Truyện ngắn: Nhà mới...

22:32, 05/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy hôm nay Hiền cứ đi về cả trăm cây số một ngày bằng xe máy. Hiền tự động viên mình cố gắng, chỉ hai tháng nữa là nhà xây xong. Lúc ấy các con không phải sống tạm bợ trong cửa hàng giày dép của bà ở chợ. Lúc ấy Hiền sẽ kết thúc những ngày phơi mặt ngoài đường để chạy vạy đủ loại giấy tờ, để giám sát thi công, để tự tay đi mua từng con ốc vít, để trông coi vật liệu. Và có lúc Hiền phải tự mình thò tay móc cống giữa trời mưa vì đám thợ ăn uống vứt rác gây tắc cống. Cuối giờ chiều sau khi đã đếm xong vật liệu, Hiền vội vã trở về nhà. Nhà cũng không phải là nhà, chỉ là cửa hàng bán quần áo của mẹ được ngăn đôi bớt lại một phần cho bốn con người ở tạm qua ngày. Hiền đón đứa lớn, xoay đứa nhỏ. Chợ búa, cơm nước, tắm rửa cho con xong chỉ muốn ngất đi vì mệt. Nhưng còn kèm con học, còn giúp mẹ dọn hàng, còn mở máy tính làm việc đến khuya. Văn ở xa nào có biết vợ phải vất vả thế nào...

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

 

Chiều nay Hiền vừa chạy xe về nhà vừa khóc sau khi cãi nhau với chồng. Đàn ông ấy mà, lúc nào chẳng thích ra oai với thiên hạ. Nhưng cái kiểu ra oai khinh vợ như Văn thì thật không tài nào chịu nổi. Văn đi cả tháng mới về, chuyện xây nhà Hiền lo đến từng viên gạch. Ấy thế mà chiều nay vừa về Văn đã nổi hứng yêu cầu thợ đảo lộn mọi bài trí trong nhà mà không thèm hỏi qua ý kiến của Hiền. Văn bảo:
- Chỗ để ti vi tường phải làm lõm vào. Bộ sofa thì để góc kia.
- Em nghĩ không nên làm tường lõm như thế trông rất xấu. Cứ xây bằng phẳng, đắp thạch cao làm khung vừa đẹp lại vừa sang. Sao ti vi để giữa nhà mà sofa lại đặt chéo thế kia thì làm thế nào xem được?
- Ôi dào. Làm gì có thời gian xem ti vi mà em cứ phải lo - Văn phẩy tay bực bội.
- Mua ti vi mà không xem thì anh mua để làm gì?
- Anh đang nói chuyện với thợ sao em cứ nhảy vào cắt ngang thế nhỉ. Đàn bà thì biết gì?

Đám thợ đều giật mình trước sự to tiếng của Văn. Hiền cảm thấy xấu hổ bởi cách xử sự thô lỗ của chồng. Đây không phải lần đầu Văn tỏ ra xem thường vợ. Từng có những nụ cười nhếch mép, những cái phẩy tay, những lời vô tâm hời hợt. Chồng người ta lúc nào cũng nâng vợ mình lên trước mắt người khác còn riêng Văn lúc nào cũng muốn dúi vợ mình xuống đất. Là đàn ông trong nhà nhưng bao lâu nay mọi công việc đều do Hiền gánh vác. Văn mới đi làm được bốn năm nay chứ mấy. Trước kia, khi mới lấy nhau Hiền phải làm đủ thứ việc để lấy tiền nuôi chồng ăn học. Văn cầm hai tấm bằng đại học trong tay cũng là lúc tuổi xuân Hiền cạn đáy. Lúc Văn bôn ba đó đây thì Hiền ở nhà sinh con, bốn năm hai đứa. Hiền không đi làm, sáng ra thay vì áo váy phấn son đến công ty thì lao vào bếp nấu cháo cho con. Có khi quên cả rửa mặt, chải đầu. 

Ngày của Hiền được tính bằng bốn bữa cháo cho con, một chậu quần áo đầy, cửa nhà luôn cần lau dọn. Nên Hiền cũng như nhiều bà mẹ bỉm sữa khác thường quên cả soi gương. Thỉnh thoảng chồng đi xa về, mắt chồng thành cái gương soi vợ. Em mặc giẻ lau trên người đấy à? Em không vén tóc mái lên gọn gàng được sao? Lòa xòa đến mức người khác nhìn vào cũng thấy nóng nực. Sáng ra em không rửa mặt hay sao mà nhem nhuốc thế kia? Những lời càu nhàu ấy Hiền đã quen rồi. Dù có lúc cũng chua chát tự hỏi vài năm về trước Văn là ai chứ? Gầy đét, đen nhẻm chìa tay xin vợ từng đồng tiền ăn trưa, tiền đóng học phí. Hiền ra ngoài đầy lời ve vuốt, soái ca đâu có thiếu nhưng cũng chưa bao giờ mở miệng chê chồng. Những năm tháng ở nhà chăm con Hiền vẫn chờ đến một ngày có thể rũ bỏ nhàu nhĩ để khoác lên mình váy vóc tươi xinh. Đó là khi nhà đã xây xong, các con có một chỗ ăn ngủ tử tế. Không phải sống chật chội giữa chợ búa xô bồ nhốn nháo. Không phải xót xa mỗi khi có tiếng chửi bậy vọng vào bữa ăn, giấc ngủ của con. Không phải để các con phải chứng kiến cảnh giành giật trả giá hàng hóa, đánh ghen, trộm cắp. Bốn giờ sáng chợ mở, xe chở hàng hóa ùn ùn. Tiếng quát tháo, tiếng còi xe inh ỏi khiến con Hiền giật mình thon thót. Rồi có đêm nóng quá, mấy mẹ con, bà cháu nằm chen chúc nhầy nhụa mồ hôi không quạt nào dịu nổi. Hiền thấy đời cực quá nên phải chạy vạy vay mượn xây cho bằng được một ngôi nhà. Văn đâu hiểu hết được những khó khăn mà mấy mẹ con Hiền phải trải qua.

***

- Anh đã dặn thợ trước nhà sẽ để hòn non bộ và giăng đèn nhấp nháy.
- Nếu như biệt thự rộng rãi thì anh muốn để hòn non bộ em cũng không ý kiến. Đằng này trước nhà trống có vài mét vuông. Em nghĩ nên trồng một cây xanh hoặc bụi hoa gì đó trông có sức sống hơn. Để hòn non bộ mà bận không thay nước được lại thành chỗ chứa lăng quăng, bọ gậy. Muỗi lại đầy nhà đốt con thì khổ.
- Em thì biết cái gì. Anh làm xây dựng chẳng nhẽ anh không biết bố trí sao cho hợp lý à. Các khung ảnh trong nhà đều sẽ được chăng đèn led, không thể để trống trơn thế này.
- Nhà mình đâu phải có tiền để sưu tầm những bức tranh nổi tiếng mà chăng đèn led xung quanh. Chỉ là những bức tranh hoa cỏ bình thường, anh chăng đèn trông sẽ rất kệch cỡm. Hơn nữa em không đồng ý bếp lát gạch tối màu đâu.
- Tối màu thì mới sạch.
- Em đồng ý là bếp thì phải sạch. Nhưng anh lát gạch tối màu thì làm sao em thấy được chỗ nào bẩn để lau.
- Nhưng anh muốn vậy. Không bàn cãi.
- Lấy nhau gần tám năm nay thử hỏi đã bao giờ anh vào bếp nấu một bữa cơm? Vậy tại sao lại can thiệp vào căn bếp của em?

Văn phẩy tay bỏ đi. Lại là cái phẩy tay khinh khỉnh. Văn bây giờ là sếp, dưới một người trên cả trăm người. Đi đâu có xe con đưa đón. Lương hằng tháng vài chục triệu đồng. Tiền làm được Văn tiêu xài chỗ nào Hiền đâu có biết. Tháng mang về chục triệu đồng tưởng là to, Văn đâu biết đóng tiền đi học cho con cũng vơi hết nửa. Hai đứa đi gửi trẻ rất tốn kém. Gửi trường giá thấp thì không yên tâm, điều kiện ăn ở không đảm bảo vệ sinh. Mà gửi trường tử tế thì mỗi tháng đóng tiền thấy nóng ruột. Lại còn đủ thứ chi phí sinh hoạt hằng ngày nữa. Hỏi tiền đâu để mua đất, xây nhà nếu Hiền không xoay xở khắp nơi. Văn đi suốt ngày, về nhà là lăn ra ngủ. Từ lúc đi làm chưa bao giờ Văn thò tay sửa bóng điện, quét hộ vợ cái nhà. Vậy thì sao lại giành việc bài trí ngôi nhà với một người quanh năm vun vén. Nhẽ ra Văn phải hiểu đàn bà ấy mà, họ tha thiết cái tổ được chính mình thêu dệt. Từng bông hoa, từng cái rèm cửa, cái lót tay, bắc nồi đều thêu thùa một ước mơ nào đó. Đàn ông như Văn sao hiểu được.

Hiền trở về nhà sau một ngày mệt nhọc, nằm ập xuống giường mê man  trong những tiếng gọi của chính mình. Hiền muốn gọi mình tỉnh dậy để ra chợ mua cá nấu canh chua cho con. Muốn gọi mình tỉnh dậy để đi lau lại sàn nhà. Bụi đường, bụi từ vải vóc quần áo, bụi từ giày dép khách hàng mang vào xuyên thấu qua tấm ri đô bay vào góc nhỏ chật chội này. Hiền không muốn sờ đến đâu cũng thấy bụi, từ cốc nước để uống đến cái gối kê đầu. Càng không muốn những bàn chân bé nhỏ hồng hào của con nhuốm đen bụi sau mỗi bước đi. Hiền cố gắng thoát khỏi cơn mê man, khi tiếng chuông báo điện thoại kêu lên inh ỏi. Ngó ra đường thấy nắng tắt, trời dịu mát, đã đến giờ tụi nhỏ tan trường, Hiền đi đón các con thôi.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:32, 05/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.