Hương Xuân, vị Tết

06:30, 16/01/2025
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đợt rét đậm cuối cùng đã qua, hàng cây già nua trên con đường ở trung tâm thành phố đã bung thớ vỏ như vảy rồng đón những sợi nắng đầu mùa.

Những ngày cuối năm, phố xá tự dưng tĩnh lặng, không còn vẻ ồn ã như ngày thường. Có cảm giác như ai cũng tất bật, tự cuốn mình thu xếp mọi việc khi chỉ còn mấy ngày nữa là hết năm. Dãy phòng trọ bên nhà bắt đầu đóng cửa, mọi người náo nức sắp xếp hành lý để trở về quê nghỉ Tết. Phố vắng hẳn. Trong sự đột ngột đổi thay của không gian ấy, tôi nghĩ về quê nhà, nơi chất chứa trong lòng ngan ngát niềm thương mỗi khi chạnh nhớ, nhất là trong những ngày Tết cận kề.

Nhớ quê, nhớ triền sông chiều nắng muộn. Màu hoa cải quyện vào màu nắng non ươm vàng cả bờ sông nằm yên bình bên con nước xanh như ngọc, vắt dòng qua một bên áp sát triền cát dài lững lờ trôi về phía Cửa Đại. Khói chiều trên sông xuân lan dần qua bờ lau, quấn vào nắng cuối tháng Chạp, lịm dần, man mác trôi, chầm chậm quyện vào hư không, rồi lững lờ tan loãng về phía lũy tre làng...

Xuân về.                  
Ảnh: TRUNG BÙI
Xuân về. Ảnh: TRUNG BÙI

Tôi lang thang trong nỗi nhớ quê nhà khi phố đã lên đèn. Con đường hoa rực rỡ sắc màu để sẵn sàng đón Tết, nhạc xuân rộn cả một vùng. Hương xuân nơi xứ người như lẩn khuất trong từng con hẻm nhỏ...

Những ngày này ở quê, má bắc ghế ngồi hái lá mai. Má vừa thoăn thoắt đôi tay, vừa thủ thỉ như nhắc nhở những nụ căng tròn sắp bung vỏ trấu: “Trời lạnh, nhưng như vậy mới nở đúng Tết, chứ nắng ấm lên kiểu gì cũng bung sớm hết”. Tết chỉ ba ngày thôi, nhưng quan niệm của người dân quê tôi cái gì cũng phải có đúng vào những ngày ấy mới vui, mới tròn đầy, mới nồng nàn đủ vị hương xuân. Còn ba tôi trong mưa phùn, lom khom chêm lại lưỡi cuốc để chuẩn bị đi dọn mồ mả họ tộc, thắp nén hương thơm, mời ông bà về nhà ăn Tết. Ông nội tôi lúc sinh thời thường nhắc nhở con cháu, “cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Con người dù ở đâu cũng phải ghi khắc nơi chôn nhau cắt rốn mà biết đường quay về.

Dù bận bịu cả năm mưu sinh khắp chốn, nhưng làm gì cũng phải trở về sum vầy những ngày cuối năm, cùng nhau đón năm mới. Tiết kiệm đến đâu cũng phải dành dụm sắm sửa những gì tốt nhất, đẹp nhất cho ba ngày Tết, bảy ngày Xuân. Dẫu cho lòng còn phiền muộn thế nào, cũng nên để trôi đi cùng năm cũ. Còn công việc gì dở dang cũng gác lại hẳn, để qua Giêng Hai ngày rộng tháng dài... Tết là dịp đoàn viên, là tích xuân, là vượng khí.

 Xuân về. Tết đến. Nhớ vị xưa. Tết dẫu ở thời nào vẫn không được phai vị. Tết xưa hay Tết nay đều đượm hương nồng nàn. Hương Tết là hương đất trời, là hương lòng người và cũng là hương của vạn vật thảo thơm.

Những ngày cuối tháng Chạp, lòng tôi quay quắt cảm giác thèm được hít hà cái hương vị đỏng đảnh nắng mưa bất chợt của không gian đất trời đã nhuốm đầy vẻ xuân tươi tắn. Mưa tháng Chạp chỉ khẽ khàng rơi nhẹ, nắng tháng Chạp cũng chỉ nhẹ hửng vàng non bấy đủ để hoa khoe sắc. Gió tháng Chạp chỉ vừa đủ lay cành kéo duyên cho những chồi non. Đất trời như keo lại một vị hương xuân thương vầy sum tụ. Cuối tháng Chạp, trời trở rét. Mưa xuân đọng lại trên những chồi non gom thành giọt, rồi nhẹ nhàng rơi xuống nền gạch trước sân.

Đêm trước Tết bình yên trôi cùng tiết trời se se lạnh. Ngoài sân, hoa mai, hoa đào cũng vo mình trong vỏ trấu, bẽn lẽn hé nhìn bình minh, như chờ đợi hơi ấm khi những tia nắng vàng xuyên qua lũy tre trước nhà là bung cánh.

Mỗi bận về quê ăn Tết, tôi thường dành thời gian đi chợ Tết những ngày cuối năm. Mà phải đi dạo chợ quê những ngày giáp Tết mới cảm nhận được không khí xôn xao khi Xuân về, Tết đến.

Chợ quê không bày biện ngăn nắp theo từng mặt hàng, mà cứ chen nhau đủ loại. Quầy hàng bánh mứt, vài mớ rau, con gà hay nải chuối hương ửng vàng bày ra bề bộn, trông như bức tranh quê ngồn ngộn sắc màu mà lại thật yên ả. Thích nhất đi chợ quê mình là được nói giọng mình, được nghe những thổ âm thân thương, không hoa mỹ, đón rào. Giọng quê khiến cho người nhà quê chất phác, nồng hậu qua từng âm điệu...

Những ngày giáp Tết, dường như chợ quê buôn bán chả bận tâm đến lãi lời. Cả người bán lẫn người mua đi chợ như cốt để được gặp nhau, để nói cười rổn rảng, để nghe và nói tiếng quê cho sướng dạ mình. Người nhà quê thuộc cả gia phả của nhau. Bà Sáu ngồi bán mấy nải chuối ngự mà miệng nhau nhảu nói với hai bạn trẻ vừa ghé chỗ bà ngồi: “Cháu này con ông Bảy xóm trên, bé này cháu bà Tư đầu cầu nề. Chu cha, lớn nhanh như thổi hể. Ráng học nghe bây, cha mẹ mấy đứa bây cực lắm đó. Ừ lấy đi, nải nào cũng hai chục, chuối nhà bà trồng đó. Thôi còn 3 nải, đưa tao 5 chục, xách đi...”.

Về quê, để thấy thương lắm tiếng mình. Người đi xa quay quắt nhớ. Khi trở về, dẫu có gặp người lạ cũng thấy thân quen.

Người xa quê thèm vị Tết. Nhớ vị Tết đâu chỉ là nhớ hương bánh mứt mà còn nhớ vị đượm nồng của đất trời chuyển mình sang xuân. Từ làn khói mỏng nơi chái bếp, thoảng hương trầm trên bàn thờ gia tiên, đến tiếng sôi của nồi bánh ngan ngát tỏa quanh nhà. Cũng là vị dưa hành, củ kiệu, cũng là nồi bánh tét má nấu như những ngày nhà có việc trọng, nhưng ngày Tết có lẽ nó thấm hương đất trời mà đậm vị, ngát men, nồng ấm tình thân. Năm nào má cũng nấu bánh tét ngày ba mươi để kịp chiều cuối năm cúng rước ông bà. Bữa tối trước giao thừa, dọn mâm cơm đoàn viên, cả nhà quây quần, gắp miếng bánh tét căng tròn ăn kèm cùng củ kiệu. Nghe giòn tan trong miệng, quyện với vị mặn cay thẳm sâu nồng nàn hương Tết.

Đêm giao thừa dần chuyển mình, hòa trong hương xuân nhẹ bước sang thềm năm mới. Xuân đã về. Đứa con xa quê trở về. Niềm hạnh phúc dâng đầy khi chạm vào mùa xuân ngan ngát vị hương và tình thân xứ sở.

VÂN ĐAM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:30, 16/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.