Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  

10:28, 13/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có 2 di sản vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là nghề làm gốm ở Sa Huỳnh, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) và nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor (Trà Bồng).

Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor

Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor Trà Bồng ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với lễ hội ăn trâu - một sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của đồng bào Cor ở miền Tây Quảng Ngãi qua nhiều thế hệ. Nghệ nhân nhân dân Hồ Văn Đường (73 tuổi), ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) cho biết, bây giờ lớp trẻ nhiều người chưa biết làm và trang trí cây nêu. Vậy nên, ngoài việc chỉ dạy cho thanh niên ở làng cách làm cây nêu, tôi còn làm cây nêu mẫu để trong nhà, mục đích là sau này chúng tôi mất đi, con cháu nhìn vào mà học hỏi, bảo tồn di sản ông cha để lại.

Theo ông Đường, nghệ thuật trang trí cây nêu không biết xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng khi người Cor sinh sống tại huyện Trà Bồng thì con cháu đã thấy ông bà hằng năm đều làm cây nêu phướn với những trang trí, tạo hình mâm thần, gu thần cùng các dải hoa văn vẽ màu quanh thân cột xen kẽ với các hình ảnh rất đẹp và giàu tính nghệ thuật. Cứ hết lớp tới lớp, cha truyền con nối, nghệ thuật trang trí cây nêu được bảo tồn cho đến ngày nay.

 Đồng bào Cor (Trà Bồng) đánh chiêng, múa Cà Đáo bên cây nêu.
Ảnh: PV
Đồng bào Cor (Trà Bồng) đánh chiêng, múa Cà Đáo bên cây nêu. Ảnh: PV

Nghệ thuật trang trí cây nêu của dân tộc Cor là một tổ hợp trang trí khá độc đáo so với một số dân tộc khác trong khu vực, thể hiện sự tinh túy và tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Dân tộc Cor có nhiều kiểu cây nêu như nêu lá chuối, nêu dù, nêu đu đủ, nhưng cây nêu phướn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dùng cho lễ cúng thần có hiến trâu là một tổ hợp trang trí rất đặc sắc làm bằng trụ gỗ chò. Khắp chiều cao cây nêu là những trang trí với những hoa văn vẽ ôm quanh cây cột gỗ với 3 màu truyền thống đỏ, đen, trắng, kết hợp với tạo hình mâm thần, gu thần, đơm cá, lá phướn...

Thực hành trang trí cây nêu của người Cor độc đáo hơn những loại cây nêu của dân tộc khác ở chỗ những tri thức dân gian về chọn nguyên vật liệu, làm xơ tua vỏ cây, chế màu, đẽo khắc tạo hình, đan lát và cách sử dụng màu được tích lũy qua nhiều năm, mang dấu ấn riêng... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, các nghệ nhân người Cor có năng khiếu thẩm mỹ, tài năng sáng tạo nghệ thuật qua chế tác, trang trí đặc sắc cây nêu và gluba. Địa phương cần sưu tầm, lưu giữ cách thức làm, trang trí cây nêu của các nghệ nhân; đồng thời phát huy loại hình di sản văn hóa kết hợp với khai thác phát triển du lịch để thu hút du khách, lan tỏa giá trị văn hóa Cor...

Bảo tồn nghề gốm Sa Huỳnh

Nghề làm gốm Sa Huỳnh hiện nay có nguồn gốc xa xưa từ văn minh văn hóa Sa Huỳnh, kéo dài sự phát triển ở văn minh văn hóa Chămpa và định hình trong dòng chảy của văn hóa Đại Việt. Đó là truyền thống làm gốm nung với sản phẩm đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, một số nghệ nhân ở làng gốm Sa Huỳnh đã và đang học hỏi kỹ thuật tạo hoa văn gốm Sa Huỳnh để tạo được nét độc đáo cho sản phẩm.

Kỹ thuật tạo hoa văn được mô phỏng theo các mô típ hoa văn của các bình gốm đất nung Long Thạnh, Sa Huỳnh cách đây 2.000 - 3.000 năm như hoa văn khắc vạch, khắc vạch kết hợp in chấm, đường cong uốn lượn, hoa văn in mép vỏ sò. Nghề làm gốm Sa Huỳnh cho dù trải qua chuỗi thăng trầm của sự phát triển ngành nghề trong một không gian và thời gian dài với sự biến thiên của lịch sử, song vẫn giữ được giá trị truyền thống, có tính chất đặc trưng, mang bản sắc riêng của vùng đất Quảng Ngãi.

Người dân ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) phơi sản phẩm gốm.
Ảnh:K.NGÂN
Người dân ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) phơi sản phẩm gốm. Ảnh:K.NGÂN

Mặc dù đã 85 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Ni, ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh vẫn miệt mài với việc gìn giữ và bảo tồn những nét độc đáo của nghề làm gốm mà tổ tiên để lại. Hơn 60 năm gắn bó với nghề làm gốm, bà Ni đã truyền lại nghề cho con gái là bà Mai Thị Hồng Tư và cháu trai Nguyễn Tấn Sinh. “Tôi làm gốm từ đời ông bà, cha mẹ rồi giờ tôi truyền lại cho con, cho cháu để tiếp tục giữ nghề. Dù có nhiều thăng trầm, nhưng nghề làm gốm Sa Huỳnh vẫn là niềm tự hào của cư dân địa phương chúng tôi, không thể để mai một”, bà Ni bộc bạch.

Bà Đặng Thị Mỹ, ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, hơn 40 năm gắn bó với nghề làm gốm cho biết, gốm Sa Huỳnh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng loại nước men nào. Để làm ra sản phẩm gốm mô phỏng gốm cổ Sa Huỳnh, người thợ phải biết pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu, tỉ mẩn mới tạo ra được sản phẩm đẹp và bền.

Theo người dân địa phương, cách đây khoảng 70 năm trở về trước, nghề làm gốm ở đây rất tấp nập và hưng thịnh. Trải qua nhiều thăng trầm, những người thợ làm gốm trong làng hiện còn rất ít, toàn xã Phổ Khánh chỉ còn chưa đến 10 hộ làm gốm. Xã Phổ Khánh đã thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh với 12 thành viên là những nghệ nhân của làng gốm Sa Huỳnh. Hợp tác xã chủ yếu kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm làm gốm, giới thiệu và bán các sản phẩm gốm gia dụng và gốm thủ công mỹ nghệ. Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, xã Phổ Khánh đã đăng ký sản phẩm gốm là sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, khuyến khích duy trì sản xuất thủ công song hành với sản xuất bằng máy, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa gìn giữ nghề truyền thống.

KIM NGÂN - PHƯƠNG DUNG 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 10:28, 13/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.