Điểm hẹn bến Nhà Rồng

23:54, 08/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà Rồng và bến cảng cùng tên là nhân chứng lịch sử suốt chặng đường dài hình thành và phát triển của một đô thị sầm uất bậc nhất là Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây là điểm khởi đầu trong hành trình bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

      

1.

Căn nhà màu hồng tròn 160 năm tuổi nằm ở ngã ba sông, nơi rạch Bến Nghé hòa vào sông Sài Gòn đã lưu giữ cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động, với nhiều dấu mốc quan trọng. Sau khi kéo quân vào Nam Kỳ đầu năm 1859, người Pháp cho xây dựng thương cảng nằm trên sông Sài Gòn và hãng tàu biển Messageries Impériales được giao thực hiện kế hoạch này. Được xây dựng năm 1862 và một năm sau cảng chính thức hoạt động, thông thương với quốc tế. Đây là thương cảng lớn nhất tại Việt Nam kể từ khi hình thành đến mãi sau này.

Toàn cảnh bến Nhà Rồng, TP.Hồ Chí Minh. 
		        ẢNH: DUY ANH
Toàn cảnh bến Nhà Rồng, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Anh

Cùng với việc xây dựng cảng, trụ sở của hãng Messageries Impériales cũng được xây dựng. Tòa nhà có kiến trúc theo phong cách phương Tây nhưng trên nóc gắn hai con rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh, châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "Lưỡng long chầu nguyệt" - một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Vì vậy, tòa nhà được gọi là Nhà Rồng và thương cảng nơi này cũng được người dân quen gọi là bến Nhà Rồng. Sau này, chính quyền Sài Gòn thay thế hai con rồng khác trên nóc nhà với tư thế quay đầu ra như hiện tại.

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 4/1975, Nhà Rồng trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh) và trở thành địa chỉ thu hút đông đảo người dân, du khách, nhất là giới trẻ đến tham quan, học tập. 

Nhà tôi cách Nhà Rồng không xa và mỗi ngày tôi đều đi qua nơi này. Không biết bao lần ngang qua đây, trong tôi cứ bật lên câu hát: “Từ thành phố này Người đã ra đi...”. Nhạc sĩ Cao Việt Bách thật tài tình khi viết ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” trước khi non sông liền một dải. Một ngày cuối tuần gần đây, tôi vào tham quan bảo tàng. Không gian trưng bày có nhiều thay đổi so với trước và được chia thành 5 chủ đề với rất nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý, nhất là những tư liệu khi Bác còn bôn ba ở nước ngoài mà lần đầu tiên tôi được thấy, được xem và đọc.

Trong bảo tàng hôm ấy có nhiều sinh viên Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) đến tìm hiểu, khai thác tư liệu để thực hiện phóng sự truyền hình. Họ chia thành nhiều nhóm nhỏ và thực hiện theo chủ đề khác nhau, nhưng hết thảy đều giống nhau ở sự cảm phục ý chí và nghị lực phi thường của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã biến khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc thành hiện thực. “Chí lớn và nghị lực phi thường của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã truyền cho những người trẻ như tôi cảm hứng lớn lao để nỗ lực vươn lên thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, để góp phần cống hiến cho đất nước”, Hà Thương, một sinh viên chia sẻ.

 

      

2.

Dòng sông kể chuyện” (Signature show “The Story of a River”) là chương trình nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước lần đầu tiên do TP.Hồ Chí Minh tổ chức hồi tháng 8/2023, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chương trình diễn ra trong không gian độc đáo, vừa trên bến, vừa dưới thuyền ngay tại Cảng Sài Gòn, với sự tham gia trình diễn của hơn 700 diễn viên chuyên và không chuyên là cư dân địa phương. Chương trình tái hiện các giai đoạn chính của lịch sử khai phá, hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh hơn 300 năm qua, với 5 chương mang chủ đề: Khẩn hoang; Xây thành; Trên bến dưới thuyền; Thương cảng phồn hoa và Rực rỡ thành phố bên sông.

Kết hợp thực cảnh và kỹ xảo ánh sáng, “Dòng sông kể chuyện” trở thành chương trình nghệ thuật đầy ấn tượng, lộng lẫy giữa lòng Hòn ngọc Viễn Đông, gây sự xúc động mạnh mẽ cho người thưởng lãm. Không chỉ là một chương trình nghệ thuật, “Dòng sông kể chuyện” còn là những thước phim chân thực được kể trên một dòng sông thật, với bến cảng thật, con người thật và những câu chuyện chân thật đầy cảm xúc được nâng tầm thành nghệ thuật.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi xúc động bày tỏ, chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp cư dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau. Đó cũng là lời chào của TP.Hồ Chí Minh - một đô thị sông nước hiền hòa, sống động, trẻ trung, cởi mở và không ngừng sáng tạo, hướng tới tương lai; đồng thời là thông điệp của thành phố anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh và sẵn sàng hợp tác để cùng bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển.

 

          

3.

Công ty CP Du thuyền Viet Princess, có trụ sở tại Cảng Sài Gòn, quận 4, TP.Hồ Chí Minh, hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh và khai thác sản phẩm du lịch đường sông phân khúc cao cấp tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị sở hữu và đưa vào hoạt động chiếc du thuyền nhà hàng 5 sao đầu tiên trên sông Sài Gòn - Saigon Princess, với sức chứa 300 khách.

Tàu du lịch Saigon Princess của Công ty CP Du thuyền 
Viet Princess phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn. 
	ẢNH: Viet Princess
Tàu du lịch Saigon Princess của Công ty CP Du thuyền Viet Princess phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn. Ảnh: Viet Princess

Nhà sáng lập và hiện là Chủ tịch của Viet Princess là ông Trương Quang Cường, một người con của TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ông Cường cho biết, hiện công ty sở hữu 4 du thuyền đạt chuẩn 5 sao, đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Trong đó, hai tàu ngủ đêm, đưa khách từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, qua Campuchia theo dòng sông Mêkông và ngược lại. Hai tàu du lịch nhà hàng phục vụ du khách trải nghiệm trên sông Sài Gòn và sông Hậu. Phần lớn khách của Viet Princess đến từ các quốc gia trên thế giới.

Theo ông Trương Quang Cường, tiềm năng du lịch đường thủy tại TP.Hồ Chí Minh rất lớn nhờ lợi thế cảng nằm ở trung tâm thành phố và sự phát triển sầm uất giữa hai bên bờ sông Sài Gòn hiện tại cũng như trong tương lai, được kết nối thuận tiện với vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các địa phương ven biển. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và cho ra mắt du thuyền ngủ đêm và du thuyền nhà hàng tại miền Bắc,  xa hơn nữa là các du thuyền ven biển với những nét độc đáo, khác biệt, góp phần vào xây dựng một thương hiệu du thuyền Việt Nam, niềm tự hào của người Việt”, ông Trương Quang Cường chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang hiện thực hóa ước mơ biến dòng sông Sài Gòn trở thành một động lực tăng trưởng trên nền tảng phát triển những đô thị hiện đại dọc hai bên bờ sông, đồng thời đẩy mạnh khai thác tiềm năng vận tải và du lịch sông nước. Không chỉ là ký ức, bến Nhà Rồng và dòng sông Sài Gòn còn là điểm hẹn của hiện tại và tương lai rạng ngời. Và ông Trương Quang Cường đang cùng con tàu Viet Princess chung tay góp phần hiện thực hóa giấc mơ đó.

ĐẠI DƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 23:54, 08/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.