Quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Ngãi

18:06, 07/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá trị cốt lõi của du lịch Quảng Ngãi nằm ở tài nguyên du lịch biển, đảo và văn hóa đặc sắc, mà đảo Lý Sơn và Văn hóa Sa Huỳnh là đại diện tiêu biểu. Những tài nguyên này có giá trị quốc gia và quốc tế, là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch Quảng Ngãi... Đây là lợi thế rất lớn để xây dựng và phát triển thương hiệu cho du lịch Quảng Ngãi.

Tăng cường truyền thông

Với những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Ngãi bao hàm đại diện cho tất cả điểm đến của tỉnh, nhưng làm nổi bật tính đặc trưng, riêng có, giá trị cốt lõi nhất của tài nguyên du lịch Quảng Ngãi, đó là du lịch biển, đảo và Văn hóa Sa Huỳnh. Trong đó, lấy Lý Sơn làm hạt nhân với đặc trưng núi lửa, biển.

Du khách tham quan đầm An Khê, ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ).    
Du khách tham quan đầm An Khê, ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ).    

Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh giới thiệu hình ảnh Quảng Ngãi đến với du khách nội địa và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, các kế hoạch và nhiệm vụ nhằm tăng mức độ nhận diện điểm đến Quảng Ngãi được xây dựng, thực hiện xong và đến năm 2030, thương hiệu du lịch Quảng Ngãi được nhận diện rõ nét ở các thị trường trọng điểm.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, công tác xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cần được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm, thị trường và quảng bá, xúc tiến, hướng đến các thị trường và phân khúc thị trường mục tiêu. Phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi trên cơ sở phát triển các thương hiệu điểm đến du lịch, thương hiệu sản phẩm du lịch và thương hiệu doanh nghiệp du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù của địa phương, phù hợp nhu cầu của các thị trường mục tiêu, tạo vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh cần được triển khai theo lộ trình phù hợp; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch...

Để tập trung thực hiện tốt Đề án trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về thương hiệu du lịch Quảng Ngãi. Đồng thời, triển khai các giải pháp về cơ chế thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Tăng cường chuyển đổi phương thức cung cấp thông tin du lịch, hình ảnh điểm đến trên môi trường số, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đáp ứng được các yêu cầu phát triển thương hiệu cũng như khả năng ứng dụng trên môi trường trực tuyến. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác hợp tác, liên kết vùng với các địa phương lân cận, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tính hấp dẫn của điểm đến trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực địa phương và giá trị hình ảnh điểm đến Quảng Ngãi...

Đa dạng sản phẩm du lịch 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Quảng Ngãi đã thu hút 616 nghìn lượt khách, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85% so với kế hoạch năm 2023. Doanh thu lĩnh vực du lịch 6 tháng đầu năm đạt 485 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59% so với kế hoạch năm 2023. Đây là tín hiệu khởi sắc của du lịch tỉnh. Có được điều này là nhờ lượng khách đến tham quan các khu, điểm du lịch, nhất là đảo Lý Sơn trong dịp hè tăng cao. Cùng với chuỗi sự kiện văn hóa - thể thao kích cầu du lịch ở huyện Lý Sơn được tổ chức thành công từ tháng 4 - 5/2023, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng đã được đưa vào khai thác, giúp du khách có nhiều lựa chọn và trải nghiệm. Trong dịp hè, các khu, điểm du lịch và địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn nghệ, ẩm thực thu hút du khách.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, từ tháng 7/2023, Sở VH-TT&DL triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch mới thuộc 2 dự án gồm: “Xây dựng mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến Khu chứng tích Sơn Mỹ” và “Xây dựng sản phẩm, chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh”.

Khu chứng tích Sơn Mỹ là một trong những điểm mà du khách trong nước và quốc tế ưu tiên tìm đến trong hành trình tham quan, du lịch tại Quảng Ngãi. Xung quanh khu chứng tích, cảnh quan làng quê nông nghiệp vẫn còn hiện hữu tại thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và những nhân chứng thuộc nhiều thế hệ vẫn còn sinh sống, đã trở thành chất liệu quý để xây dựng những sản phẩm du lịch nhân văn kết nối giữa hiện tại và quá khứ. 

Trong khi đó, nằm trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê, ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư đang sinh sống xung quanh đầm An Khê là chủ thể quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy Văn hóa Sa Huỳnh. Vì vậy, hệ sinh thái đầm An Khê và văn hóa truyền thống đang được phát huy để khai thác kinh tế bền vững dựa vào di sản. Du lịch cộng đồng là hoạt động kinh tế phù hợp để làm động lực nâng cao sinh kế cho người dân; đồng thời nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gìn giữ sự đa dạng sinh học cho đầm An Khê. 

Bài, ảnh: KIM NGÂN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:06, 07/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.