Nhớ ngày Giỗ Tổ

10:30, 18/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân ở các địa phương trong tỉnh lại tụ hội về đình làng, dinh miếu... để thắp nén hương tưởng nhớ các vua Hùng, các bậc tiền nhân, tri ân tổ tiên.

Tại Đình làng Hiệp Phổ, ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành), người dân và các thành viên ban hộ tự đình mỗi người mỗi việc cùng chung tay lo chuẩn bị cho lễ cúng tại đình làng được diễn ra tươm tất. Ông Nguyễn Năng, thành viên ban hộ tự đình làng Hiệp Phổ cho biết, đình làng này đã tồn tại hơn 200 năm. Đây là nơi do nhân dân tạo lập để thờ các vị thần làng, các vị tiền hiền. Lễ cúng đình chúng tôi tổ chức đúng dịp giỗ Tổ để bày tỏ lòng thành kính tới các vua Hùng, các vị thần làng, sau là giáo dục con cháu nhớ về truyền thống, cội nguồn. “Đình làng Hiệp Phổ là nơi gắn kết cộng đồng, giáo dục con cháu luôn nhớ đến tổ tiên, nguồn cội, tri ân các bậc tiền hiền có công với dân, với nước. Đình làng nhiều lần được nhân dân chung tay đóng góp để trùng tu, gìn giữ được khang trang như ngày nay”, ông Năng cho biết thêm. 

Người cao tuổi ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) chuẩn bị cho lễ cúng tại đình Phú Sơn.
Người cao tuổi ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) chuẩn bị cho lễ cúng tại đình Phú Sơn.

Đã thành thông lệ, hằng năm, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng trăm hộ gia đình ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) gác lại việc nhà để tụ họp về đình La Hà chuẩn bị lễ cúng tại đình. Đình La Hà hiện đang lưu giữ và thờ tự 8 sắc phong thần của các vua Triều Nguyễn ban cho đình. Gần 200 năm tồn tại, đình La Hà là niềm tự hào của người dân địa phương. Trưởng ban phụng sự đình La Hà Nguyễn Văn Phúc cho biết, người dân chọn ngày cúng đình trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Các hộ dân trên địa bàn thị trấn và con cháu ở xa quê đóng góp tiền tùy theo điều kiện của mỗi người để chuẩn bị cho lễ giỗ. Phụ nữ đi chợ mua các vật dụng chuẩn bị mâm cỗ. Thanh niên thì dựng rạp, kê bàn ghế. Các cụ cao niên chuẩn bị hương đèn, áo dài khăn đóng chỉnh tề. Trong nghi thức lễ, những lời ghi nhớ công đức vua Hùng và các vị thần làng luôn được nhắc đến. Sau nghi lễ vọng bái của các cụ cao niên, mỗi người dân trong làng đều đến các ban thờ để thắp hương bày tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân. 

Còn tại thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch, các hộ dân ở địa phương tập trung về đình Phú Sơn để lo lễ cúng đình. Ông Nguyễn Ký (85 tuổi), thành viên quản lý tại đình cho biết, dịp cúng đình, người dân tập trung về đình làng đông đủ, con cháu ở xa cũng sắp xếp về dự lễ cúng. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ công đức tổ tiên, đây còn là dịp để mọi người có dịp gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Tình đoàn kết trong xóm làng nhờ vậy mà thêm bền chặt. Anh Nguyễn Văn Chiến, ở xã Nghĩa Kỳ chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi đều sắp xếp công việc gia đình để về đình Phú Sơn cùng các bậc  cao niên trong làng chuẩn bị lễ cúng. Là người con của làng, về với cội nguồn là niềm tự hào, thiêng liêng và cũng là thể hiện trách nhiệm của con cháu đời sau tưởng nhớ, tri ân công đức của bậc tiền nhân đã có công dựng xây đất nước.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" đã trở thành lời nhắn gửi, nhắc nhở mọi người về với cội nguồn. Qua đó, khơi dậy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:30, 18/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.