(Báo Quảng Ngãi)- “Quảng Ngãi ơi, cho tôi về tìm lại tháng năm xưa
Kỷ niệm thơ ngây bên trường xưa lớp cũ
Thuở hoang sơ, men tình quê còn ủ
Xin một lần say cho thấm hết yêu thương”...
Một hôm, thật tình cờ, khi vừa mở máy điện thoại ra thì giai điệu của bài hát như vút bay lên, như cánh chim tung cánh giữa trời, rồi chao liệng giữa tầng không, để ta cứ chôn chân, đứng lặng một hồi.
Mãi sau này, mới biết đó là một sáng tác mới của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Văn, bài hát “Nỗi nhớ quê nhà” (phổ thơ Minh Kha; giọng ca Thanh An), cũng là một người con của Quảng Ngãi.
Từ ngày cùng các anh chị trong hội đồng hương làm chương trình lễ hội Sắc quê Quảng Ngãi, tôi hay có ý tìm nghe những bài hát về quê nhà. Không biết có bao nhiêu ca khúc hát về và hát với quê hương? Có lẽ là nhiều lắm, đếm không hết.
Trước đây, tôi rất thích nghe bài “Hỡi dòng sông Trà” của nhạc sĩ Thế Bảo: “Ơi nhớ dòng sông quê hương/ Tóc mẹ bạc pha sương nhớ người anh thương/ Ngày ngày bên sông vắng dãi dầu bao mưa nắng/ Chiều chiều ra sông ngóng mong ngóng người đi xa”... Mỗi khi nghe tới đó, lại thấy lòng rưng rưng. Rồi theo năm tháng, về sau này, lại thích nghe bài “Quảng Ngãi ta về” của nhạc sĩ Từ Tấn Lực (phổ thơ Vũ Thụy Nhung). Chỉ một câu “Giờ em về Quảng Ngãi với anh nghe” là thấy ra cái chất của Quảng Ngãi quê mình rồi.
Cào don. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Dường như, mỗi bài hát hay đều có một từ khóa hay từ trường riêng, dẫn dụ người nghe bay lên tầng không của âm điệu. Ở đây, “Nỗi nhớ quê nhà” có chất mộc mạc rất riêng, nó như lời thủ thỉ của đứa con xa nhà, lòng đong đầy nỗi nhớ. Điệp khúc “cho tôi về” cứ lặp đi lặp lại, vừa nối không gian địa lý mà cũng vừa giăng mắc nỗi nhớ quê nhà trong không gian của tâm hồn.
“Cho tôi về” là về trong hiện thực và về trong cả tâm tưởng - kỷ niệm. Cho nên, có khi trong một chuyến về lại có hai chuyến tàu, một chuyến thả xuống ga hiện tại, một chuyến tiếp tục về bến tuổi thơ. Ở Quảng Ngãi mà nhớ Quảng Ngãi là vậy.
Tôi nhớ, khi làm chương trình lễ hội Sắc quê Quảng Ngãi, chúng tôi đã về Cổ Lũy để tìm cái ui don mà tìm hoài không ra. Sau đó, thật tình cờ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh đã tìm giúp được cho chúng tôi một cái ui, mà bao lâu nay người bạn của ông đã mang nó đi trồng cây. Bao lâu nay, cái ui don mang thân phận cái chậu kiểng, cho đến khi có người tìm về.
Cũng anh Lê Hồng Khánh, trong một lần tôi lang thang về Quảng Ngãi, anh đã gọi mời tôi tới nhà để đãi một món đặc biệt. “Mày ở Sài Gòn không có đâu nghen em”, nghe anh nói vậy, tôi không khỏi tò mò. Món chi mà đặc biệt dữ vậy? Đó là món cá thài bai kho tiêu, xúc bánh tráng nướng. Chỉ đơn giản vậy thôi, mà “đưa cay” với rượu gạo thì không còn gì tuyệt bằng.
Theo con cá thài bai của dòng Trà khúc, cũng là theo những mùa Xuân xanh xưa trong trẻo cội nguồn. Bởi con cá thài bai thường bơi theo bầy, ngược dòng nước trong xanh và ấm áp của mùa Xuân để đẻ trứng.
Quê hương và tuổi thơ. Ảnh:TRƯỜNG LINH |
Cảm thức mùa Xuân lúc nào cũng tuyệt. Dường như mọi thứ đều chờ mùa Xuân đến, con người và vạn vật.
Gần đây, tôi có đọc một câu chuyện rất hay trong cuốn sách “Nhà sư và khu vườn” của nhà sư Hyunjin - trụ trì chùa Maya (Hàn Quốc). Chuyện kể, trên đường phố lạnh căm, một người ăn xin treo trước ngực tấm biển: “Tôi bị mù”. Nhưng những người qua đường hối hả, dường như chẳng mảy may động lòng. Thấy vậy, một người bước tới, sửa dòng chữ trên tấm biển kia. Tức thì có nhiều người dừng lại, bỏ những tờ tiền vào bát người ăn xin và chia sẻ ánh nhìn thương cảm. Dòng chữ đó được sửa như thế nào vậy? Là thế này: “Chẳng bao lâu nữa là tới mùa Xuân. Tiếc rằng tôi chẳng thấy được mùa Xuân”.
Nghe nói, người sửa câu ấy, chính là một nhà thơ.
Ai cũng muốn được nhìn thấy mùa Xuân, đặc biệt là mùa Xuân thanh bình trên quê hương mình.
Quê hương là nơi ta tìm về. Nẻo Xuân là chốn ta ước ao được thả bước, thả hồn. Theo dòng bơi của con cá thài bai, ta tìm về bờ xe nước. Theo bờ xe nước, ta tìm lại những bài hát sắc bùa, được coi là những bài chúc Tết cổ xưa nhất của người Quảng Ngãi.
“Sắc bùa là sắc bùa hòe
Trông mau tới Tết ăn chè với xôi
Sắc bùa là sắc bùa ôi
Trông mau tới Tết ăn xôi với chè”
Chỉ mấy câu thôi mà đã nghe ra cái giọng cái hồn cái vía của người Quảng Ngãi. Mộc mạc, chân tình, mà chan hòa, nghĩa khí.
“Quảng Ngãi ơi, cho ta tìm lại những tháng năm xưa”.
Quảng Ngãi ơi, ta vẫn mãi trên đường tìm về.
TRẦN NHÃ THỤY
TIN, BÀI LIÊN QUAN: