Nhân ngày Thơ Việt Nam 2025:

Thơ Bác Hồ

11:15, 11/02/2025
.

(Baoquangngai.vn)- Bác Hồ của chúng ta là một lãnh tụ có nhiều bài thơ được viết trong những hoàn cảnh khác nhau trên bước đường hoạt động cách mạng. Lúc bị bắt ở Trung Quốc thì Bác có hẳn một tập thơ, “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).

Viết thơ như viết nhật ký là một sáng tác thơ rất truyền thống mà nhiều nhà thơ Việt Nam từ mấy trăm năm trước đã viết, nhất là khi những nhà thơ ấy đi sứ sang Tàu. Nhưng Bác Hồ không phải đi sứ, Bác đi làm cách mạng. Đi làm cách mạng chắc chắn khổ hơn đi sứ, nhưng Bâc Hồ chấp nhận. Vì Bác muốn giành tự do cho nhân dân mình. Mà nếu muốn như thế, Bác phải là người đầu tiên tự giành tự do cho mình, dù minh bị bắt vào nhà ngục, bị mất tự do. Bài thơ “Khách tự do” khẳng định, dù là tù cũ hay tù mới, thì cũng giống như mây trời, lúc tạnh lúc mưa, nhưng đều là “mây nổi” bay đi một cách vô thức, chỉ còn lại một người “khách” tự ý thức, thì ngay phải ở trong tù, người khách ấy vẫn tự do.

KHÁCH TỰ DO

Trong lao tù cũ đón tù mới,
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết,
Còn lại trong tù khách tự do

                                             (Nam Trân dịch)

Vào năm 1929, khi Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, trên đường công tác vất vả, vào một đêm trời tối mịt mùng, xin ngủ nhờ tại một gia đình Việt kiều, Bác rất xúc động khi nghe chủ nhà hát ru con bằng lời hát ru của quê hương mình. Ngủ dậy, Bác ngẫu hứng đọc 2 câu thơ cho mấy người đang ngồi ăn cơm sáng nghe:

Xa nhà chốc mấy mươi niên 
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con.

Một người bạn nhà thơ Việt kiều ở Mỹ, anh Nguyễn Đỗ, đã đọc tôi nghe hai câu thơ này, theo anh nói, hai câu thơ đã khiến anh xúc động vì nó nhắc anh nhớ đến mẹ mình ở xa. Thơ là chuyện nỗi lòng, thơ kết nối lòng người khi bất chợt “nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Bác Hồ là một thi sĩ khi thơ Bác kết nối lòng người như thế, dù lúc ấy Bác Hồ đang ở Thái Lan. Nhưng phải ở Thái Lan, thì câu thơ mới rung lên âm hưởng của một người con xa nước nhớ lời ru cùa mẹ chốn quê nhà. 

Tôi chợt nhớ bài thơ “Tống hữu nhân” (Tiễn bạn) của thi hào Lý Bạch:

“Thanh sơn hoành bắc quách
Bạch thủy nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh”…

(Trải dài cõi bắc non xanh
Thành đông nước chảy quanh thành trắng phau
Nước non này chỗ đưa nhau
Một đi muôn dặm biết đâu cỏ bồng)

                                                         (Tản Đà dịch)
Lý Bạch tiễn bạn, Bác Hồ nhớ mẹ. Lý Bạch vịn vào “Nước non này chỗ đưa nhau”, Bác Hồ tựa vào lời ru: “Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”, có thể coi đó là liên cảm xúc, dẫn tới liên văn bản. Câu thơ của Lý Bạch năm 753( tính năm xuất bản) gợi nhớ câu thơ của Bác Hồ năm 1929. Thơ có thể cách nhau hàng nghìn năm, vẫn liên cảm xúc, từ đó dẫn tới liên văn bản. 

Viết về thơ Bác Hồ thì còn rất nhiều điều để nói, ở đây tôi chỉ tách ra một lát cắt mỏng, và từ một khoảng cách không hề ngắn về thời gian.

Nói vê thời gian trong thơ Bác Hồ, lại không thể quên bài thơ Nguyên Tiêu Bác Hồ viết vào đúng rằm tháng Giêng âm lịch năm Mậu Tý (1948)

Vào đêm 24 tháng 2 năm 1948 (tức đêm Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tý), sau khi bàn bạc việc quân sự ở địa điểm bí mật, trên dòng sông Phó Đáy - một đêm trăng sáng ngời ngợi, ngồi trên thuyền cùng một số đồng chí dự hội nghị về, tức cảnh sinh tình, Bác Hồ cao hứng đọc bốn câu thơ:
             

   NGUYÊN TIÊU

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

                                                 (Xuân Thủy dịch)

Bài thơ đã rất hay, mà bản dịch cũng hay. Bác Hồ thích làm thơ chữ Hán, bắt đầu từ “Ngục trung nhật ký”, thơ Người tối giản, cô đọng, nhưng ở bài Nguyên Tiêu này, câu kết bài thơ mở ra bát ngát, ánh trăng và thi ảnh đều không có giới hạn.

Bài Nguyên Tiêu đã trở thành bài thơ, cùng với bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, mở đầu cho Ngày Thơ Việt Nam rằm tháng Giêng hàng năm.  

THANH THẢO
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:15, 11/02/2025

Ý kiến bạn đọc


.