(Báo Quảng Ngãi)- Thị trấn lúc nửa đêm đi vào trạng thái nghỉ ngơi, yên tĩnh. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe máy của bọn choai choai đi chơi về muộn lướt qua. Quán cà phê góc phố nhạc đã ngừng và điện cũng tắt từ lâu. Chỉ còn ngọn đèn đường tỏa ánh sáng êm dịu trong làn mưa bụi lây rây.
MH: VÕ VĂN |
Trời bắt đầu giao mùa nên chớm lạnh. Huy ra khóa cổng rồi trở vào nhà xem lại danh sách, đối chiếu với những suất quà mà nhóm đã chuẩn bị chiều nay coi có trùng khớp hay không. Từ phòng trong, Thảo - vợ anh nói vọng ra:
- Sáng nay, cô Dung gửi thêm năm trăm nghìn đồng, lu bu quá em quên nói với anh.
- Vậy à, để anh xem mua thêm gì cho bọn nhỏ.
- Mùa đông đến rồi, em nghĩ mua tất chân là hợp nhất. Mỗi cháu một đôi.
- Để anh gọi cho chị Hồng, coi giá mỗi đôi bao nhiêu tiền, chứ đến một trăm cháu cả đấy.
Nói xong, Huy mở điện thoại, tìm danh bạ chị Hồng bán quần áo ở chợ thị trấn. Cuộc gọi vừa dứt, anh trầm ngâm giây lát rồi thủng thẳng:
- Giá mỗi đôi là mười lăm nghìn nhưng chị ấy để cho mình mười nghìn em à.
- Thế thì phải thêm vào vì một triệu mới đủ.
- Đúng rồi, còn thiếu năm trăm nghìn.
- Em tính thế này, tiền sinh hoạt phí tháng này mình sẽ bớt một ít. Anh thấy được không?
Huy vừa gấp cuốn sổ lại vừa nói, giọng nhẹ nhàng:
- Em tính vậy là tốt quá rồi, sợ tháng tới đầu quý chậm lương thì vất vả.
- Em nghĩ không đến nỗi nào! Có gì vợ chồng mình về nhà ngoại, nhà nội... xin ăn!
Nghe vợ tếu táo, pha trò, Huy thấy lòng vui lắm. Thực ra, từ ngày gắn bó với công tác thiện nguyện, anh được sự đồng hành, chia sẻ của vợ rất nhiều. Vợ anh chưa nề hà hay than phiền điều gì cả. Ngược lại còn động viên anh mang nhiều yêu thương đến với mọi người. Có lần anh cùng nhóm phải đi vận động kinh phí để giúp đỡ cho trại trẻ mồ côi và khu dưỡng lão, kinh phí có hạn mà nhu cầu lại nhiều. Anh băn khoăn, lo nghĩ. Số tiền dành dụm để cuối năm mua chiếc xe mới thay cho chiếc xe cũ mua từ thời mới cưới nhau cũng được vợ anh san sẻ.
Sau giờ dạy ở trường, nhất là ngày nghỉ, Huy thường tìm hiểu những người cần giúp đỡ. Facebook của anh thường đăng tải những hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn cũng được anh chia sẻ nhằm lan tỏa thông điệp điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hai vợ chồng anh đều là giáo viên, thu nhập vừa chừng, biết thu vén thì cuộc sống cũng ổn định. Anh không mưu cầu gì nhiều, chỉ mong có đủ sức khỏe để đảm bảo cho công việc giảng dạy ở trường và hằng tháng cùng nhóm thiện nguyện đi giúp đỡ người già cả, neo đơn và trẻ em vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn.
Lần này, nhóm sẽ lên làng Tranh, thuộc một huyện vùng cao của tỉnh.
***
Chiếc xe bán tải bất ngờ dừng lại. Cả nhóm nhôn nhao. Thì ra ổ gà to tướng giữa đường khiến bác tài đánh tay lái không kịp. Một bánh trước sụp trọn xuống đấy.
- Phải nhấc xe lên thôi.
Ai đấy vừa cất giọng. Huy ngồi bên cửa xe nhảy xuống đầu tiên. Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào làng Tranh còn xa hút. Không có một bóng người, chỉ thấy những nhà sàn lúp xúp quanh quả đồi bên kia sông.
Trời trưa tròn bóng. Nắng rát và gió cũng nóng. Thời tiết vùng cao lạ thật. Cách nay mấy ngày, ảnh hưởng không khí lạnh, mưa gió triền miên. Có nhiều nơi sạt lở núi, đường sá hư hỏng nặng, giao thông ách tắc. Huy lo lắng, sợ chuyến đi này bị hoãn.
Có người bảo khí hậu vùng cao lạ lắm, thay đổi liên tục. Trong một ngày có thể gom đủ bốn mùa. Sáng xuân, trưa hè, chiều thu và tối đông. Huy đã kiểm chứng điều này và thấy không sai chút nào. Có lần, nhóm thiện nguyện của anh phải ở qua đêm tại một ngôi làng, nhằm ngày trời trở lạnh. Những đợt rét cắt da cắt thịt cứ rít qua khe ván. Cả nhóm ngồi quanh đống lửa đốt vội giữa nhà sàn. Suốt đêm không ai ngủ được, vì lạ và lạnh. Tiếng thác vọng, tiếng cú kêu... Ngoài khoảng không bao la một màn đêm đen kịt, mưa tuôn và gió gào.
Sáng ra, Huy ngạc nhiên vô cùng trước sự vô tư của con nít. Chúng cứ chân đất đầu trần chạy lon ton qua mấy con dốc rồi vòng lên đồi hái sim, hái mua. Còn trên những gương mặt của người dân cảm giác trận bão đêm qua chỉ là một giấc mơ thường thấy. Họ ung dung, tự tại. Họ vui vẻ lên nương, xuống suối. Họ mỉm cười, gật đầu chào khi có khách lạ đến thăm. Những món quà được nhóm thiện nguyện trao mang theo tình người được họ trân quý. Nhìn những đứa trẻ lau nhau ăn từng miếng bánh, hút từng hộp sữa ngon lành, Huy thấy thương và xúc động vô cùng. Vợ anh khi xem những bức ảnh chồng chụp lại trong chuyến đi nhớ đời ấy đã không cầm được nước mắt trước những số phận thiệt thòi.
***
Một hồi chiêng vang lên rộn rã báo hiệu cho dân làng tập trung ở khoảng sân rộng trước ngôi nhà của già làng. Già làng với ánh mắt cương nghị nhưng đầy thiện cảm. Ông mời nhóm thiện nguyện uống rượu cần. Mọi người vui vẻ ngồi quanh vạt nứa trải ở giữa sân, vừa uống rượu, vừa chuyện trò rôm rả.
Người dân trong làng lần lượt kéo đến. Có người đi từ sớm, vượt chặng đường xa, khó đi. Một cậu bé trong bộ quần áo cũ, rộng thùng thình, đưa ta chỉ về phía đỉnh núi:
- Nhà con ở gần đó!
Huy ngạc nhiên, chép miệng:
- Xa thế hả con?
- Con đi học cực lắm, mùa mưa con thường ở lại với thầy cô!
Từng đợt gió thổi mạnh. Những đám mây màu mỡ gà nối nhau trôi. Bầy thiên di cũng vội vã đôi cánh. Một buổi chiều buồn vắng như bao buổi chiều khác ở nơi đây.
Huy không nói gì, cứ nhìn về phía đỉnh núi xa. Xuất hiện lờ mờ sau màn sương là những nếp nhà sàn trông như những tổ chim treo trên vách núi. Ở đấy có những người dân quanh năm gắn bó với làng, ít khi xuống chợ, ra thị trấn. Công việc của họ là chăm đàn gà, con heo, vạt bắp, thửa ruộng. Muốn có cái ăn hằng ngày thì xuống suối bắt cá, lên rừng bẻ măng, nhặt nấm, hái rau. Trường lại xa nên nhiều em học sinh bỏ học giữa chừng, lên núi kiếm củi, chặt đót bán kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Một lần họp lớp sau hai mươi năm tốt nghiệp phổ thông, Huy tình cờ trò chuyện với người bạn dạy học ở vùng cao. Nghe bạn tâm sự mà anh đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thực sự, anh ngưỡng mộ những giáo viên cắm bản, những con người sẵn sàng hy sinh thanh xuân để mang cái chữ, kiến thức đến với trẻ em vùng cao, ở nơi chỉ biết tâm sự với nỗi buồn, chỉ biết đối thoại với mọi người qua chiếc điện thoại mà sóng hay chập chờn, mất kết nối vào những hôm thời tiết xấu...
Người bạn đã củng cố niềm tin cho Huy. Anh đã thấy mình được tiếp thêm sức mạnh từ những điều mà người bạn vun đắp suốt thời gian công tác. Huy muốn bạn làm nhịp cầu nối, san sẻ yêu thương. Người bạn ấy gật đầu, đồng tình.
***
Những yêu thương ngày càng được lan tỏa, nhân rộng. Rất nhiều người biết đến nhóm thiện nguyện. Hôm nọ, đài truyền hình tỉnh vô trường làm chương trình về Huy, về công tác thiện nguyện của nhóm. Anh từ chối mấy lần nhưng người bạn làm bên đài truyền hình cứ thuyết phục mãi.
Trông thấy ba “ở trên ti vi”, con trai anh mới học lớp một vỗ tay reo mừng và đến lớp khoe cùng bạn bè. Huy đến trường, nhận được nhiều lời động viên từ đồng nghiệp và ánh mắt đầy ngưỡng mộ của học trò. Anh chia sẻ công tác thiện nguyện với các em. Có em nhắn tin với thầy giáo rằng: “Em nuôi heo từ đầu năm nay, cũng được kha khá rồi, xin góp chút cùng thầy giúp đỡ các bạn khó khăn”. Đọc những dòng này, Huy cảm thấy xúc động. Thì ra học trò anh dù chưa trưởng thành nhưng đã biết nghĩ, biết mở lòng chia sẻ yêu thương.
Hôm qua, Huy vừa đăng bài xin quần áo mặc ấm cho học sinh của người bạn ở vùng cao, lập tức nhiều người sẵn sàng gửi tiền và trực tiếp mua quần áo mang đến cho anh. Nhóm cũng cho người đi gom những bộ đồ đã qua sử dụng mà người cho đã thông tin qua tin nhắn. Họ đều ở thị trấn, hoặc ngoài thành phố.
***
Cả nhóm gọi chuyến đi lần này là... mùa đông ấm áp. Những túi quần áo đã qua sử dụng được giặt sạch và xếp ngay ngắn. Những bộ đồ mới mua được phân loại theo lứa tuổi. Nhóm phải làm việc suốt hai ngày để lên danh sách, đóng gói từng phần quà. Huy gọi cho người bạn, không giấu được vui mừng vì sự hỗ trợ nhiệt tình của mọi người. Người bạn rối rít cảm ơn và bảo rằng, trên ấy thời tiết đã thay đổi. Ngày nào cũng mưa, kèm theo gió lạnh. Học trò đến lớp run lập cập trông rất thương.
Huy bước ra cổng, nhìn con đường chạy ngang nhà, hai hàng cây mùa này đang trút lá. Lá vàng lao xao theo từng cơn gió. Huy thấy lòng nhẹ lâng, nghĩ về ngày mai, nhóm của anh sẽ đến với trẻ em vùng cao. Những chiếc áo sẽ phần nào sưởi ấm, xua bớt cái lạnh của mùa đông đang về.
SƠN TRẦN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: