Tạo điểm nhấn cho du lịch

14:09, 29/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XX) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương trong tỉnh đã tận dụng thế mạnh tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh từng bước phát triển.  

Đa dạng các sản phẩm du lịch

Huyện Bình Sơn là một trong những điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Với lợi thế là các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển, cùng với các lễ hội truyền thống, dân gian mang đậm dấu ấn địa phương được tổ chức hằng năm như: Lễ hội cầu ngư và giỗ thần Nam Hải, đua thuyền truyền thống; Lễ cúng Âm linh tự; Lễ rước hồn mẹ lúa ở Thọ An, xã Bình An... huyện Bình Sơn đã tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các điểm du lịch tại các xã Bình Phước, Bình Thuận, Bình Hải và thị trấn Châu Ổ, với mạng lưới gắn kết với các điểm du lịch như: Làng gốm Mỹ Thiện, điểm du lịch bàu Cá Cái (Bình Thuận), rừng dừa nước Cà Ninh (Bình Phước), gành Yến (Bình Hải), thắng cảnh Ba Làng An (Bình Châu), du lịch sinh thái ven sông Trà Bồng, thắng cảnh Vực Bà (Bình Minh)... Hằng năm, huyện Bình Sơn đón gần 27 nghìn lượt khách đến tham quan.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự cho biết, phát triển du lịch, dịch vụ đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đã cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lợi thế ở từng địa phương để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Du khách tham quan rừng ngập mặn bàu Cá Cái, ở xã Bình Thuận (Bình Sơn).
Du khách tham quan rừng ngập mặn bàu Cá Cái, ở xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Tại huyện Nghĩa Hành, hoạt động du lịch cũng ngày càng phát triển. Tổng lượng khách đến tham quan du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện đạt hơn 60 nghìn lượt khách/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 54 tỷ đồng. Trong đó, du khách tham quan nhiều nhất ở Khu du lịch sinh thái Suối Chí, ở xã Hành Tín Đông. Riêng điểm du lịch cộng đồng Bình Thành, ở xã Hành Nhân, sau gần 3 năm hoạt động đã đón trên 30 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Các điểm du lịch sinh thái Kalanui, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện cũng đón nhiều du khách đến tham quan.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, huyện chú trọng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, trên cơ sở bảo vệ môi trường, hài hòa cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa. Trong đó, lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn, du lịch cộng đồng, nông nghiệp làm trọng tâm, du lịch văn hóa làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, du lịch Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc. Nếu như năm 2021, tổng lượt khách đến Quảng Ngãi đạt 300 nghìn lượt, với tổng doanh thu 235 tỷ đồng, thì đến năm 2024, ước tổng lượng khách đạt trên 1,4 triệu lượt, với tổng doanh thu 1.250 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng, trong đó du lịch biển, đảo tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn, cùng với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch gắn với các sự kiện thể thao, góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến Quảng Ngãi. Đặc biệt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương, thu hút người dân tham gia và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian đến, Quảng Ngãi tăng cường thu hút các dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí cao cấp vào các địa phương ven biển. Đặc biệt là, kêu gọi doanh nghiệp có thương hiệu và tiềm lực kinh tế đến đầu tư tại huyện Lý Sơn, phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn được công nhận là khu du lịch biển, đảo quốc gia. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh; đặc biệt là phát huy các giá trị Văn hóa Sa Huỳnh, tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu, giáo dục, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng tại các điểm di tích, di chỉ khảo cổ; phát triển du lịch văn hóa - tâm linh; phục dựng lại một số lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, các loại hình diễn xướng dân gian. Đồng thời, tổ chức các tuần lễ văn hóa, thể thao, đưa các hoạt động này trở thành nét riêng của Quảng Ngãi, góp phần định vị thương hiệu du lịch của tỉnh...

Bài, ảnh: TRÍ PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:09, 29/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.