(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, huyện Sơn Hà cũng đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, với nhiều làn điệu dân ca, nhạc cụ dân gian đặc sắc, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.
Gìn giữ giá trị truyền thống
Sơn Hà có trên 19,3 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 83% dân số của huyện. Đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà sở hữu rất nhiều loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Cồng chiêng, ra ngói, đàn ba rót, đàn ka rầu, chinh ka vong, tà vỗ, chinh ka la... Tại các địa phương của huyện, nhiều phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, với nhiều nghệ nhân nổi tiếng.
Chị Đinh Thị Phước (40 tuổi), ở thị trấn Di Lăng, là một nghệ nhân trẻ tuổi được nhiều người biết đến với biệt danh “giọng ca vàng” của những làn điệu dân ca Hrê như ca lêu, ca choi. Từ khi còn là thiếu nữ, chị Phước đã say mê làn điệu dân ca Hrê của dân tộc mình. Thế là, chị Phước chịu khó tìm tòi, học hỏi từ những nghệ nhân lớn tuổi. Sau nhiều năm rèn luyện, chị Phước đã nắm vững lời ca, tiếng hát, được tham gia nhiều chuyến lưu diễn do huyện tổ chức. Không những thế, chị còn là “giảng viên” truyền dạy cho thế hệ sau các làn điệu dân ca của dân tộc Hrê.
![]() |
Nghệ nhân Đinh Văn Dôn (bên trái) và người dân ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) biểu diễn các làn điệu ca lêu, ca choi tại Ngày hội Tết sum vầy 2024 được tổ chức tại địa phương. |
Bên cạnh biểu diễn, chị Phước còn tham gia sáng tác các ca khúc ca lêu, ca choi. Các ca khúc của chị có ca từ mộc mạc, nói về nếp sinh hoạt, lao động thường ngày, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống... “Tôi mong muốn sự cố gắng của mình sẽ tạo động lực cho thế hệ trẻ Hrê ở Di Lăng nói riêng và huyện Sơn Hà nói chung chịu khó học và phát huy các làn điệu dân ca của dân tộc. Bản thân sẽ tiếp tục truyền dạy cho các bạn trẻ tại địa phương, lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào Hrê”, chị Phước bày tỏ.
Ông Đinh Brum là một trong những Nghệ nhân ưu tú của huyện Sơn Hà. Nghệ nhân Brum rất am hiểu các loại nhạc cụ của người Hrê. Những năm qua, nghệ nhân Brum đã truyền dạy cho hàng trăm người Hrê, nhất là thế hệ trẻ trong việc giữ gìn các nhạc cụ truyền thống của dân tộc. “Khi mở các lớp học đàn và hát dân ca Hrê, huyện đều mời tôi đến truyền dạy. Lúc nào tôi cũng vui vẻ nhận lời. Tôi rất vui vì đã giúp thế hệ trẻ khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ của dân tộc. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục gìn giữ, không để nét văn hóa của dân tộc mình bị mai một”, ông Brum trải lòng.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Hrê
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Hà lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê gắn với phát triển du lịch” là nhiệm vụ trọng tâm phải được đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Những năm qua, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TD - TT, huyện Sơn Hà đã mở nhiều lớp dạy tiếng Hrê, dân ca, dân vũ dân tộc và chế tác nhạc cụ cho người dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ người Hrê. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Bên cạnh đó, để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc, huyện Sơn Hà đã cho xây dựng nhà văn hóa ở thôn, xã theo kiến trúc của người đồng bào dân tộc Hrê. Khôi phục lại làng nghề truyền thống cũng như sưu tầm các dụng cụ, công cụ trong sản xuất và sinh hoạt. Hằng năm, huyện Sơn Hà đều tổ chức đêm liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca “mừng Đảng, mừng Xuân” tại nhà sàn truyền thống Hrê của huyện. Đồng thời, cử đội văn nghệ của huyện tham dự các hội thi, hội diễn về cồng chiêng, đàn và hát dân ca ở các tỉnh, thành phố. Qua đó, góp phần lan tỏa nét văn hóa của người Hrê đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước.
Song song với biểu diễn, huyện Sơn Hà còn có những già làng, nghệ nhân thích sưu tầm, bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc và xem đó như “bảo vật”. Nổi bật trong số ấy có ông Đinh Văn Bôn, ở xã Sơn Trung. Hiện nay, ông Bôn đang lưu giữ hơn 100 loại nhạc cụ cũng như các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người Hrê như: Khung dệt vải, cối giã lúa, chum, ché, gùi, rổ, rá... Mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, là linh hồn dân tộc Hrê.
“Nếu không bảo tồn, không sưu tầm, không gìn giữ lại thì chắc con cháu mai sau không hiểu gì về văn hóa của ông cha mình ngày xưa. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi cất công đi sưu tầm, lưu giữ văn hóa trong căn nhà nhỏ của gia đình. Thời gian qua, có rất nhiều nhà sưu tầm, nhà văn hóa và các bạn trẻ ở nhiều nơi đến tham quan, tìm hiểu văn hóa qua các hiện vật sưu tầm của tôi. Nhiều người ngỏ ý hỏi mua nhưng tôi kiên quyết không bán, vì đối với tôi đó là bảo vật”, ông Bôn chia sẻ.
Gắn phát triển văn hóa với du lịch cộng đồng, xã Sơn Bao cũng đã thành lập đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch đến tham quan hồ Nước Trong. Chị Nguyễn Thị Thùy, cán bộ văn hóa xã Sơn Bao chia sẻ, đội văn nghệ của xã thường xuyên luyện tập để biểu diễn nhuần nhuyễn các tiết mục. Các thành viên nữ sẽ đảm nhận việc hát và nhảy múa, còn các thành viên nam sẽ gõ chiêng, vỗ trống hay chơi các nhạc cụ khác nhau.
Theo lãnh đạo huyện Sơn Hà, văn hóa các dân tộc trong cộng đồng là vốn quý, làm phong phú, đa dạng sắc màu văn hóa quốc gia. Vì vậy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê luôn được huyện đặc biệt chú trọng. Trong thời gian tới, huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, cũng như bảo tồn, lưu giữ các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt của người Hrê, để vừa gìn giữ vốn quý của cha ông để lại, vừa khai thác phát triển du lịch cộng đồng.
Bài, ảnh: TRUNG KIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: