Trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIII

17:05, 29/11/2023
.

Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được trao nhằm động viên, cổ vũ các nhà Sử học trẻ tuổi trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học.

6 Tiến sĩ được trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIII - Ảnh: VGP/NN
6 Tiến sĩ được trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIII - Ảnh: VGP/NN

Ngày 29/11, nhân dịp kỷ niệm 138 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, nhà sử học, nhà văn hóa, nghĩa sĩ yêu nước, người góp phần khởi động Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX, tại Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIII.

Đây là giải thưởng đầu tiên của Việt Nam được trao trong lĩnh vực Sử học và cũng là giải thưởng chính thức duy nhất của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có phạm vi trên toàn quốc. Từ năm 2000 đến nay, Giải thưởng được trao cho những luận án Tiến sĩ Khoa học lịch sử xuất sắc nhất và đã có 119 Tiến sĩ được nhận giải thưởng danh giá này.

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: "Hội đồng giải thưởng được thành lập thay đổi hàng năm tuỳ thuộc vào đề tài của các luận án tiến sĩ. Việc trao giải thưởng dựa trên cơ sở đánh giá khách quan chất lượng khoa học của các luận án, được các cơ sở đào tạo trong cả nước gửi đến. 

Giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ các nhà Sử học trẻ tuổi trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học, cống hiến cho sự nghiệp của nền sử học nước nhà, công cụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Năm nay, 6 luận án tiến sĩ Sử học xuất sắc đã được lựa chọn cho Giải thưởng Phạm Thận Duật. Trong đó, giải Nhất thuộc về luận án "Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX" của TS. Trần Xuân Thanh (Trung tâm Biển và Hải đảo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Ban tổ chức cũng trao thưởng cho hai giải Nhì và ba giải Ba. Cụ thể, hai giải Nhì dành cho Luận án "Vai trò của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam từ năm 1960 đến năm 1975" của TS. Lưu Thị Bích Ngọc (Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an) và Luận án "Chợ ở tỉnh Nam Định từ năm 1831 đến năm 1890" của TS. Bùi Văn Huỳnh (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Cuốn sách Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam - công trình đầu tiên tập hợp nghiên cứu của các nhà sử học trong và ngoài nước về nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật
Cuốn sách "Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam" - công trình đầu tiên tập hợp nghiên cứu của các nhà sử học trong và ngoài nước về nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật.

Các giải Ba thuộc về các luận án: "Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam giai đoạn 2002-2018" của TS.Nguyễn Văn Tuấn (Học viện Chính trị Khu vực III); "Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam (1954-1975)" của TS. Nguyễn Vũ Kỳ (Khoa Nhật Bản học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM) và luận án "Nông trường quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975" của TS. Phạm Thị Vượng (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Trong khuôn khổ của buổi lễ tưởng niệm danh nhân, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật cũng đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam" do GS. TSKH. NGND Vũ Minh Giang chủ biên. Đây là công trình đầu tiên tập hợp nghiên cứu của các nhà sử học trong và ngoài nước về nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật.

Theo PHƯƠNG LIÊN/Chinhphu.vn

 

 

Xuất bản lúc: 17:05, 29/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.