(Báo Quảng Ngãi)- “Thử nói về hạnh phúc” là tập thơ của nhà thơ Thanh Thảo, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2023. Thơ Thanh Thảo nhiều suy ngẫm, trăn trở, nhưng suy cho cùng, niềm tin về sự chuyển mình, đi lên của đất nước vẫn sáng lên trong từng trang suy ngẫm ấy.
Tập thơ “Thử nói về hạnh phúc” được kết cấu thành 3 phần chính: Những bài thơ nửa thế kỷ trước, Thơ thời bao cấp, Và mấy chục năm sau. Kết cấu hình thức là thế, nhưng về nội dung, nhà thơ Thanh Thảo lại cấu trúc theo mô-típ đã làm nên “thương hiệu” thơ mình từ trước đến nay, đó là cấu trúc của “trò chơi ru-bích”. Nghĩa là, những bài thơ ở phần “Và mấy chục năm sau”, tác giả sắp xếp ở phần mở đầu và kết thúc tập thơ. Lấy phần “Những bài thơ nửa thế kỷ trước” và “Thơ thời bao cấp” làm tâm, rồi để những bài thơ viết ở phần “Và mấy chục năm sau” chuyển động tròn, xoay quanh tâm ru-bích nhằm hấp dẫn người đọc.
Phần “Những bài thơ nửa thế kỷ trước”gồm 13 bài viết trong thời chiến, tác giả chọn những tác phẩm tiêu biểu, trong đó có những bài thơ nổi tiếng từng làm nên tên tuổi Thanh Thảo ngay những ngày đầu vào chiến trường miền Nam. Những bài thơ này xác lập vị trí riêng của “thế hệ thơ chống Mỹ”: “một thế hệ thức nhiều hơn ngủ/ xoay trần đào công sự/ xoay trần trong ý nghĩ/ đi con đường người trước đã đi/ bằng rất nhiều lối mới”(Một người lính nói về thế hệ mình). Đó là những người lính tự ý thức cao về vị trí và trách nhiệm của mình trong việc xác lập lý tưởng chiến đấu: Tất cả vì đất nước thân yêu! “chúng tôi không muốn chết vì hư danh/ không thể chết vì tiền bạc/ chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng/ những liều thân vô ích/ đất nước đẹp mênh mang/ đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt/ chỉ riêng với Người, chúng tôi dám chết!”. Đây là những câu thơ trong bài “Thử nói về hạnh phúc” được lấy làm tên chung cho cả tập thơ.
Phần “Thơ thời bao cấp” gồm18 bài thơ, là những suy ngẫm của nhà thơ trong những tháng ngày khó khăn, gian khổ của đất nước sau chiến tranh, bắt tay vào xây dựng cuộc sống thời bình. Ở đó có những người con từ chiến trường về với niềm vui gặp mẹ, gặp quê: “giặc giã tan rồi con được đắp chăn bông/ được trôi theo đường làng mùa này tre đổ lá/ nghe nao nao lửa bếp mùi rơm rạ/ ngọn lửa chiều mẹ ủ đã mười năm” (Giấc ngủ trưa của người lính an dưỡng); có những người “lặng lẽ đạp xe đạp đi làm/ mỗi ngày ba mươi cây số/ lại lo cơm lo rau từng bữa” (Nhớ bạn thời khốn khổ); có những tình yêu thánh thiện, thật lòng ngay trong nghèo đói: “không hẹn ước không giận hờn không nhà cửa/ suốt ngày Chủ nhật/ mà buổi sáng rét ngọt anh đã xin em năm xu/ lúc ấy hiện trước em con người anh như thế/ chẳng có gì bày vẽ thêm đâu” (Nhớ). Dù sống trong muôn ngàn gian khổ, khó khăn “thời bao cấp”, nhà thơ vẫn không mất niềm tin, sống “thoải mái” với những niềm vui hiện có: “chúng ta còn mong gì hơn nữa/ những suy tư gạt tạm ra ngoài/ đây câu chữ như bàn tay thoải mái/ cầm cốc bia mát lạnh làn da” (Ngẫu cảm).
Phần “Và mấy chục năm sau” có27 bài thơ, sáng tác từ sau đổi mới đến nay, vừa để mở đầu, vừa kết thúc tập thơ như những ô vuông ru-bích xoay chung quanh những tháng năm chiến tranh máu lửa và cả một thời bao cấp khó khăn. Tham gia “trò chơi ru-bích”, người đọc sẽ gặp lại những ô màu đỏ nhớ về thời chiến: “vào đúng lúc chị Trâm mơ thấy hòa bình/ súng nổ/ những viên đạn găm vào giấc mơ” (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình); sẽ “xoay” ra những ô màu xám của những tháng ngày tiếp tục khó khăn qua hình ảnh những người phụ nữ cần lao giữa cơ chế thị trường: “dậy từ lúc hai giờ sáng/ ra chợ đầu mối, kéo xe hàng/ 4.0 là cái chi, các chị đâu màng/...không biết tám tháng ba vì ngày nào cũng là ba tháng tám” (Tôi nghĩ tới những người phụ nữ ấy)... Người đọc còn “xoay” ra các ô màu nâu với những ngẫm suy trước những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đạo đức đang ngày càng mai một: “những ngôi nhà mọc lên như tia chớp/ những vật dụng tiện nghi liên tục đổi dáng hình/ những cặp vợ chồng ly hôn như cơm bữa/ những người già mỗi phút mỗi già thêm/ đường phố sạch hơn nhưng sông suối bẩn hơn/ đến biển cả cũng chứa đầy chất thải/ ta đầu độc cá rồi ta ăn cá/ vòng luân hồi này Đức Phật cũng chào thua” (Trước thế kỷ 21)... Nhưng ở đây, ta cũng gặp những ô ru-bích màu xanh của niềm vui, tin yêu trước những nét đẹp truyền thống vẫn được trao truyền dù ở làng hay ở phố: “ở thành phố mà cứ như ở làng/ con tôi ngày trọ học được bà chủ nhà thương/ như con đẻ/ tôi từ Quảng vào thăm con, bà mời tôi ăn cơm tấm ghế/ như mời người trong nhà” (Sài Gòn “bao” đủ thứ)...
Thơ Thanh Thảo triết lý, nhiều suy ngẫm, trăn trở, nhưng suy cho cùng, niềm tin về sự chuyển mình, đi lên của đất nước vẫn sáng lên trong từng trang suy ngẫm ấy, giống như cô dâu chú rể cùng nắm tay nhau “về đích” tân hôn cho dù đầy trời mưa lũ: “cả hai họ tưng bừng lội nước/ chú rể cô dâu cầm tay nhau về đích”. Vì vững niềm tin đất nước, tình yêu “mai này sẽ nở hoa”: “còn chồi chắc sẽ còn cây/còn tình yêu tất có ngày nở hoa” (Đám cưới ngày lũ lụt).
MAI BÁ ẤN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: