(Báo Quảng Ngãi)- Dưỡng nhận tin nhắn của đám bạn học vào một chiều thành phố đầy gió. Gió rải lá khơi vàng lên từng góc đường. Bây giờ là tháng Mười Một, miền biển hay gọi là gió non. Có nghĩa là sau một mùa dông bão, những cơn gió mới tràn về sẽ nhẹ nhàng và mang hơi lành lạnh phơn phớt lên da thịt người xứ biển. Gió non để còn gọi người xa xứ quay về. Đám bạn réo nhau tụ về bất thình lình bởi còn thời gian nào thì quý thời gian đó. Dưỡng thở dài ngó phố xá giờ tan tầm đang réo rắt tiếng còi xe. Tấp vào một quán nước lạ, Dưỡng ngồi nghe thành phố trở mình theo từng nỗi nhớ.
MH: VÕ VĂN |
Dưỡng đến thành phố này theo ước mơ nuôi nấng con chữ. Ngỡ chỉ là một quãng ngắn nhưng chừng ngoảnh lại đã hơn hai chục năm trời. Thoảng khi chỉ kịp về nhà ngày giỗ hay Tết, còn lại thì quay cuồng với mưu sinh cơm áo gạo tiền. Đám bạn xứ biển của mình cũng năm ba đứa gói ghém ước mơ vào giấc ngủ nơi phồn hoa đô thị này. Nhưng, ở miền nắng ấm phương Nam, đâu phải ước mơ nào cũng được thắp sáng. Có đứa chịu không thấu về lại làng biển sống với nghề ra khơi của gia đình. Có đứa dạt đâu lên tận một khu công nghiệp của miền Đông. Cũng có đứa xuôi chuyến tàu đêm ra tận ngoài Bắc. Cánh diều thuở nhỏ kéo căng đời đám trẻ phiêu bạt muôn phương. Có chăng là những tin nhắn hỏi han. Cũng có khi hỏi thăm về cô giáo, rồi dặn lòng chờ ngày nào đó về ghé thăm. Chắc cô giờ chẳng nhớ hết đám học trò. Mấy mươi năm đứng lớp, cũng ngần ấy thế hệ học trò đến và đi, mấy khi cô nhớ kỹ từng đứa nhỉ? Ai đó hỏi, rồi cũng ai đó trả lời cô vẫn nhớ. Nhớ con Dung vẫn ước mơ làm bác sĩ khi làng biển một mùa bão lũ vừa rút thì xảy ra dịch bệnh làm cả làng vất vả. Nhớ luôn hai anh em thằng Bình, thằng Sơn nghịch nhất lớp, nhưng lại mau nước mắt nhất, giờ vẫn là hai đứa qua lại chăm cô như chăm mẹ. Có lần cô nhắc Dưỡng. Cô nói nếu Dưỡng về thì đám con nít làng biển mới thôi nhọc nhằn phận đời. Đó là hôm cô dạy buổi cuối cùng, rời xa bục giảng.
Gió vẫn thổi. Ở thành phố này vốn dĩ không có bốn mùa rõ rệt với xuân, hạ, thu, đông, chỉ vỏn vẹn hai mùa mưa, nắng đi về. Lòng người cũng như gió. Gió thổi miên man. Lòng cũng trống trải. Gió qua phố cũ như lòng người vương chuyện xưa. Dưỡng ngó tin nhắn từ chiếc điện thoại. Chiều âm thầm trôi vào đêm.
***
Cô về dạy học ở làng biển Mỹ Tân sau một cơn bão. Ngôi trường duy nhất của vùng biển xa này tường xiêu mái đổ. Đám học trò trong bộ quần áo lem luốc ố vàng. Sách vở trôi theo sóng nước. Con chữ cũng lênh đênh ngoài khơi xa. Người dân trong làng vẫn nói cô gan dạ. Xứ biển này toàn thầy giáo về dạy học, mà cũng có khi về năm ba tháng chịu không nổi thì xin đi. Học trò xứ biển chỉ cần viết được cái tên, chỉ cần biết tính toán để bán cá, mực... Đứa nhỏ theo đứa lớn ra bãi chờ thuyền câu. Đứa lớn hơn theo cha ra ngoài khơi xa. Đàn bà, con gái quẩn quanh chuyện nhà cửa. Nhiều người ở làng biển bảo rằng, học chi nhiều rồi sóng cũng đánh cho tan chữ nghĩa.
Nhưng rồi, cô giáo về, gầy dựng lại trường, cô đến từng nhà, gõ từng cửa vận động học sinh ra lớp. Học đi các con, học để còn biết ngoài biển ra, đất trời rộng lắm. Ngoài cá tôm ra, con người ta còn sống bằng nhiều thứ khác. Học đi các con! Lớp học đầu tiên dựng lại từ đống đổ nát sau bão chỉ vỏn vẹn chục đứa. Mỗi đứa một tính, mỗi đứa một tuổi. Cô cười tươi đón học trò. Nét chữ được gò lại trên trang giấy in hằn vệt vàng ố từ sóng cát. Cứ vậy mà chúng đi theo cô đến chừng hết tiểu học.
Ngày tốt nghiệp khóa đầu tiên, xã cử người xuống, đám trẻ háo hức hỏi chuyện ra thị trấn học lên trung học. Ông trưởng phòng mắt rướm đỏ, vuốt đầu cô giáo, rồi đứng từ cửa lớp học nhìn về phía biển. Biển vẫn rì rào sóng vỗ. Ông bảo đừng ở đây nữa, đừng cãi lời cha, về đi, về thị trấn cha lo chỗ dạy tốt hơn ở cái làng biển hiu hắt này. Về đi, đàn bà làng biển chỉ toàn đợi chờ, hoài vọng. Bao nhiêu người đàn ông ra khơi là bấy nhiêu người đàn bà thấp thỏm trong nỗi sợ ly biệt. Về đi, sóng cho đời người biển tôm, cá để nuôi thân, nhưng sóng cũng nghiệt ngã vỗ bạc mái đầu của đàn bà xứ biển. Bạc như màu của sóng. Mấy đứa trẻ mới hết tiểu học chưa hiểu gì, nhưng chắc chắn biết sợ. Chúng sợ cô giáo bỏ làng biển.
Đêm chúng không về, cứ nằng nặc ở lại trường. Chúng theo cô giáo lang thang ra bãi. Con trăng biển to chấp chới giữa trời đêm thâm u chẳng một vì sao. Chúng theo cô lên đồi Gió. Nén nhang cô cắm vội ở nắm đất của thầy giáo Hải. Giờ chúng mới biết, bao lần lên đồi thấy ngôi mộ gió này luôn ấm mùi nhang là do cô. Thầy giáo người ngoài thị trấn. Hồi thầy mới về đây trường vẫn còn đang xây, lớp học cũng chỉ mấy đứa trò nhỏ nghịch dại. Hôm đi học, hôm đi biển. Có đứa đang học thì má chạy tới kêu về ra bãi phụ lựa cá. Cũng có đứa quần áo ướt nhem tanh nồng mùi biển. Nhưng thầy giáo Hải chẳng nề hà gì. Thầy chọn làng biển bởi thầy thương những đứa trẻ đến nỗi cái tên vẫn chưa biết viết ra làm sao. Ngày cơn bão ập đến, thầy chạy vội về phía nhà mấy đứa nhỏ để chằng chống. Gió và nước. Dông và sóng. Tất cả đổ ập vào một đêm cuồng nộ mưa giăng như trời trút cho cạn nguồn cơn. Căn nhà thầy đang chằng phía cuối bãi bị cuốn đi. Tận mấy hôm sau vẫn chẳng tìm thấy xác thầy. Người ta nói thầy hóa sóng nước của khơi xa ngoài kia. Mộ gió được dân làng đắp lên, cũng là lúc cô bắt đầu về đây.
Cô dẫn đám học trò về lại trường. Ngôi trường dạo đó chỉ một lớp học. Phía trước dựng lớp, phía sau là một mái nhà nhỏ. Đêm cô nấu cho đám học trò món cháo đậu xanh, rồi lại ngồi cùng nhau bên đống lửa củi khô bập bùng. Cô chẳng đi đâu. Cô về làng biển này là vì một người. Người còn ở đó, sao mình đi được. Nhưng, tới lúc này, có đi cũng chẳng nỡ lòng bởi còn phải chờ tụi con quay về. Đám học trò cứ vậy mà thả tung cánh diều ước mơ với cô. Đêm tí tách lửa.
Đêm đó ngồi cùng cô giáo của mình, đám học trò ngỡ chỉ như thoáng chốc. Vậy đó, chừng đám học trò ngoảnh lại cũng đã mấy mươi năm. Thời gian không bao giờ biết đi lạc, cứ tuần tự mùa nối tiếp mùa. Chỉ con người ta là cứ lạc về những nẻo xa hun hút.
***
Dưỡng về, theo chuyến xe đêm vội vàng, rồi chuyển thêm chuyến xe buýt từ thị trấn về làng biển Mỹ Tân khi nắng đã bắt đầu phủ lên làng chài ánh vàng. Nửa đời người phiêu bạt, đi và gặp, thấy và biết, cười rồi khóc nhưng chưa lần nào đứng trước ngôi trường mình từng học thời thơ ấu lại khiến Dưỡng nghẹn như lúc này. Trường mới nay đã khang trang với tường gạch quét vôi sạch đẹp. Mái đỏ cong nghiêng như ráng chiều phủ lên xứ biển này. Bàn ghế cũng tươm tất hơn những chiếc bàn làm bằng thúng cũ ngày xưa. Dãy nhà sau dành cho giáo viên cũng đã được dựng lên kiên cố. Trường giờ mở rộng đến cấp 2. Đám trẻ chỉ cần lên cấp 3 sẽ ra xã học. Có tuyến xe buýt nối liền từ thị trấn về Mỹ Tân ngày vài chuyến. Bao nhiêu năm rồi Dưỡng đi và về làng chài quê mình, là bấy nhiêu lần ngơ ngác trước sự đổi thay. Lớp trẻ ngày đó nhờ con chữ của cô mà mang chí lớn đi khắp phương trời. Đi về những vùng trời tươi mới mà ở đó đám trẻ không sống bằng nghề biển. Nhưng, cũng từ những nơi xa xăm nào đó trên khắp đất nước, đám trẻ quay về làm giàu đẹp hơn làng chài. Duy chỉ có một điều, bước chân đi càng xa hun hút, nẻo về vẫn thưa thớt lối. Dưỡng ngồi lại bên cụm đất cũ. Thấy khói của đống lửa đêm đó cùng cô như xộc thẳng vào mũi, vào mắt. Thấy lời cô cứ văng vẳng bên tai.
Chiều ráng mỡ vàng màu hột gà lên từng mái nhà làng chài. Mùi cơm chín réo đám trẻ tụ lại ngôi nhà nhỏ nơi cuối bãi của cô. Cô dọn về đất này sau khi quyết định gắn phần đời trọn vẹn với Mỹ Tân. Ông cha làm trưởng phòng ngăn cản năm lần bảy lượt không được đành buông xuôi. Thôi thì miễn cô an lành vui sống với xứ biển là ông cũng vui.
Đám trẻ ập đến, chục đứa vẹn nguyên nhìn mái tóc bạc của cô lòa xòa trong gió. Đám trẻ về theo tháng Mười Một. Sóng âm ba theo từng tiếng cười nhắc nhớ kỷ niệm. Thời gian với cô giờ đâu còn dài, ngày đếm theo con trăng lặng, tính theo ánh mặt trời rạng. Cứ còn thương thì lòng đám học trò tự khắc biết soi cho nẻo về thêm gần gũi.
Dưỡng cõng cô lên đồi Gió. Chân cô đã yếu không còn đi được nữa. Đám bạn tíu tít theo sau. Cô thắp nén nhang lên mộ thầy giáo Hải. Lẫn trong tiếng sóng biển là tiếng cười réo rắt của đám học trò. Lớn bao nhiêu tuổi, nhưng ngày về bên cô vẫn chỉ là đám trẻ của ngày xưa xa mà thôi!
TỐNG PHƯỚC BẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: