(Báo Quảng Ngãi)- “Triền hoa nắng” là tập thơ đầu tay của tác giả Viên Chính, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi. Tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, để lại nhiều cảm xúc trong lòng bạn đọc với lời thơ, mộc mạc.
Tác giả Viên Chính tên thật là Nguyễn Văn Chính, hiện sống ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). Thơ của Viên Chính dung dị, không lắt léo câu chữ, neo lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng và cảm xúc ngọt ngào pha chút buồn man mác. Mở đầu tập thơ “Triền hoa nắng”, ta bắt gặp lời tâm sự nhỏ nhẹ mà đượm men tình: “Ta đón gió thiên di tìm hạ cũ/ Ngược triền hoa nắng ghé trao em (Miền xưa). Từ sự khơi gợi ban đầu, “Triền hoa nắng” đã trở thành chủ đề nhất quán cho cả tập thơ.
Những vấn vương, tiếc nuối ở lứa tuổi mộng mơ thời trung học được tác giả bộc bạch một cách chân tình: “Tháng Tư ai rắc hương đầy tóc/ Cho gió về bung rối hạ vàng/ Xúi em chia nhớ thành hai bím/ Một mình ngồi gỡ mãi chưa suôn” (Lối hạ). Lời trách cứ vu vơ, nỗi nhớ nhung, hoài niệm được bộc bạch khá nhiều trong tập thơ. Qua tập thơ “Triền hoa nắng”, tác giả như nói hộ tâm tư của bạn đọc, bởi mỗi chúng ta ai cũng có một thời cắp sách đến trường, một thời mộng mơ tràn đầy năng lượng. Mái trường xưa, thầy giáo cũ và những ước mơ chất ngất, những rung động đầu đời làm sao quên được, để rồi tiếng lòng khẽ ngân rung khi chạm đến và luôn thao thức nhớ về: “Tháng Sáu ngập ngừng/ buông tháng Sáu/ Em về buộc kịp tiếng ve không? (Gởi người tháng Sáu).
Viên Chính đang chênh vênh giữa hai chiều thực - ảo đan xen bằng những câu hỏi tu từ để thắp lên nỗi buồn thanh cao trong trẻo: “Tìm ai đó trong màu áo trắng/ Có nghe chăng buồn thoáng qua lòng?”. Rồi tác giả tự vấn, tự dặn lòng: “Đi thật khẽ... lòng càng xao xuyến/ Lại hỏi thầm: Người ấy thân ta?” (Hỏi thầm). Anh đang đắm mình trong lâng lâng cảm xúc, hoài niệm. Đó là những cảm thức mà anh dành nhiều trong tập thơ này, tất cả chỉ dành cho nhớ thương, tiếc nuối khi vòng quay thời gian mỗi ngày thêm chồng chất, thêm xa mờ dĩ vãng, điều này được tác giả thể hiện bằng những câu thơ: “Ta gọi em rồi/ Ve chuyền cành xa vắng/ Lửa phượng tàn/ Và/ Những tháng năm/ Vơi...” (Vu vơ tiếng gọi). Bên cạnh nỗi xót xa ấy lại là niềm kiêu hãnh, bởi người đời thường nói, tuổi học trò là tuổi đẹp nhất đời người: “Có một mùa hoa phượng/ giữa hồn ta/ Biết kiêu hãnh/ biết buồn, thương/ biết nhớ” (Ngỏ...).
Hoài niệm là trục tâm trạng chi phối xuyên suốt tập thơ. Chính tâm trạng luôn đau đáu cùng hoài niệm nên 50 bài thơ trong tập này không hề bàn đến thế sự, chỉ khẽ khàng diệu vợi bằng âm điệu, bằng ngôn từ nặng lòng với vấn vương, tha thiết: “Em về qua phố chiều nay/ Bỏ quên đôi sợi nắng bay qua cầu” (Qua phố chiều); “Bây giờ suối tóc trên vai/ Đã trôi theo giấc mộng hoài vấn vương” (Giá như em vẫn... tự nhiên).
Đọc “Triền hoa nắng” của Viên Chính ta như được cùng anh ngược dòng thời gian, chìm đắm trong triền ký ức. Nơi đó cho ta sống lại thuở tinh khôi hoa mộng của tuổi học trò. Những giấc mơ trở về với bạn bè chung trường, chung lớp, trở về với những rung cảm đầu đời, lại là niềm thương nhớ khôn nguôi. Rồi tự mình đối sánh trong thổn thức trước không gian và thời gian vời vợi: “Xưa em nghiêng chiếc nón/ Không che hết hạ đầy. Nay em buông chiếc nón/ Ngày thâu hết hạ vàng” (Phố trưa). Để rồi, trong tiếc nuối lại nhuốm lên nỗi lòng trăn trở: Những vạt nắng / Về đâu hối hả/ Bỏ lại tháng Mười/ Trăn trở giọt mưa” (Mùa đông và phượng).
Cách tân là nhu cầu tự thân của nghệ thuật thi ca. Với nhà thơ Viên Chính, hầu như anh vẫn trung thành theo lối viết truyền thống, với ngôn từ thuần Việt không sáo mòn, không đánh bóng câu chữ. Và thơ anh cũng không ồn ào với những lời to tát, cứ bình dị đi vào lòng người mà sâu lắng, thấp thoáng tiếng thở dài nhung nhớ, nhưng không não nề bi lụy.
BÙI HUYỀN TƯƠNG