Truyện ngắn: Người gieo chữ vùng cao

10:04, 04/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- 1.Già Liêng bị bệnh nên không lên rẫy, xuống suối, cũng chẳng ra nhà văn hóa cả tuần nay rồi. Nghe tin, sau giờ dạy, Thiện tranh thủ ghé tạp hóa mua cân đường, hộp sữa để đến thăm ông. Đường vào nhà già Liêng dốc ngược,  mới tháng trước mưa lớn kéo dài làm xói mòn, đá nhọn nổi đầy, nhiều đoạn gồ ghề khó đi. Thiện phải để xe máy trên dốc, cẩn thận men từng bước một.

Già Liêng đón anh ở chân cầu thang, ánh mắt ngời lên, vẻ mệt mỏi tan biến. Tuy vậy, khó khăn lắm Thiện mới dìu già Liêng lên nhà được. Vừa lần từng bước, ông vừa thều thào rằng: Phiền thầy giáo quá. Thiện nhẹ giọng: Có gì đâu ạ! Nói rồi, Thiện đỡ già Liêng ngồi xuống vạt nứa kê sát vách nhà. Anh cảm thấy mủi lòng khi nhìn tấm thân gầy còm của ông già trạc tuổi cha mình đang loay hoay với mớ chăn màn cũ kỹ. Thường tầm giờ này, cha anh đang ở công viên cây xanh trung tâm thành phố để tập dưỡng sinh, cũng có hôm ngồi đánh cờ tướng và khề khà uống trà với các bác, các ông dưới tán cây, trên hè phố. Từ ngày nghỉ hưu, cha không còn vướng bận, lo toan công việc nữa mà chỉ chăm lo sức khỏe và tận hưởng thú vui tuổi già. Còn già Liêng thì... Thiện len lén nhìn ông khép hờ cặp mắt và nặng nhọc từng nhịp thở. Anh từng nghe kể lại, chỉ sau thời gian ngắn, già Liêng đã trắng tay, sống trơ trọi trong căn nhà sàn xiêu vẹo cuối dốc. Vợ ông bị nước cuốn trôi trong một trận lũ. Đứa con trai duy nhất bị tai nạn lao động khi khai thác keo cho người ta. Nghĩ rằng biến cố buồn đau ấy sẽ vùi dập ông đến tận cùng tuyệt vọng, nhưng rồi ông đã tự vực dậy bằng niềm tin vào cuộc sống và bằng tình yêu thương của người dân trong làng.  

 

Thiện đã rưng rưng nhưng kịp giả vờ nhìn xung quanh để cố tình kiềm lại cơn xúc động đang trào dâng. Bếp lửa ở góc nhà nhen lên từ bao giờ, ngọn lửa bốc cao liếm quanh nồi cháo trắng đang sôi lục bục. Anh rút bớt củi ra, vùi xuống tro và dọn dẹp xoong nồi, chén bát bừa bộn gần đấy. Mấy quả trứng gà nằm trong chiếc rổ nhỏ, lót lá chuối. Thiện nhìn già Liêng đang nén cơn ho. Anh ngậm ngùi thương cảm rồi chọn một cái bát to. Anh đập một quả trứng, rồi múc cháo cho vào bát.

- Ông ráng ăn cho mau khỏe ạ!

Thiện đỡ lưng già Liêng, bón từng muỗng cháo, ân cần như một người thân. Mà không thân thiết sao được khi anh đã coi ngôi làng nhỏ nằm heo hút, kẹp giữa hai dãy núi cao, những ngôi nhà sàn lúp xúp chạy dọc triền núi, người dân quây quần, yêu thương và luôn khát cái chữ này, như quê hương của mình vậy. Cả thời thanh xuân, Thiện gắn bó với vùng cao này, gieo trồng từng con chữ và ý định chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn chưa hề xuất hiện trong suy nghĩ của anh.

Dân làng ở đây rất quý trọng, yêu thương thầy cô giáo. Ngôi trường tiểu học được xây tạm bợ bên con suối nhỏ, chưa đầy chục phòng, tính cả mấy phòng cho giáo viên nhà xa trường, phải ở lại. Các thầy cô giáo đều hài lòng, luôn nghĩ tích cực và luôn chăm lo đến học trò. Nhớ lại ngày đầu nhận việc, Thiện đứng ngây người nhìn khung cảnh núi rừng trùng điệp, hút tầm mắt cũng chỉ thấy vài mái nhà lẩn khuất trong sương, trong cây. Lại không có sóng điện thoại. Muốn liên lạc về nhà hay gọi xuống phòng, xuống sở, anh phải leo lên đỉnh dốc, mà sóng đôi lúc cũng chập chờn. Hồ sơ, giáo án phải chép, phải soạn tay hoặc đánh máy xong, mang ra thị trấn tìm chỗ photocopy, in ấn. 

Buồn nhất là vào buổi tối, giữa màn đêm đen đặc, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng suối xa âm vang, tiếng chim lạc bầy thảng thốt, đầy vẻ hoang sơ và bí ẩn. Các cô giáo đã khóc vì buồn, vì cô đơn, năm nào cũng có giáo viên bỏ trường, bỏ lớp, về xuôi kiếm việc khác làm. Thế nên, trường lớp thiếu hụt giáo viên, có năm Thiện phải phụ trách hai khối lớp ở hai điểm trường khác nhau, lại khá xa, phải băng qua mấy triền đồi... Nhưng Thiện đã quyết tâm, tự động viên mình khi nhìn từng tốp học sinh đến lớp, lễ phép dạ thưa. Chính hình ảnh hồn nhiên, vô tư và sự khát khao kiến thức của bọn nhỏ đã giúp anh vững tâm và dốc lòng cho nghề nghiệp hơn.


2. Có lẽ khó ở đâu khiến trái tim Thiện rung động với bao cung bậc của yêu thương như vùng đất ngút ngàn cây núi và chan chứa mây trời này. Anh thấy mình có duyên nợ với mảnh đất này. Nói điều ấy với cha mẹ mỗi lần về thăm nhà, anh đều nhận được sự động viên, khích lệ, điều ấy đã khiến anh thêm tự hào và cố gắng hơn nữa.

Thiện là người trầm tính, hướng nội nhưng lại quyết đoán. Ngày mới ra trường, dù có nhiều cơ hội và sự lựa chọn nhưng anh đã nghĩ đến mấy xã khó khăn thuộc huyện miền núi của tỉnh. Ở đấy đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, còn nghèo nàn, tập tục lạc hậu, canh tác hoa màu và lúa rẫy đều nhờ nước trời, mùa màng nhiều năm thất bát, bấp bênh. Theo lời kêu gọi của các cấp, các ngành, cán bộ, sinh viên mới ra trường lên vùng núi để xóa mù chữ, nâng cao dân trí, giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Thiện đã hào hứng xung phong đầu tiên. Anh đã tìm đọc thêm tài liệu để bổ sung kiến thức, hiểu được phong tục, tập quán của người dân nơi anh sẽ đến. Để rồi, không bao lâu, anh trở thành người con của làng, đi đâu, làm gì, họ đều xem anh là một thành viên không thể thiếu.

Khi quyết định bỏ lại phía sau sự ồn ào, huyên náo của phố phường, của những buổi gặp gỡ tiệc tùng bên bạn bè, những bữa cơm rộn rã tiếng cười bên người thân, hẳn nhiều người sẽ đắn đo, suy nghĩ và việc thích nghi với một nơi xa lạ, buồn tẻ cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Nhưng đối với Thiện thì lại khác, anh hòa nhập nhanh chóng và cảm giác bầu không khí yên bình, đầy hương hoa rừng và cảnh núi non hùng vĩ dường như đã rất quen thuộc với mình. Thiện đến lớp luôn trong tâm thế thoải mái, vui vẻ, đầy nhiệt huyết, bài giảng của anh luôn lôi cuốn và được học sinh hào hứng đón nhận. Anh chăm sóc, bảo ban từng em. Anh theo chân học trò đến thăm từng gia đình trong làng. Cuộc sống người dân khó khăn, nhà cửa trống trước, hụt sau nhiều lúc khiến anh lo lắng, suy nghĩ. Thường cuối tháng anh về dưới xuôi thăm cha mẹ, khi trở lại trường, anh đều chở trên xe nào là quần áo cũ, bánh kẹo và cá khô, có khi còn có mấy lít mắm nữa. Anh bảo với đồng nghiệp rằng nhìn các em thiếu ăn, thiếu mặc, anh chịu không được.

3. Cơn mưa to bất ngờ kéo đến bao trùm ngôi làng nhỏ từ những đám mây đen phía đỉnh núi xa trong một ngày nắng như đổ lửa. Thiện khoác vội áo mưa rồi lật đật chạy ra bờ suối. Tầm giờ này, học sinh vào rừng kiếm củi, bẻ măng cũng sắp về. Con suối nhỏ nước dâng lên nhanh, đục ngầu, tuôn chảy. Chiếc cầu tạm bợ bằng mấy thân cây ghép lại có nguy cơ bị nước nhấn chìm. Chủ quan lội qua suối sẽ rất nguy hiểm. Sấm chớp nổi lên đùng đùng và rạch từng nhát trên nền trời, sáng lóa. Thiện co ro đứng trên bờ nhìn dòng suối mà lòng dạ bất an. Một tốp học sinh quần áo ướt nhẹp, trông thấy thầy giáo thì cuống quýt, mừng rỡ, đưa tay lên vẫy liên tục. Thiện trấn an rằng, tạm nấp dưới gốc cây, lát mưa ngừng rồi hãy qua suối. Cứ thế, thầy lo lắng nói vọng qua, to át cả tiếng gió, tiếng mưa, học sinh nhấp nhỏm, chạy tới chạy lui như bầy gà con lạc mẹ.

4. Thiện theo già Liêng lên rẫy. Vạt bắp vào kỳ đơm hạt, căng mẩy. Già Liêng săm soi từng hạt bắp, niềm vui không giấu được. Thiện cảm thấy lòng ấm áp, lâng lâng. Dường như trong gió sớm có hơi lạnh của sương, có hương cỏ mật dịu đằm. Anh nâng nhẹ khóm hoa sim mọc nép bên bờ đá, có màu nắng đầu ngày trong trẻo, nhẹ như tơ trời. Thoảng bên tai sự ngân vang, mát rượi của hơi nước phả lên từ dòng suối. Thiện mỉm cười nhìn già Liêng đã lội sâu vào giữa vạt bắp. Từng giọt mồ hôi thấm ướt lưng áo và dưới vành nón đã bạc màu, nụ cười già Liêng tỏa nắng, đôi mắt lấp lánh niềm vui...

Thiện muốn nói với già Liêng điều gì đó, nhưng cứ chần chừ đắn đo. Anh theo sau ông, từ rẫy qua suối, rồi vòng lên dốc về nhà.Trong chiếc túi nhỏ mang bên hông có tờ quyết định chuyển trường mà anh mới nhận hôm trước. Anh không muốn xa nơi này chút nào dù nơi anh sắp đến là ngôi trường ở thị trấn và anh sẽ là hiệu phó. Cấp trên đã nhìn thấy năng lực của anh suốt hơn mười năm nay nên đã cất nhắc, đề bạt. Anh là người xứng đáng, thay đổi môi trường cũng là một sự bù đắp cho anh và giúp anh có nhiều thuận lợi để cống hiến nhiều cho ngành giáo dục. Nhưng sao lòng anh không nỡ rời xa ngôi làng nhỏ này. Nơi có ngôi trường tiểu học bên bờ suối nhỏ, nơi có những học trò nghèo khát con chữ, nơi có những người dân chân chất, mộc mạc. Nơi khó khăn muôn vàn khi gieo từng con chữ nhưng ăm ắp tình người.

                                                                                      
SƠN TRẦN

Xuất bản lúc: 10:04, 04/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.