(Báo Quảng Ngãi)- Gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) độc đáo ở màu men hỏa biến. Nghĩa là màu men trên sản phẩm phụ thuộc vào ngọn lửa nung trong lò ở các vị trí khác nhau .Vậy nên, mỗi lần dỡ lò là một lần hồi hộp và mỗi sản phẩm gốm là một tiêu bản có màu men độc nhất.
Bạn tôi ở TP.Đà Nẵng có thú vui là sưu tầm gốm nghệ thuật. Biết tôi quê ở huyện Bình Sơn nên anh nhờ ghé làng gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ đặt mua giùm chiếc bình gốm trang trí có màu xanh lam. Để chắc ăn, anh chuyển qua Zalo cho tôi bức ảnh có chiếc bình gốm với màu men mà anh đã chọn. Thế là tôi lục tìm trong danh bạ điện thoại và gọi ngay cho nghệ nhân ở làng gốm Mỹ Thiện, ông Đặng Văn Trịnh. Anh Trịnh cười đáp: "Bình lớn, bình nhỏ gì cũng có, cậu ra mà lựa chọn. Nhưng màu men của bình thì không thể nào giống y chang như chiếc bình mà bạn của cậu chụp đâu".
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh với những sản phẩm gốm Mỹ Thiện có màu men khác nhau. |
Làng gốm Mỹ Thiện tồn tại đến nay trên 300 năm. Người làng gốm với đôi tay khéo léo đã cung ứng ra thị trường dòng sản phẩm dân dụng như ui, ghè, thạp, chậu và một dòng gốm mỹ nghệ chủ yếu là bình cắm hoa. Trang trí trên bình là cành trúc tượng trưng cho hình bóng quê nhà, con chuột tượng trưng cho sự no đủ và con rồng tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của làng nghề.
Làng gốm Mỹ Thiện nằm bên sông Trà Bồng. Để có loại đất sét dẻo quánh và ít bị lẫn với sạn, người làm gốm thường chọn mua đất ở cánh đồng nằm ở phía trên cầu Ô Sông, xã Bình Long. Ngày xưa, tất cả các công đoạn làm gốm đều bằng thủ công. Bây giờ có máy nhồi đất, máy chuốt, nhưng khâu tạo hình vẫn như xưa, vẫn từng chiếc một với bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Người thợ gốm lòng vui tươi, phấn khởi thì tạo hình, trang trí trên sản phẩm sẽ đẹp hơn.
Sản phẩm sau khi đã tạo hình thì đến công đoạn xối men. Men của gốm Mỹ Thiện được làm từ các loại đá màu do đích thân chủ lò tự kiếm tại địa phương rồi kết hợp với vỏ cây, xay thành nước đem xối lên sản phẩm. Rồi sau đó cho tất cả vào lò nung có trấu để giữ nhiệt và phải nung liên tục khoảng một tháng rưỡi mới dỡ lò. “Mỗi lần dỡ lò là một niềm vui, đúng hơn là hồi hộp”, ông Trịnh bộc bạch. Bởi tất cả đều xối men như nhau, nhưng tùy ngọn lửa trong lò tác động mà mỗi sản phẩm cho những màu sắc khác nhau gồm xanh ngọc, xanh nước biển, vàng, đà và màu gỗ. Và tất nhiên, mỗi sản phẩm là một tiêu bản về màu sắc, chứ không giống nhau y chang bao giờ.
Gốm Mỹ Thiện nhờ có nước men tốt và cốt chín, nên sản phẩm làm ra vừa đẹp lại vừa bền. “Bây giờ, nghề gốm trang trí được mở rộng hơn với các mẫu bình hoa trang trí khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Vậy nên, màu men hỏa biến của gốm Mỹ Thiện được duy trì", ông Trịnh nói.
Bài, ảnh: CẨM THƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: