Khám phá bảo vật quốc gia 

17:28, 08/02/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong số 33 hiện vật và nhóm hiện vật được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2024 có 1 hiện vật có nguồn gốc tại Quảng Ngãi, đó là phù điêu Uma Chánh Lộ.

Dấu xưa từ tháp Chánh Lộ 

Tháp Chánh Lộ là tháp Chăm có quy mô lớn nhất mà chúng ta được biết ở vùng phía nam châu Amaravati của quốc vương Chăm, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Niên đại xây dựng tháp Chánh Lộ được nhiều nhà nghiên cứu ước đoán vào đầu thế kỷ XI. Tháp bị hủy hoại, đổ nát theo thời gian và đến nay đã hoàn toàn mất dấu vết.

Phù điêu nữ thần Uma Chánh Lộ.
Phù điêu nữ thần Uma Chánh Lộ.
Phong cách nghệ thuật hiếm có Điểm nổi bật của các tượng, phù điêu tìm thấy ở Chánh Lộ, cũng như các tượng, phù điêu tìm thấy ở nơi khác mang phong cách Chánh Lộ là, trong khi vẫn còn phảng phất bóng dáng của phong cách Mỹ Sơn E1 với những đường nét trau chuốt cổ điển, bố cục chặt chẽ, nghệ thuật Chánh Lộ đã có sự “phá cách” khá mạnh về khuôn khổ, đường nét, mang đậm cảm tác ngẫu hứng sáng tạo của nghệ nhân, làm cho các pho tượng và phù điêu trở nên sống động, giàu ấn tượng và biểu cảm, hình thành rõ nét một phong cách nghệ thuật mới, độc đáo mà J.Boisselier và nhiều nhà nghiên cứu gọi là phong cách Chánh Lộ.

Kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H.Parmentier đã có bản tường trình về kết quả của cuộc khai quật ở Chánh Lộ do ông tiến hành vào năm 1904; sau đó được công bố rộng rãi trong một tài liệu có tên là Inventaire descriptif des Monuments Champ de l'Annam (kiểm kê, mô tả các di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam). Tháp Chánh Lộ tọa lạc tại khu vực hiện nay là Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Tên tháp gọi theo tên của làng Chánh Lộ thuộc phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nay nằm trên địa bàn phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Tháp, hay đúng hơn là nhóm tháp Chánh Lộ gồm có tháp trung tâm, tháp cổng ngỏ và 2 tháp khác nằm về phía tây - nam và đông - bắc tháp trung tâm. Tổng diện tích khu tháp được khai quật là 7.200m2 (120m x 60m), trong đó nền tháp trung tâm có hình bát giác, một kiểu dáng kiến trúc tháp Chăm tương đối hiếm, hiện nay chỉ còn thấy ở nhóm tháp Bằng An (Quảng Nam).

Điều đặc biệt đáng lưu ý ở Chánh Lộ là giá trị của các hiện vật điêu khắc đá (tượng, phù điêu, bi ký, lanhtô, mi cửa có chạm khắc...) tìm thấy trong cuộc khai quật năm 1904 của Parmentier và được bổ sung bởi cuộc khai quật năm 1998 của Viện Khảo cổ học Việt Nam. Trong số gần 100 hiện vật này, đẹp và thu hút sự chú ý nhiều nhất của các nhà nghiên cứu là nhóm tượng hình người như tượng thần Brahma, thần Shiva, nữ thần Uma (vợ thần Shiva), thần giữ đền Dvarapala, vũ nữ Apsara, thủy quái Makara và các tượng, phù điêu động vật: Ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, rắn thần Naga, sư tử, Gaja-simha (đầu voi mình sư tử)... Một số hình tượng và phù điêu mà H.Parmentier thu được hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 

Phong cách nghệ thuật mới

Phù điêu Uma Chánh Lộ được tìm thấy tại cuộc khai quật di tích Chăm ở Chánh Lộ, năm 1938 được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Lúc này, bảo tàng có tên là Musée Henri Parmentier (Bảo tàng Henri Parmentier).

Theo thần thoại Ấn Độ, nữ thần Uma là vợ của thần Shiva (Shiva, Brahma, Vishnu là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo) được biết đến với quyền năng bảo vệ và loại trừ tất cả thế lực ma quỷ có nguy cơ đe dọa thế gian. Nữ thần Uma có nhiều hóa thân, với các tên gọi khác nhau như Parvati, Devi, Sati, Kali, Durga...

Hình ảnh phế tích tháp Chánh Lộ năm 1930.
(Ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp)
Hình ảnh phế tích tháp Chánh Lộ năm 1930. (Ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp)

Phù điêu Uma Chánh Lộ cao 165cm, rộng 162cm, dày 37cm, nặng 1,2 tấn, làm bằng chất liệu đá sa thạch. Tác phẩm cho thấy những nét đặc trưng tiêu biểu trong một phong cách nghệ thuật điêu khắc Chăm - phong cách Chánh Lộ (khoảng thế kỷ XI) với sự phá cách mạnh mẽ về khuôn khổ, đường nét, dáng điệu; cùng các họa tiết hoa văn trên y phục, đồ trang sức, mũ đội giàu tính sáng tạo đã góp phần làm cho các tác phẩm trở nên sống động, có tính biểu cảm riêng biệt. 

Hình tượng nữ thần Uma trong phù điêu được thể hiện trong tư thế múa. Nữ thần có bốn tay, tay phải chính cầm búp sen có cuống dài uốn lượn đưa lên ngang tai; tay trái chính ở tư thế thủ ấn Shunya mudra với ngón tay giữa gập xuống lòng bàn tay đang mở, trong khi tất cả ngón tay kia để đứng thẳng. Phía trên cánh tay này đeo vòng chạm điểm một bông hoa năm cánh. Tay phải phụ cầm một chày kim cương, thiền trượng Vajra, tay trái phụ cầm chiếc bình rộng miệng có vòi. Bốn cổ tay đều có đeo vòng kép trơn...

Phù điêu Uma Chánh Lộ là hiện vật duy nhất thể hiện hình tượng nữ thần Uma được khai quật tại Chánh Lộ, đồng thời cũng là hiện vật có kích thước lớn nhất đã được phát hiện tại Quảng Ngãi nói riêng và các di tích Chăm nói chung đặc tả hình tượng nữ thần này. Phù điêu nữ thần Uma Chánh Lộ được công nhận là bảo vật quốc gia, thêm một lần nữa khẳng định Quảng Ngãi là một trong những vùng đất đã từng tồn tại nền văn hóa Chăm cổ và để lại cho chúng ta hôm nay nhiều di sản văn hóa rất có giá trị.

Bài, ảnh: LÊ HỒNG KHÁNH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:28, 08/02/2025

Ý kiến bạn đọc


.