(Báo Quảng Ngãi)- Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều nông dân ở huyện Tư Nghĩa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Dũng (74 tuổi), ở thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho biết, gia đình tôi nuôi bò từ nhiều năm nay, nhưng chỉ nuôi giống bò cỏ nên hiệu quả không cao. Đầu năm 2024, Hội Nông dân xã phổ biến về việc vay vốn phát triển sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục giúp tôi vay 50 triệu đồng để mua con nghé lai và hai con trâu về nuôi.
Nhờ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân, bà Nguyễn Thị Thanh Lài, ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) mở rộng chuồng trại, chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TR.AN |
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tư Nghĩa Lê Anh Đức cho biết, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện thành lập với mục đích hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng cao góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, toàn huyện Tư Nghĩa có 8 chi hội và 15 tổ hội nghề nghiệp. Việc vay vốn của các thành viên trong chi hội, tổ hội được Hội Nông dân huyện quan tâm, bố trí hằng năm. Khi hộ dân đề xuất và căn cứ vào nguồn vốn, Hội Nông dân huyện đã giải ngân kịp thời. Tính đến ngày 10/9/2024, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp do huyện đang quản lý hơn 5,2 tỷ đồng.
Trong đó, cấp trung ương 950 triệu đồng, cấp tỉnh 1,4 tỷ đồng, cấp huyện hơn 2,1 tỷ đồng và nguồn vốn cấp cơ sở trên 760 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã có 325 hộ vay để chăn nuôi, trồng rau, làm nghề thủ công... Các ngành nghề này đã tạo việc làm cho khoảng 1.550 lao động ở nông thôn, với mức thu nhập bình quân khoảng 3 - 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm nghèo trên địa bàn.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tư Nghĩa tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân; đề xuất cấp trên quan tâm bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội, sau khi các hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả thì tiến hành thanh lý hợp đồng vay vốn để có nguồn tiền cho các hộ nông dân khác vay.
TRƯỜNG AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: