(Báo Quảng Ngãi)- Đứa nào lại chẳng rành tánh má. Hồi xưa tới giờ má đã quyết thì sẽ làm, chẳng ai có thể lung lay thay đổi. Nhưng mà lần này thì căng thiệt nghen. Má đâu phải hổng biết hôm nay ngày gì, không dưng má nói vậy là đứa nào cũng tự hiểu.
Má ra hiên nhà, đung đưa cánh võng. Mặc mấy đứa con dáo dác nhìn nhau. Má mở cải lương nghe. Cái máy cát-sét chị hai mua đã khá lâu, màu bạc thếch theo thời gian, cây ăng-ten gãy mất một đoạn. Cuốn băng cũng cũ kĩ già nua, dây thanh băng giãn ra trầy xước vài chỗ nên cái giọng cô đào Mộng Điệp lẫy lừng ngày xưa cũng nhừa nhựa eo éo, kiểu như người già nghẹt mũi ngứa cổ hát chơi.
Mỗi lần giỗ tía là má lại nghe bài này, cái bài chẳng có gì gọi là hay ho, cái bài buồn thiu, nghe hôm nay, sớm mai xách giỏ đi chợ vẫn còn buồn.
Gió chướng về hong khô những cánh đồng, đất nảy nở sau một mùa sũng nước. Những bãi lầy bắt đầu tơi xốp. Khí trời quang đãng hơn. Mà sao lòng má chẳng dịu chút nào. Dẫu mấy đứa con đã nhín chút thời gian mà ngược xuôi năm thì bảy đỗi để năn nỉ lẫn giận hờn. Má vẫn tỉnh bơ, chẳng nghe lời đứa nào hết. Là má hổng hiểu tụi con mình? Hay chăng đám nhỏ chẳng thấu đặng lòng má?
Bế Hai đâu biết, chỉ biết mỗi lần đứa nào về, thì nhà cũng thêm phần u uẩn. Rồi đứa đó đi, má cứ thở dài thườn thượt. Má nghe con chim bìm bịp kêu chiều. Má lần mò thắp nhang lên bàn thờ tía. Có bận má hỏi như đánh đố Bế Hai, là con chim bìm bịp nó kêu rồi chiều mới về, hay tại chiều về nó mới kêu. Bế Hai chưa kịp trả lời, má đã phủi tay, là con chim bìm bịp hay là chiều gì cũng được, miễn nhớ thắp nhang cho tía bây là được.
Má về với tía, sau mùa lửa đạn giày xéo miệt đồng bưng này. Xơ xác và điêu tàn. Làng xóm hun hút khói súng. Cái mùi nó đâu có dễ chịu như mùi đốt đồng quê mình. Đâu có cái đám cưới nào đâu. Hồi đó, tổ chức chỉ làm lễ giới thiệu hai người với đồng đội. Tía mặc y bộ đồ lính. Má thì bộ bà ba màu đen. Đồng đội gom góp lại, tặng cho được xấp vải lãnh Mỹ A, loại lãnh trứ danh của Tân Châu. Bây không biết đâu, lãnh Mỹ A thời đó, nó quý mà nó sang lắm, nó hơn cả xá xị Xiêm, thứ lụa cao cấp của Thái Lan hồi đó.
Đám con của má từ hồi xa miệt đồng bưng mà lên thị thành lập nghiệp, chừng đủ đầy cho một cuộc đời sung túc thì mấy ai quay về với má. Bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền nơi xứ phồn hoa đô hội, lắm điều hay lạ, nhưng cũng lắm thứ cạnh tranh nghiệt ngã.
Xuôi chuyến xe rưng rức, đám con hớt hải quay về khi nghe má té ngoài bến. Má làm chi ngoài bến cho té. Bảy mươi tuổi rồi, bỏ luôn cái tật cứ ráng chiều là lại ra bến gội đầu. Xây chi cho má cái nhà tắm rồi không xài. Đồ xịn trên thành phố mua về gắn vào, chứ có phải đồ lạc - xoong hàng chợ đâu má.
Anh Ba tức tưởi, khô khốc đẩy những lời trách móc vào khoảng không. Má nằm bên cái giường gỗ, nghe chướng ràn rạt. Khoảng không buồn hun hút.
Má vẫn giữ nguyên cái tánh ưa gội đầu trên bến, từ hồi thiếu thời cho đến bây giờ. Má đâu thèm mấy thứ dầu gội nhan nhản trên ti vi ưa quảng cáo. Cả một đời má chỉ gội nước lá bưởi. Hương bưởi Bế Hai nấu lên từng chiều, bay quyện vào mênh mông sóng nước. Mớ tóc trắng rụng đầy trên bến. Bế Hai lụm từng mớ, vò vò vào tay, rồi lặng lẽ hất về phía sông. Trôi đi sóng nước ơi. Trôi cả khoảng ký ức hắt hiu của má từ ngày tía mất. Giữa những nhớ quên của cuộc đời, má vẫn giữ cái thói quen ưa ra giàn mướp tía trồng mà hong tóc. Mướp lủng lẳng trên cành. Nỗi buồn của má chừng như cũng lắt lay như vậy.
Mà kể cũng lạ, từ hồi tía mất, Bế Hai lại bắt đầu ra bến gội đầu hệt như má. Chắc tại tóc Bế Hai cũng đã lốm đốm bạc, da dẻ thêm phần đồi mồi. Heo may ghé ngang đời xua đi cái thanh tân con gái hồi nào Bế Hai cũng chẳng hay. Dàn khổ qua đắng, trái xanh rì, mỗi chiều ưa nghe tiếng thở dài của Bế Hai ngồi hong tóc.
Trời sẩm tối, Tư Thiệt với Năm Thà cũng về tới. Nhà một phen náo động. Sóng nước Nha Mân vỗ lào xào triền sông. Bông bần thôi không còn rụng nữa. Lác đác trên những cành cây, mấy trái bần non xanh mượt nằm yên nghe dông gió phủ lên căn nhà.
Nói tới nói lui thì mười công đất của má đâu? Cuốn sổ tiết kiệm của má đâu? Lương hưu hằng tháng của tía má lãnh để đâu? Giờ không tính đợi chừng nào tính. Ủa mà Bế Hai thì làm sao? Năm Thà xì xào bằng cái giọng gió cố sao cho nhỏ nhất có thể. Trăng mười sáu, tròn vằng vặc, sáng cả hiên nhà. Ấm trà hương sen bát ngát mùi thanh tịnh. Đêm phủ xuống dòng Nha Mân một không gian cô tịch. Mỗi lòng người là động đậy.
Bế Hai được tía má đem về nuôi khi còn đỏ hỏn, khi tía má ruột của Bế Hai mất trong một đợt địch càn sát rạt miền hạ sông Nha Mân. Bế Hai trắng trẻo, xinh xắn như con búp bê. Hồi đó gần giáp Tết, nên má đặt tên là Xuân Tự, má gọi ở nhà là Bế Hai. Mà má cũng đâu có ngờ, cái tên nó vận vào đời. Bế Hai cũng gieo neo thắt thẻo như là tuồng tích hồi xưa.
Không tính gì hết. Má có chết đâu. Mà Bế Hai thì sao? Đất với vườn nhà mình còn à? Mấy người tệ đến thế thì thôi, giờ còn toan tính nơi này. Thẳng ra mà nói, đất ai lừa má đem bán để đầu tư cổ phiếu? Vườn nhà này ai chăm? Má sống bằng gì? Nhìn đôi bàn tay chai sần của Bế Hai thì tự mà hiểu. Út Trong mắt đỏ hoe, giọng bắt đầu lạc đi. Tư Thiệt cúi gằm mặt, ánh mắt lảng sang một nơi khác. Năm Thà cũng vân vê cái tà áo hoa bằng vải mút xơ lin. Anh Ba phả vào trời đêm những vòng khói thuốc trắng tựa tơ lòng.
Mấy người có biết má đi hiến xác để làm gì không? Là má hiểu hết tính những đứa con mình đó. Bao năm rồi, có đứa nào về nhà với má mà thảnh thơi yêu thương như ngày xưa?
Thinh không lặng im. Gió từ triền sông phả vào nghe lạnh thấu tim.
Nhưng mà Bế Hai ơi, má hiến xác chỉ là cái tâm nguyện của má. Ai rồi cũng thành tro bụi về với sông nước hay tan rã vào đất như thể hư vô. Có ai bày má đâu, má tự mình mày mò ra hết. Bận má lên đi khám xương khớp, má nghe người ta tổ chức vận động trong bệnh viện. Má thấy chuyện hay quá Bế Hai ơi. Tánh má bây biết mà, sống là cho, mà chết cũng là cho. Cho hết đi con. Đời đôi lúc nặng nề lắm, mình giữ lấy làm gì? Cạn cùng cuộc phù du, chí ít cũng còn làm được cái điều thiện lành này.
Mấy công đất, thằng Tư Thiệt thua lỗ, má cũng bán cho. Mấy cây vàng dành dụm, thằng Ba Trắng nó hỏi mượn để sửa cái nhà, con cái nó lớn hết rồi. Con Năm Thà thì má cũng đã cho nó cả bộ vàng cưới hồi nó đi bước nữa lấy chồng lần thứ hai. Tội là tội con Út Trong, giờ còn mỗi cái vườn nhà này thôi, coi như má để lại cho nó.
Nhưng mà Bế Hai đừng lo, má cũng coi Bế Hai như máu mủ ruột rà má đẻ ra. Bế Hai cũng có phần. Cả đời của Bế Hai tự tay mình lo cho đám em, chừng tụi nhỏ lớn khôn mấy đứa còn nhớ sự hy sinh của Bế Hai. Má xin lỗi Bế Hai nghen. Tụi nhỏ hư quá. Má lo cho Bế Hai phần đời côi cút. Má có để dành riêng cho Bế Hai rồi, cuốn sổ tiết kiệm, cuốn sổ má để dành lương hưu của tía bây đó. Bế Hai nhớ lo cho mình nha. Bế Hai thương tía má thì đừng để nhang khói nó lạnh lùng.
Mà thôi, Bế Hai coi còn mắm chốt hay ba khía không, mai mấy đứa nhỏ về có cái cho nó chấm bần mà ăn. Má thiu thiu giấc ngủ, sau cữ cơm trưa, bên cánh võng, giọng cô đào Mộng Điệp chợt rõ ràng, uốn lượn lên từng tán bần: “Bông bần rụng trắng triền sông - phù du một kiếp theo dòng mà trôi”.
Mặc cho Bế Hai lay lay, Bế Hai kêu gào, má vẫn ngủ. Ngày tàn chướng, rặng bần biêng biếc xanh. Người ta nói má đi vậy là tốt, chẳng bệnh gì, no đủ trong người. Bế Hai tất tả gọi cho mấy đứa em. Út Trong hổng bắt máy. Chắc đang bận công việc rồi.
Ờ mà bữa má có dặn khi má đi, nhớ lấy tấm giấy má giấu trong cái đáp túi quần, trong đó có số điện thoại của trung tâm tiếp nhận xác, gọi báo đặng người ta cử cán bộ xuống mà làm thủ tục cho kịp trong hai mươi bốn tiếng phải bảo quản xác. Bế Hai run run bấm số. Nghĩ đến cảnh người ta đem cái xác má đi, lỡ Út Trong về hổng kịp thì sao? Chỉ có hai mươi bốn tiếng à. Mà công việc Út Trong nhiều khi đi xa lắm, đi tận mấy tỉnh miền ngoài.
Đầu dây bên trung tâm tiếp nhận xác alo đôi ba lần, cái giọng quen quen... Bế Hai cúp máy, ngồi thẩn thờ. Ờ, phải rồi, Bế Hai quên mất, Út Trong nó làm pháp y trên thành phố mà.
TỐNG PHƯỚC BẢO