Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến, gắn với tập quán, văn hoá ẩm thực của Hà Nội. Mới đây, phở Hà Nội đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.
Từ lâu, phở đã là món ẩm thực đặc trưng cho văn hoá Hà Nội. |
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia món phở Hà Nội.
Trước đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã trình hồ sơ đề nghị ghi danh tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ thành phố Hà Nội đề xuất, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.
Bên cạnh đó, còn có nhóm cộng đồng thưởng thức phở.
Tính đến năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, những cửa hàng tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên.
Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.
Nhiều sử liệu ghi chép lại món “phở” tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Từ năm 1907 đến 1910, Phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội.
Về nguồn gốc ra đời của món “Phở” đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau với ba giả thuyết phổ biến: Phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; Phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của người Hoa; Và Phở có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của người Việt.
Thực tế, quá trình hình thành món phở là sự sáng tạo của nhiều người, của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa đầu thế kỷ XX tại Hà Nội.
Người Pháp có thói quen ăn thịt bò, nên ở Hà Nội đã xuất hiện những địa điểm chuyên cung cấp thịt bò.
Trong con bò chỉ có số thịt ngon được chọn để làm thức ăn cho người Pháp, còn những chỗ thịt không ngon bán được rất ít, bộ xương thì gần như bị bỏ đi, vì người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung chưa quen ăn thịt bò.
Người Việt vốn bản tính cần cù, thông minh và tiết kiệm, nên rất có thể những người bán bún xáo trâu đã thay xương trâu bằng xương bò để tiết kiệm chi phí và dùng bánh cuốn chay thái sợi thay cho bún vì bấy giờ, loại bánh cuốn chay (hay bánh cuốn mộc) là món ăn rất phổ biến mà giá thành lại rẻ.
Món thịt bò, bánh cuốn thái của người Việt đã được người Hoa điều chỉnh về kỹ thuật nấu nướng, thêm nếm gia vị để có hương vị ngon hơn và họ gánh đi bán ở khắp các con phố.
Dần dần người Việt có những điều chỉnh, độc quyền bán phở và phở trở thành món ăn phổ biến tại Hà Nội.
Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến.
Chính nhu cầu thưởng thức thường xuyên món phở của người dân Hà Nội lại tác động đến kỹ thuật nấu nướng của các chủ quán phở, khiến phở Hà Nội ngon hơn.
Món phở cũng thể hiện sự tinh tế của người Hà Nội không chỉ trong nấu nướng mà còn trong thưởng thức.
Các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu và cả giới nhà văn, nhà thơ đều thừa nhận rằng: Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.
Hiện nay, phở đã là món ăn nổi tiếng thế giới, được khách du lịch trong nước, quốc tế đánh giá cao. Dự kiến, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; nghiên cứu, sưu tầm; quy hoạch không gian văn hóa thực hành di sản; xây dựng bản đồ phở Hà Nội nhằm giới thiệu những cửa hàng phở ngon đến khách du lịch…
Theo Nhandan.vn