Thành phố Quảng Ngãi: Đa dạng giải pháp giảm nghèo

12:44, 02/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, TP.Quảng Ngãi còn huy động nhiều nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Tạo sinh kế cho người dân

Thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) có 670 hộ dân; trong đó, có 9 hộ nghèo (1,3%) và 29 hộ cận nghèo (10,7%). Đặc thù của thôn là hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo đều có đất nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, xã Tịnh Ấn Tây đã hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi bò sinh sản để có sinh kế ổn định hơn.

Bà Trần Thị Thu, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ  bò sinh sản.
Bà Trần Thị Thu, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò sinh sản.

Là hộ cận nghèo của thôn Độc Lập, bà Trần Thị Thu (56 tuổi) được hỗ trợ bò giống sinh sản từ Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2023, bà Thu đã vươn lên thoát nghèo. Bà Thu xúc động chia sẻ, được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản, tôi mạnh dạn vay vốn để mua thêm 1 con nữa. Từ 2 con bò giống ban đầu, sau gần 2 năm, tôi đã có đàn bò 4 con.

Phát triển được mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bà Thu chuyển đổi 1 sào đất trồng mì sang trồng bắp và cỏ. Từ đó, giúp bà chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi. "Được hỗ trợ mô hình sinh kế giúp tôi mạnh dạn chuyển hướng làm ăn và thay đổi tư duy sản xuất cũ. Từ đó, kinh tế gia đình khởi sắc hơn", bà Thu bộc bạch.

Ở xã Nghĩa An và phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), đã duy trì và phát triển hiệu quả nhiều mô hình tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

Từ nhiều năm nay, Chi hội Phụ nữ thôn Tân An, xã Nghĩa An, đã triển khai mô hình Tổ hợp tác nấu đám, tiệc và vận động phụ nữ địa phương, đặc biệt là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm tham gia. Từ đó, tạo việc làm cho gần 20 lao động, duy trì mức thu nhập trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/lao động/tháng. Tại phường Quảng Phú, mô hình Tổ hợp tác nấu đám, tiệc cũng được Hội LHPN phường duy trì hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động, với thu nhập ổn định khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Tập trung giảm nghèo
Cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 681 hộ nghèo (0,92%), 1.650 hộ cận nghèo (2,24%). Trong đó, có 248 hộ nghèo và 1.100 hộ cận nghèo còn khả năng lao động.

"Xác định giúp người dân thoát nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, từ nay đến cuối năm 2025, toàn Đảng bộ TP.Quảng Ngãi tập trung thực hiện cao điểm hỗ trợ người dân thoát nghèo để đến cuối năm 2025, số hộ nghèo còn 466 hộ (0,62%), số hộ cận nghèo còn 712 hộ (0,94%). Đây cũng là phần việc được Đảng bộ TP.Quảng Ngãi lựa chọn để thi đua cao điểm trong toàn Đảng bộ nhằm chào mừng 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, 20 năm Ngày thành lập thành phố, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Quảng Ngãi lần thứ XVII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2030”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Quảng Ngãi Trần Phước Hải cho biết.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, hầu hết các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ TP.Quảng Ngãi đều đề ra nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ giúp người nghèo, cận nghèo sớm vươn lên, nâng cao thu nhập, mức sống. Cụ thể như, Chi bộ Hội LHPN TP.Quảng Ngãi đề ra chỉ tiêu vận động kinh phí xây dựng từ 1 - 2 nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, với trị giá 50 triệu đồng/nhà. Đảng bộ xã Nghĩa An phấn đấu hằng năm giảm từ 12 - 16 hộ nghèo, tăng cường huy động Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ người dân. Đảng bộ xã Tịnh Khê đề ra chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2025 sửa chữa 1 ngôi nhà cho người nghèo. Đảng bộ xã Tịnh Hòa phấn đấu giảm mỗi năm từ 7 - 10 hộ nghèo và tiếp tục duy trì các mô hình dân vận khéo vì người nghèo là mô hình thu gom phế liệu, hũ gạo tình thương...

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 12:44, 02/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.