Vượt khó về đích

11:26, 13/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Sơn Tây nỗ lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đây chính là tiền đề quan trọng, động lực to lớn để huyện tiếp tục gặt hái những thành quả tốt đẹp hơn nữa trong năm 2025.

Nhiều điểm sáng

Theo UBND huyện Sơn Tây, kết thúc năm 2024, huyện dự kiến thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu đề ra. Giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt 1.175 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2023, đạt 101,2% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao. Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 15,7%; công nghiệp - xây dựng: 62,2%; dịch vụ: 22,1%.

Đặc biệt, huyện Sơn Tây đã tận dụng lợi thế thu hút các dự án năng lượng vào địa bàn, giúp phát triển công nghiệp nhanh, bền vững. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng hiện ước đạt 731 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 102% chỉ tiêu, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 175 tỷ đồng, đạt 142,78% kế hoạch; thu bổ sung cân đối ngân sách 163/146 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch; thu bổ sung có mục tiêu đạt 527 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên tìm hiểu các sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên tìm hiểu các sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây).

Huyện Sơn Tây là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá của tỉnh. Tổng vốn được giao trong năm 2024 là 260 tỷ đồng, đến cuối tháng 11/2024 giải ngân khoảng 50%. Ước giải ngân đến hết ngày 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2024, huyện Sơn Tây đã khởi công xây dựng dự án khẩn cấp Khu tái định cư Đăk Dép, xã Sơn Màu, nhằm ổn định chỗ ở cho 21 hộ dân (79 nhân khẩu), với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục san gạt mặt bằng, cấp nước, điện thắp sáng, thoát nước mưa và nước thải, đường giao thông nội vùng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo di dân về ở trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sơn Tây đã lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng các công trình, góp phần hoàn thiện hạ tầng vùng nông thôn. Đến nay, huyện Sơn Tây có 9/9 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; ước đến ngày 31/12/2024, đạt bình quân 11,67 tiêu chí/xã. Năm 2025, huyện Sơn Tây phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM là Sơn Dung và Sơn Mùa. Bên cạnh đó, huyện luôn chú trọng phát triển hài hòa giữa các vùng, giảm nghèo bền vững; số hộ nghèo mỗi năm đều giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 21,8 triệu đồng/người/năm. Dấu ấn quan trọng khác của huyện trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là đã xây dựng và đưa vào khai thác thành công bản đồ thổ nhưỡng phục vụ người dân trong lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai.

Đến nay, huyện Sơn Tây đã huy động được một số doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ, chế biến nông sản địa phương. Từ đó giúp sản phẩm có giá trị cao, đưa vào thị trường, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng. Đặc biệt là, huyện đã hình thành vùng trồng cây chủ lực (cây cau), vùng cây trồng mới (ổi, chuối, bưởi, dứa...) đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Hiện nay, huyện có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao; dự kiến từ nay đến cuối năm 2025, huyện sẽ có thêm từ 8 - 10 sản phẩm khác được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Sơn Tân (Sơn Tây).
Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Sơn Tân (Sơn Tây).

Trong lĩnh vực GD&ĐT, bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, huyện Sơn Tây đã tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu có 5 trường mầm non, 4 trường tiểu học và THCS, 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ngoài ra, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Quy mô giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện tiếp tục được duy trì 70 giường bệnh, đạt 100% chỉ tiêu giao; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 27,6%... Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội được giữ vững; tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn ngày một giảm dần.

Triển khai nhiều giải pháp để phát triển

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết, về công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, năm 2025, Sơn Tây xác định tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, huyện Sơn Tây sẽ quyết liệt cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa, giáo dục...

Năm 2025, huyện Sơn Tây đặt ra các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 6 - 7,7%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 100% kế hoạch tỉnh giao. Duy trì chuẩn NTM của 2 xã Sơn Mùa, Sơn Dung; các xã còn lại có ít nhất từ 1 đến 2 thôn đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân mỗi xã trên toàn huyện đạt 15 - 16 tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ dùng điện phấn đấu đạt 100%; độ che phủ rừng đạt 60,5%; có 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Mô hình nuôi bò trang trại tại Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ Sơn Tinh (Sơn Tây).
Mô hình nuôi bò trang trại tại Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ Sơn Tinh (Sơn Tây).

Bên cạnh đó, huyện Sơn Tây đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh. Xác định sản phẩm nông, lâm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của địa phương để ưu tiên hỗ trợ đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Huyện cũng chú trọng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị phù hợp với xu hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát các đồ án quy hoạch theo quy định để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:26, 13/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.