(Báo Quảng Ngãi)- Xoay quanh thói quen đọc sách có rất nhiều chuyện để bàn, vấn đề ở đây là cần phải lan tỏa thói quen đọc sách, đó là cách để làm giàu tri thức.
1. Chúng ta vẫn thường thấy nhiều người phương Tây đi ngao du đây đó, khi vừa thả chiếc ba-lô xuống chờ tàu, chờ xe là lấy sách để sẵn trong ba-lô ra đọc, chăm chú đọc như không có người xung quanh. Người phương Tây có thói quen đọc sách. Còn ở nước ta, đọc sách chưa phải là thói quen của nhiều người. Quan sát ở các thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh cho thấy, không có nhiều người đến thư viện, cũng có nghĩa nhiều người không có thói quen đọc sách.
Đọc sách là thói quen tốt, giúp con người mở mang tri thức. ẢNH: Ý THU |
Nếu người Việt có thói quen đọc sách, thì với dân số gần 100 triệu người, việc một cuốn sách được in với số lượng chừng 20 nghìn bản được xem là bình thường, sách in chừng 50 - 100 nghìn bản trở lên mới có thể xem là sách best-seller. Thực tế sách in trong nước hiện nay chỉ vài ba nghìn bản. Người ta không có thói quen đọc sách ắt cũng sẽ không có thói quen mua sách.
Nếu số lượng người đọc sách cao, thì ở các thư viện công cộng sẽ đông người, người ta còn có thể mở thư viện tư nhân để kinh doanh. Tuy nhiên, từ việc in và phát hành sách với số lượng thấp, đến việc thư viện có ít người đến đọc sách, nên mô hình thư viện tư nhân chưa phát triển. Để hình thành thói quen đọc sách, ngành văn hóa, các thư viện công đã tổ chức nhiều hoạt động để cổ vũ nhiều người đọc sách, phát động phong trào văn hóa đọc. Ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có con đường sách, phố sách...
2. Nói đến thói quen đọc sách, nhiều người nghĩ đến sách văn học, nhưng sách văn học chỉ mới là một phần nhỏ của thế giới sách. Có thể nói, tất cả những lĩnh vực, tất cả những gì mà con người quan tâm, từ kiến thức thông thường đến chuyên sâu, đều có sách. Sách bồi bổ kiến thức, giúp cho con người mở mang tri thức, phát triển trí tuệ, học tập và nghiên cứu, không phải chỉ là giải trí. Ngay cả sách văn học cũng không đơn thuần là giải trí, chẳng hạn khi đọc "Tam quốc chí" của La Quán Trung, người làm chính trị học được nhiều bài học hay; còn khi đọc "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn, người ta có thể tự soi rọi lại mình có “phép thắng lợi tinh thần” hay không.
Thư viện thuộc ngành văn hóa quản lý, nhưng thật sai lầm nếu khoanh nó trong phạm vi của một ngành. Nó gắn với tầm tri thức, với trình độ dân trí của cả xã hội. Sách như là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trí tuệ, cho sáng tạo. Thế nhưng đáng buồn là, nhiều người ít đọc sách.
Sách điện tử thuận tiện nhưng rất khó để đọc kỹ. Ngay với người làm sách, sau thao tác nội dung trên máy vi tính, khi cần rà soát, người ta lại phải in ra giấy. Tôi từng hỏi với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, liệu sách in có bị lạc hậu hay không. Nhiều người trả lời là không, bởi sách in đọc vẫn thuận lợi hơn sách điện tử. Nhìn các học giả thế giới khi trả lời phỏng vấn truyền hình, thấy sau lưng họ luôn có kệ sách cao dày. Họ không thiếu những thiết bị công nghệ số tiên tiến, nhưng sách in vẫn là thứ căn bản. Thói quen đọc sách nhiều, xã hội có dân trí cao, ở các nước Âu Mỹ có khi một cuốn sách in tới hàng triệu bản, chỉ tính trong nước, còn tính ở ngoài nước dịch in còn có thể gấp nhiều lần.
Hiển nhiên đọc sách mất không ít thời gian, người đọc sách có vẻ như đang “sống chậm”, lạc hậu so với thời cuộc, nhưng nghĩ như thế là nhầm. Tri thức con người không phải phát triển một cách “tốc hành”. Nói cho đúng, muốn phát triển nhanh thì khởi đầu phải biết... sống chậm với sách. Bởi lẽ, muốn bồi bổ tri thức, cho con người nắm được đỉnh cao trí tuệ, muốn phát minh sáng chế, thì phải bắt đầu và luôn cùng sách. Vào thế kỷ XVIII, nhà học giả thông thái Lê Quý Đôn từng viết: “Hung trung vô tam vạn quyển thư, nhãn trung vô thiên hạ kỳ sơn xuyên, vị tất năng văn”, nghĩa là trong bụng không có ba vạn cuốn sách, trong mắt không thấy núi sông kỳ lạ của thiên hạ, chưa chắc đã làm văn được”. Thực tế (núi sông kỳ lạ của thiên hạ) là một phần, và sách vở (học hành) là một phần, thiếu một trong 2, hay thiếu cả hai, thì đúng là chí mạng của người làm văn, mà không phải chỉ văn chương, kể cả khoa học.
CAO CHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: |