Truyện ngắn: Mưa chiều miền Trung

14:35, 29/10/2023
.


1

(Báo Quảng Ngãi)- Cơn mưa kéo dài hơn hai tiếng, cuối cùng cũng ngớt. Sau cơn mưa nặng trĩu là một làn gió nhẹ. Gió thổi mơn man cành đào, lay những tán cây đẫm nước, từng hạt chạm vào mái tôn kêu lụp bụp, lúc to lúc nhỏ, tạo nên một dòng âm thanh khó nghe.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Mẹ ngồi trong căn nhà cấp bốn, trên chiếc ghế đẩu cũ kỹ sờn màu, ánh mắt hướng về nơi xa xăm, không ai biết được mẹ đang nghĩ điều gì. Trước mặt mẹ là một luồng nước nhỏ đang chảy rào rào từ ngoài đường vào đám ruộng phía dưới, là kết quả của việc mưa không ngớt suốt hơn hai tiếng. Chiều nào cũng thế, mẹ luôn ngồi đấy, một mình, quạnh quẽ, nhìn những cơn mưa.

Có lẽ, mẹ có sự hoài niệm với chính mình, về những cơn mưa? Cả cuộc đời đằng đẵng hơn bảy mươi năm của mẹ, là ký ức về những lần mưa gió? Những lần mẹ đi đào khoai cho kịp đem về nhà, để khoai không bị ngập nước, để khỏi bị thối củ. Những lần mẹ đi gặt lúa vội vàng, để lúa không bị chìm sâu trong nước, hỏng cả một mùa vụ. Miền Trung mưa gió, bão lũ triền miên, lại bất thình lình, không theo một quy luật cố định cụ thể nào cả. Ai mà đoán nổi ông trời? Hay những lần mẹ đi bắt cá ngạnh, cá chép, trên những con mương, khi đầu mùa mưa đến.

Giờ mẹ đã gần tám mươi, một đời người cơ cực cũng đến lúc cần nghỉ ngơi. Hơn sáu mươi năm lam lũ làm lụng, từ một cô gái mười lăm tuổi cho đến trên bảy mươi, mẹ trải qua biết bao niềm hân hoan hòa bao nỗi buồn xót. Người nông dân mang trong mình sự đắng đót vì ông trời không thương, nào thốt thành lời. Mùa mưa thì vẫn cứ đến, như một quy luật bất di bất dịch, dù thời điểm mưa xảy ra không đồng nhất về thời gian, nhưng sự toang hoang sau cơn mưa lũ, dù tháng nào trong năm cũng là sự mất mất. Và dẫu nhiều mất mát, mẹ vẫn chịu đựng được. Người phụ nữ miền Trung có phẩm chất tuyệt vời, đó là lòng cam chịu. Đời sống thuần nông, chăn nuôi, trồng trọt bấp bênh, không cam chịu thì biết làm sao?

Mẹ có bảy người con, nuôi lớn khôn, rồi bỏ mẹ đi biền biệt. Có chăng, đó là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời của mẹ? Dù thiên nhiên có trắc trở như thế nào đi nữa, mẹ vẫn vượt qua được, nhưng các con rời mẹ, ra đi làm ăn nơi xa xôi, nỗi nhớ con nào dễ nguôi ngoai.

2

Mẹ còn nhớ, đứa con lớn nhất trong nhà, sinh ra vào đúng ngày mưa lụt. Đó là trận lụt lịch sử. Gần sáu mươi năm rồi thì phải! Trâu, bò, heo, gà chết nổi trên sông. Nhà cửa bị cuốn trôi, nhiều người không có chỗ ở. Miền Trung nghèo xác xơ, sau cơn lũ trở nên tiêu điều, trơ trụi. Đó là những năm tháng đói khổ, có nhiều gia đình phải đi xin ăn. Đôi lần, mẹ kể lại cho con cháu nghe vậy. Và mẹ cũng không ngoại lệ, phải đi mượn từng lon gạo về nấu cho con, cố chịu qua cơn bão lũ, đến mùa thu hoạch năm sau, lại đem trả. Nhờ tinh thần tương thân tương ái, người miền Trung đã cùng nhau vượt qua bao mùa mưa lũ, hết đời này tới đời khác, là truyền thống quý báu tổ tiên để lại.

Như bao người con khác, của bao gia đình khác, trong hoàn cảnh khó khăn đó, anh lớn quyết chí ra đi, tìm một nơi mong thay đổi số phận, khi anh hơn mười lăm tuổi. Người mẹ, dù thương con lắm, nhưng chí con đã quyết, lòng mẹ nào dám can ngăn. Nó ra đi, thì cũng như thằng Tèo, thằng Tí nhà ông Hưng và bà Thịnh, hoàn cảnh chung mà. Nhiều lần, mẹ lan man nghĩ thế, để an ủi nỗi niềm khi con đi xa.

Sau anh Hai, tới anh Ba, anh Bốn, anh Năm, mỗi người mỗi hướng khác nhau, nhưng không ai chịu bám mình nơi đất quê để kiếm kế sinh nhai. Mẹ đành để con đi mưu sinh nơi xứ người, mong có ngày đổi khác.

Nhưng cuộc đời đầy lẽ vô thường, thành bại sống chết nào có biết được đâu? Các anh ra đi, là cũng vì muốn tự lập, để dành phần ăn phần uống lại cho các em, âu cũng hợp lý hợp tình. Sau các anh, còn có ba người em thơ dại khác. Người cha, là trụ cột gia đình, không ý kiến gì, nên mẹ cũng đành êm xuôi.

3

Đó là vào những năm tháng cuối thập niên tám mươi, đầu thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi, tình hình kinh tế mới thoát khỏi chế độ bao cấp ít năm. Ở thành phố xa xôi, những vùng kinh tế mới, là nơi thu hút nguồn lao động khắp cả nước. Quê nghèo của mẹ thì vẫn vậy, đất cát bạc màu, khó khăn chồng chất khó khăn. Cái xã nghèo nhất nước ấy, con người dù nghèo vẫn cố bám đất mà neo giữ hồn quê. Ba muốn theo lời kêu gọi của chính quyền, đi làm kinh tế mới, nhưng mẹ không đồng lòng. Hồn quê đã quyện vào với bao ngọt bùi đời người, mẹ yêu quê hơn bất cứ nơi đâu. Con ra đi, có chúng bạn, có họ hàng, trăm sự nhờ trời! Dù lòng nhớ con quay quắt.

Thời gian qua đi, bao mùa mưa, bao mùa bão lũ đến rồi lùi vào dĩ vãng, mảnh đất miền Trung hứng chịu đau thương rồi lại hồi sinh, như cái điệp khúc nắng mưa ngàn năm mòn cũ. Mẹ vẫn miệt mài cày cấy nuôi con. Làng quê heo hút thẳm sâu, không điện đài, không thông tin liên lạc, những đứa con xa quê bặt tin. Mẹ luôn cầu trời, Phật phù hộ độ trì. Niềm vui của mẹ, tựa vào mấy đứa em. Sau bốn người anh lớn, mẹ lại tiếp tục bảy lần mang thai, nhưng chỉ giữ được ba đứa, là hai gái, một trai. Những buổi chiều, khi cơn mưa ập đến, mẹ ngồi bó gối nhìn mái nhà tranh giọt nước mà lòng bùi ngùi một nỗi mênh mang. Mẹ nhìn dòng nước mải mê chảy từ máng xối ra ngoài hiên gạch, rồi chạy thẳng ra đám ruộng trũng ngoài vườn. Ba theo bà con xóm làng ra đồng bắt cá. Các con đi học chưa về. Mẹ lau vài giọt nước mắt chực trào trên khóe mi, lúi húi vào bếp nấu cơm.
Trời mưa, những thanh củi âm ẩm, khói bay lên. Cay xè.

4

Ba người con trai lớn đã ổn định nơi xứ người. Mẹ yên tâm. Họ đã lập gia đình và có con. Họ đã có gia đình riêng, năm thì mười họa mới trở về thăm quê, thăm mẹ. Mẹ không băn khoăn, chỉ cầu mong các con hạnh phúc. Nơi đất khách, dù khó khăn, còn đỡ nhọc nhằn hơn quê mẹ.

Ba chị em sau, dần lớn khôn, đứa nào cũng ham học, ham làm. Mỗi đứa mang trong mình một ước mơ riêng, dù chưa biết khi nào mới thành hiện thực. Người chị đậu đại học. Gia đình đông người, hoàn cảnh khó khăn, thấy con có ước mơ, có chí học hành, mẹ lấy làm mừng. Nhưng cái mừng đi cùng nỗi buồn lo. Tiền đâu ăn học? Học ra trường có xin được việc làm? Nhà nghèo từ trong trứng nghèo ra, mong ấm êm như bao người, sao thật xa vắng...

Người em gái kế, quyết vào Sài Gòn kiếm sống, theo bạn bè cùng làng, một phần đỡ đần gánh nặng học hành cho người chị. Dù không muốn, mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, để con ra đi. Đó là một buổi chiều mưa, tháng chín, trời sắp vào mùa bão lũ. Khuôn mặt mẹ lại hằn thêm một nếp nhăn. Sáu người con, mỗi người một hướng, theo đuổi niềm khát khao riêng, để lại ba mẹ ở nhà cùng cu Út.

5

Từ nhỏ, mọi người trong nhà luôn gọi Út là Út Ráng. Bởi ba mẹ không có ý định sinh thêm con nữa. Chị gái kế Út, tên Dừng. Nghĩa là ba mẹ đã không còn ý muốn về một đứa con. Ngày Út ra đời, ba đã gần năm lăm, mẹ cập kề năm mươi. Út chào đời như một định mệnh, do ông trời sắp đặt. 

Có lần về quê, anh Hai trách ba mẹ, sao đã nghèo rồi mà lại cứ sinh con. Người đàn bà đã mười lần mang thai, nào có muốn thêm lần nào nữa. Cái ý nghĩ trời sinh voi sinh cỏ, đã làm mẹ nguôi ngoai. Vì là Út Ráng, nên cách chị kế tận mười hai tuổi. Lúc chị lớn học xong đại học, ra trường, xin được việc làm ở thành phố, Út vừa vào lớp một.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chị lớn lấy chồng trên phố, chị kế lấy chồng tít trong Nam. Mười hai năm học hành của Út, là mười hai năm Út sống cùng ba mẹ. Căn nhà cấp bốn, chỉ có ba người. Trong thâm tâm của Út, đôi lần tự nhủ, Út là con một của cặp vợ chồng già hiếm muộn.

Năm Út đỗ đại học, cũng là thời điểm ba bị bệnh nặng, phải nằm viện dài ngày. Rồi sau đó là những tháng ngày tới và rời viện liên miên. Út quyết định từ bỏ việc  học đại học. Anh chị động viên, can ngăn, nhưng hiện thực không cho phép Út có chọn lựa nào khả dĩ. Mẹ già yếu, ba đau nằm viện, ai bên cạnh? Các anh chị lớn đều có gia đình riêng, ai cũng bận việc của mình, mỗi năm thu xếp về thăm ba mẹ đã khó, huống chi là chăm nom, ở bên cạnh.

Sau một thời gian dài điều trị, ba không qua khỏi, căn bệnh phổi đến giai đoạn cuối. Ba từ biệt trần gian. Ngày ba mất, Út khóc sưng cả mắt.

6

Út quyết định theo học trường nghề, đi xe máy từ nhà xuống trường cũng gần. Ngày xưa quê nghèo, anh chị rời xứ sở ra đi, nay quê hương đã trở thành một khu kinh tế trọng điểm của tỉnh, trường học mở ra, công ty xí nghiệp hình thành. Út quyết ở nhà cùng mẹ.

Sau một hồi ngớt, cơn mưa lại bắt đầu. Mưa dồn dập. Hàng triệu hạt mưa đổ xuống mái tôn nghe chát chúa. Mẹ ngồi nhìn mưa rơi, đợi Út đi làm về...

HÀ HƯƠNG SƠN

Xuất bản lúc: 14:35, 29/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.