(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động du lịch của Quảng Ngãi năm 2024 tiếp tục khởi sắc, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phát triển theo hướng bền vững.
Khai thác tiềm năng
Với đường bờ biển trải dài gần 130km, Quảng Ngãi có nhiều bãi tắm đẹp dọc theo bờ biển như Châu Me, Gành Yến, Bình Châu, mũi Ba Làng An, Mỹ Khê, Tân Định, Đức Minh, Sa Huỳnh,...
Trong hành trình khám phá biển, đảo Quảng Ngãi, một địa điểm mà bất cứ ai cũng muốn đặt chân đến là Lý Sơn. Riêng năm 2024, huyện đảo đón hơn 181 nghìn lượt du khách; trong đó, có trên 2.000 lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với năm 2023. Tỉnh xác định, phát triển du lịch biển, đảo là chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân trong tứ giác phát triển: Lý Sơn - Bình Sơn - Mỹ Khê - Sa Huỳnh; tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch biển, đảo để hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí có quy mô lớn. Những năm gần đây, Sở VH-TT&DL phối hợp với huyện Lý Sơn tổ chức tuần lễ du lịch biển, đảo, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến với Lý Sơn.
Giải Dù lượn Lý Sơn được tổ chức hàng năm trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách đến Lý Sơn. ẢNH: TRƯỜNG LINH |
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, đầu năm 2025, tại huyện Lý Sơn sẽ diễn ra Lễ chào cờ chào năm mới, đón bình minh trên biển, đảo và Lễ đón đoàn du khách đầu tiên đến Lý Sơn trong năm mới, ra mắt ấn phẩm quảng bá du lịch “Quảng Ngãi xin chào” và số hóa cẩm nang du lịch. Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng Đề án phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng cường kết nối
Cùng với du lịch biển, đảo, Quảng Ngãi đang tập trung phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Trong đó, sản phẩm du lịch văn hóa gắn với tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng tại các điểm di tích, di chỉ khảo cổ tiếp tục được khai thác phục vụ phát triển du lịch. Một số điểm di tích văn hóa, lịch sử trong tỉnh như Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ... thu hút nhiều học sinh, du khách đến tham quan.
Rừng dừa nước xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC MINH |
Hiện nay, sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng đang được các địa phương khai thác hiệu quả. Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, với điểm nhấn là chùa Minh Đức, đang được đầu tư xây dựng, hứa hẹn thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Khu du lịch Suối Chí, điểm du lịch Thác Trắng, suối khoáng nóng Hamya, khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa... đã và đang được đầu tư đồng bộ, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan hằng năm... Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Sở VH-TT&DL chuyển giao 4 mô hình du lịch cộng đồng cho các địa phương vận hành, quản lý và đang chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu và rừng dừa nước Tịnh Khê...
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng chủ động đón nhiều đoàn famtrip của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đến khảo sát. Đồng thời, liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối du lịch với TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Việc liên kết để cùng phát triển du lịch giúp Quảng Ngãi và các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các loại hình du lịch đặc trưng. Qua hoạt động liên kết cũng từng bước thay đổi tư duy, cách làm du lịch, chuyển sang phát triển du lịch vùng, liên vùng, hướng đến xây dựng hệ thống du lịch thông minh, du lịch xanh và phát triển bền vững tại các địa phương liên kết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cho biết, phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, liên kết hợp tác đóng vai trò quan trọng và là xu thế tất yếu trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Vì vậy, cùng với việc không ngừng thu hút đầu tư, tạo môi trường phát triển du lịch có chiều sâu, thì các hình thức đẩy mạnh liên kết, kết nối của chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đang cho thấy quyết tâm rất cao của tỉnh. Hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực cho du lịch phát triển với các dự án: Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh... Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển các tổ hợp đô thị - dịch vụ- du lịch - giải trí, cơ sở lưu trú có quy mô lớn và chất lượng cao vào các khu du lịch được định hướng đến năm 2030 trở thành khu du lịch quốc gia và dọc tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; xây dựng Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo và đạt khu du lịch quốc gia vào năm 2030...
KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: