Cảm nhận thơ kháng chiến ở Quảng Ngãi thời chống Mỹ, cứu nước

22:06, 02/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở vùng giải phóng đã xuất hiện một số người tham gia sáng tác thơ để tuyên truyền, cổ động. Nhiều tác phẩm thơ nay đọc lại vẫn đong đầy cảm xúc.

Một trong những bài thơ ra đời sớm nhất là bài "Hát đi em bài hát Ba Tơ" của nhà thơ Liên Nam (người tỉnh Phú Yên) năm 1962. Lúc này, phần lớn tỉnh Quảng Ngãi còn nằm dưới chế độ Sài Gòn. Đơn vị của anh đang đêm theo con thuyền bí mật ngược dòng sông Vệ lên vùng đầu nguồn Ba Tơ, nơi có cuộc khởi nghĩa nổi tiếng ngày 11/3/1945. Chính cái không khí ấy với hồi quang của cuộc khởi nghĩa khiến anh xúc cảm viết nên bài thơ: "Em ngược thuyền trên dòng sông Vệ/ Hát bài ca du kích Ba Tơ/ Nhìn thẳng hướng Ba Đình, Ba Động/ Vươn trời xanh núi Lớn đỏ sao cờ".

Ký họa “Trên đường hành quân (1971)” của Vũ Giáng Hương.
Ký họa “Trên đường hành quân (1971)” của Vũ Giáng Hương.

Năm 1962, có lẽ là năm hơi muộn đối với nhạc, nhưng lại khá sớm đối với thơ. Bởi nhạc thì ai cũng hát và phổ biến được, nhưng thơ lại gắn với người sáng tác và gắn với sách báo thời bấy giờ chưa có điều kiện phổ biến. Có thể có những người làm thơ sáng tác sớm hơn, nhưng chỉ để trong sổ tay của mình.

Cuộc kháng chiến ngày càng khốc liệt. Những người làm thơ có thể là những người từ miền xuôi “nhảy núi” theo kháng chiến, có thể là những người từ miền Bắc quy tụ về đây, dưới mái nhà chung là Tiểu ban Tuyên văn của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, như: Nguyễn Trung Hiếu, Hoài Hà, Vũ Hải Đoàn, Liên Giang, Nguyễn Ngọc Tứ và nhiều người khác. Cũng có thể là những cán bộ văn hóa từ Khu 5 (đứng chân ở Trà My, tỉnh Quảng Nam) về Quảng Ngãi công tác và sáng tác, như: Ngô  Thế Oanh, Thanh Quế, Dương Hương Ly.

Thơ kháng chiến đương nhiên mang hơi thở kháng chiến của người Quảng Ngãi. Đối tượng của nó có thể là các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, cũng có thể là những cảm xúc về hình ảnh những người mẹ, người chị góp công vào cuộc kháng chiến. Kháng chiến đầy gian khổ, đạn bom, chết chóc, đói cơm lạt muối nhưng ý chí của người tham gia kháng chiến thì không sờn. Năm 1964, trận lũ lịch sử gây đói khát, cả Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phải ăn bắp, mì, rau rừng, thiếu muối trầm trọng, cuối năm chỉ sống bằng trái sung, rang ổ kiến thay muối để ăn. Ông Mạnh Hiệp, lúc bấy giờ là Trưởng Tiểu ban Tuyên văn, làm bài thơ đường luật phản ánh sự thật ấy: "Địch họa thiên tai hại chúng ta/ Gia đình Cô Bốn[1] chịu phong ba/ Kiến rang làm mắm rằng ngon ngọt/ Sung luộc thay cơm bảo mặn mà".

Năm 1965 - năm đồng khởi giải phóng nhiều vùng nông thôn đồng bằng, Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trần Anh Tế còn đề xuất và chỉ đạo thực hiện 2 cuộc thi sáng tác thơ toàn tỉnh và các cuộc biểu diễn văn nghệ ở các vùng núi và đồng bằng. Về khoảng thời gian cuối cuộc kháng chiến, vùng giải phóng mở rộng, nhiều hoạt động bình thường được hình thành và khôi phục, như việc mở lớp học, cuộc sống có những thời khắc yên bình không tiếng súng, cũng gợi nên những cảm hứng thơ, như Nguyễn Trung Hiếu với bài thơ "Tiếng gà xóm Bãi": "Hành quân qua xóm Bãi/ Nghe gà gáy vang/ Lửa nhà ai nấu cơm/ Hắt lên vừng sáng đỏ?/ Tiếng trâu “ngạ” trong chuồng/ Chim reo quanh vườn/ Thoang thoảng mùi cơm nếp hương".

Năm 1972, huyện Ba Tơ được giải phóng, có những bài thơ sáng tác về cuộc sống mới tại nơi đây trong khi cuộc chiến vẫn tiếp tục. Phan Nghĩa An có bài thơ "Gặp cha" với cảm xúc đan chen nỗi niềm riêng - chung: "Hành quân đánh Giá Vụt/ Tôi ghé qua Ba Tơ thăm cha/ Cha vào đầu năm Bảy Ba[2]/ Thư nào cũng giục tôi lấy vợ". Còn Nguyễn Quốc Khánh có bài "Tiếng máy cày": "Đâu phải tiếng trực thăng phành phạch đổ quân/ Đâu phải tiếng OV 10 vo vo tìm kiếm/ Nghe xôn xao đêm trăng/ Tiếng máy cày bên bờ sông vọng lại/ Giữa một vùng cỏ tranh hoang dại/ Máy cày đi nhẫn nại trong đêm/ Nơi đất cằn động cơ nổ êm/ Nghe hối hả máy trườn qua hố pháo".

Thơ Quảng Ngãi chống Mỹ có những đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến trên quê hương Quảng Ngãi. Nó đi vào tâm tư tình cảm, cổ vũ động viên mọi người không quản ngại gian khổ hy sinh góp phần cho kháng chiến đi đến thắng lợi. Ngày nay, đọc lại mảng thơ này ta vẫn tiếp nhận được nhiều xúc cảm, những ấn tượng khó phai.

Tất nhiên, thơ kháng chiến kéo dài trong 21 năm này khá nhiều và phong phú, với sự tham gia của nhiều tác giả mà ở trên chỉ mới là điểm xuyết. Ở trên cũng chưa thể kể đến các nhà thơ Quảng Ngãi ở xa, như nhà thơ Tế Hanh ở Hà Nội viết nhiều bài thơ tâm huyết về quê hương, nhà thơ Thanh Thảo viết bài "Những dấu chân qua trảng cỏ" nổi tiếng từ vùng đông Nam Bộ. Sau giải phóng năm 1975, những “hồi quang” về cuộc kháng chiến cũng thôi thúc các nhà thơ tiếp tục viết về kháng chiến, như Thanh Thảo có bộ ba trường ca "Những ngọn sóng mặt trời", "Bùng nổ của mùa xuân", "Trẻ con ở Sơn Mỹ". Có dịp tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, chúng ta sẽ được cảm nhận sâu sắc về một mảng thơ trân quý của một thời.

CAO CHƯ

---------------------
[1] Cô Bốn: Mật danh của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.
[2] Tức năm 1973.

 


Ý kiến bạn đọc


.