ông. Chị Vạn và Tường chính là thứ khiến ông không chán cái thị thành này.
Mẹ bảo trong phổi ông vẫn còn một mảnh đạn ghim lại từ thời chiến tranh. Kỳ lạ là bao nhiêu năm ông vẫn không hé môi. Cái lần dịch bệnh hoành hành, ông dính phải. Bệnh viện chụp hình phổi thấy cái vết là lạ trên phim. Bác sĩ ngỡ ngàng. Ông thì phì cười. Cái này thấm thía gì. Còn nhiều cái nó ghim vào tim mà con người ta vẫn phải sống đó thôi. Mẹ ngập ngừng đòi mổ. Ông dứt khoác bảo không. Đừng đụng vào khi vết thương như một phần cuộc đời của ông. Hôm đó cũng là một ngày tháng Chín. Mẹ nghe xong cú điện thoại từ ông rồi lẳng lặng ra ngoài hiên nhà. Gió tháng Chín thổi những cơn ho của ông từ Quảng Ngãi xa xôi vào tận thành phố này. Thành phố rợp cờ. Lòng mẹ cũng rợp trời những xao xác.
Mẹ quyết đưa ông về thành phố sau cơn dịch bệnh.
***
Ông thay bộ đồ xanh cũ kỹ bảo ra ăn mừng cùng hội cựu chiến binh. Mẹ cười tươi rói. Ông thích thế là có nghĩa ông đã chịu đất này. Tường nhìn bóng ông liêu xiêu trên chiếc xe đạp khuất dần con hẻm vắng. Đất ấy, xứ quê như lời mẹ nói thoảng khi giỗ, Tết Tường cũng hay về. Nhưng, học hành rồi công việc của bố mẹ cuốn theo guồng quay miệt mài bất tận của cơm áo gạo tiền, nên lâu dần Tường ít về. Trong trí nhớ còn sót lại của Tường, nhà ông nằm trong ngôi làng đá mát mẻ. Từ làng qua cánh rừng dương là đến biển. Những khối đá màu nâu đan xen kiên cố. Mùa hè của năm lên tám, Tường và chị Vạn đã có những ngày mát mẻ dẫu trời hừng hực nắng. Nằm trong ngôi nhà đá Tường nghe ông kể về những ngày đánh đá thời còn trai trẻ, thời ông vừa trở về sau cuộc chiến. Những câu chuyện theo từng buổi trưa đến khi Tường chìm vào giấc ngủ thì ông ngưng kể.
Những mùa hè tiếp theo luôn là những câu chuyện. Tường chẳng biết có phải chính những câu chuyện về đá ong nâu hay những trận pháo bên đồi Ngọc Hương, trận ở ngay bãi cát An Cường, trên Gò Đam, hay quanh những ngọn đồi gần làng mà Tường luôn muốn về đất này.
Khi lớn lên, Tường hay kể cho bạn học nghe về một làng ven biển có những ngôi nhà mùa hè mát lạnh, mùa đông ấm áp. Những ngôi nhà đá gió lộng từ phía biển, đêm nằm nghe rừng dương hát lời lao xao. Ngôi làng mà đám trẻ vẫn hay tụ lại bên giếng múc nước. Những ngôi nhà dù bị giặc càn phá nhưng chỉ hư một lớp vỏ trít bên ngoài. Đám bạn ngơ ngác và chẳng thể tin. Những đứa trẻ thành thị cứ nghĩ đó là cổ tích từ Tường thêu dệt. Tường chẳng thèm nói nữa. Chiều chạy về nhà ấm ức kể cho mẹ nghe. Bữa cơm chiều hôm ấy hình như ánh mắt mẹ xa xăm.
Bố bảo ngày đầu tiên đến làng, bố cũng bất ngờ, đem chuyện về lại thành phố kể cho bạn bè nghe, ai cũng bảo đâu ra còn cái làng cổ đến thế, chắc là nghèo lắm! Bố chẳng biết người ta nghĩ sao, nhưng với bố, làng ấy giàu quá chừng. Nhất là đi qua nhiều biến thiên thời cuộc, làng vẫn là làng chứ chưa hề bị cái hiện đại hóa xâm lấn. Bố về làm rể của ngoại kể như là duyên. Bởi chính công việc nghiên cứu đất đá mà bố đang làm đã dẫn bố đến với mẹ.
Ngày ấy, bố đi làm luận án thì được người ta giới thiệu về ngôi làng đá ong nâu này. Bố tìm về, ngỏ ý xin ông ngoại cho ở tạm trong hơn tháng để tìm tòi khám phá. Những tưởng ông ngoại sẽ từ chối vì nhà vẫn còn cô con gái đang tuổi lớn. Thế mà ông ngoại gật đầu cái rụp. Bố người gốc thành thị, lần đầu về một làng ven biển miền Trung sống. Bắt đầu tập xách nước từ giếng làng để dùng. Bắt đầu theo ngoại đi đánh đá. Tập cầm cái rìu cũng mất mấy ngày. Tập cầm cái dố thêm tuần nữa mới thuần thục. Có lần khiêng đá bị gãy thanh đòn, đá rơi trúng dập cả chân. Ông đèo ngay về nhà dặn cô con gái chăm sóc cẩn thận. Cũng chính từ đó, bố thương mẹ. Mẹ kiệm lời nhưng cứ tỉ mẩn mà chăm sóc. Biết nhìn, biết ngó, biết bố cần gì không đợi bố hỏi. Cứ vậy mà tháng ròng trôi qua. Ngày bố rời làng đá ong về lại thành phố cũng là ngày lòng bố nở đóa hoa duyên. Luận án bảo vệ thành công là bố rước dâu. Đoàn rước dâu hôm ấy toàn người thành thị, họ đi vào làng đá mà ngỡ đi vào một miền xưa tích cũ nào đó. Họ bảo bố khéo chọn mẹ. Chọn người thôn Vạn Tường là con gái đằm thắm, nết na, và đức hạnh nhất xứ này.
Mãi đến khi bố kể câu chuyện này, hai chị em mới ồ lên khi biết nguồn gốc cái tên mình.
***
Ông trở về sau khi cơn nắng trưa đổ vàng lên giàn khiết bông. Giàn hoa trước rào nhà thuận mưa, được nắng nên trổ bông đỏ chon chót. Ông vẫn giữ nguyên bộ đồ xanh thả người xuống võng, ông cười hềnh hệch. Tường bảo ông say rồi. Ông gật gù bảo nay vui quá! Gặp những ông bạn già, trước lạ sau quen vì cùng là dân chiến đấu. Vui nhất là gặp một ông trong đại đội 21 ngày ấy trên cánh đồi Trung Sơn, cùng trận đánh lẫy lừng năm xưa.
Ngày đó chiến dịch “Ánh sáng sao” của Mỹ bắt đầu phát tiếng súng ngay giữa tháng 8 năm 1965. Một lực lượng hỗn hợp gồm hải lục không quân đã bày binh bố trận khắp đông bắc Quảng Ngãi. Trước đêm vào trận, ngồi dưới ánh trăng cùng hẹn nhau làm nên chiến thắng ăn mừng lễ Quốc khánh năm đó. Hứa với nhau phải về cùng nhau liên hoan. Ngày đó tiêu chuẩn mỗi anh bộ đội mừng Quốc khánh là nửa hộp thịt. Đứa này bắt cặp đứa kia để chia nhau thứ thịt mà anh bộ đội nào cũng mê. Trận đánh Vạn Tường ác liệt. Đêm tiếng pháo súng xé toang trời thâm u. Ven biển đông Bình Sơn, mấy anh bộ đội dàn trận địa dựa thế đồi núi, bãi vịnh mà trấn thủ. Từ cánh đồng gieo phía nam đồi Ngọc Hương, cuộc phản pháo của Trung đoàn 1 và dân quân du kích địa phương mở ra một thế công phá. Trận Vạn Tường chiến thắng giòn giã.
Nhưng, chiến thắng nào cũng có được mất. Đâu đó trên những cánh rừng, ven biển, sườn đồi vẫn có những người nằm lại mãi mãi. Nụ cười tuổi thanh xuân tươi nhất cuộc đời. Có người chỉ vừa qua trận Ba Gia vội về Vạn Tường. Cũng có đứa túi áo còn ghi vội những dòng chữ trên đường hành quân gửi mẹ. Những hộp thịt ngày lễ Quốc khánh năm đó hương khói bảng lảng dành cho đồng đội. Những cái tên ghi vội lên hộp thịt, để lại giữa rừng. Một nửa hộp thịt ấy mãi mãi in đậm trong trí nhớ của ông ngoại.
Tường ngồi bên cạnh chùm hoa khiết bông đỏ rực. Giờ mới biết vì sao ngày vui tháng Chín ngoại thưởng cắt đôi hộp thịt và chỉ ăn một nửa. Gió thổi lời nói trôi bềnh bồng trên vòm trời mùa thu. Ngoại nhắm mắt ngủ thật hiền lành từ lúc nào. Tường không biết nãy giờ là ngoại kể hay là tháng Chín kể?
TỐNG PHƯỚC BẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: