(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể, người có uy tín trên địa bàn huyện Sơn Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hộ nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Từ đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình kinh tế cụ thể.
Giúp người dân chủ động vươn lên
Xã Sơn Thượng nằm cách xa trung tâm huyện, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, để Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 được triển khai hiệu quả, xã Sơn Thượng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo. Triển khai đa dạng các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: Cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề... nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ tái nghèo.
Mô hình chăn nuôi heo của ông Đinh Văn Mô, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). |
Trước đây, ông Đinh Phiếu, ở thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng, thuộc diện khó khăn, không có nguồn vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Được Hội Nông dân xã Sơn Thượng hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, quỹ hỗ trợ nông dân, ông Phiếu đã từng bước triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Nhận thấy nhiều người dân địa phương tập trung trồng keo, mì, năm 2020, ông Phiếu đã đầu tư trạm cân để thu mua. Trung bình mỗi năm, các mô hình kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Phiếu từ 80 - 100 triệu đồng. Đến nay, ông Phiếu đã trở thành tuyên truyền viên tích cực của địa phương trong công tác giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.
Từ sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân, ông Đinh Văn Mô, ở tổ dân phố Nước Bung, thị trấn Di Lăng, đã đầu tư chăn nuôi heo, gà và trồng keo cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Mô chia sẻ, tôi vừa bán lứa heo thu về 20 triệu đồng. Trước đây, tôi chỉ chăn nuôi vài con heo nên không có thu nhập cao. Những năm gần đây, được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do xã, huyện tổ chức, tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, sau khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt ứng dụng “Nông dân Việt Nam” trên điện thoại di động, tôi đã nắm bắt các thông tin, chính sách và phong trào của hội nhanh chóng, tiện lợi. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, vay vốn... Nhờ đó, tôi đã thay đổi phương thức chăn nuôi, nâng cao năng suất, thu nhập.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hà Từ Thanh Kiều cho biết, muốn thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, trước hết, phải biết hộ nghèo cần cái gì, thiếu cái gì... để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Hằng năm, chúng tôi đều phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Từ đó, có cách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế, giúp các hộ vươn lên bằng những mô hình kinh tế cụ thể.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Sơn Hà xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Bên cạnh việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo, nhằm động viên, khơi dậy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo của người dân, thì các cấp, ngành, hội đoàn thể trên địa bàn huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đã phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, đảng viên trong việc chuyển tải những thông tin về giảm nghèo đến từng hộ dân theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng Bùi Văn Ba, thời gian qua, UBND thị trấn đã tham mưu cho Đảng ủy thị trấn chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung tuyên truyền, vận động người dân đến các KCN để tìm việc làm; đồng thời, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn để tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn chính sách và được tập huấn về chăn nuôi, ông Đinh Phiếu, ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà), đã phát triển mô hình chăn nuôi bò. |
Ngoài ra, UBND thị trấn đã làm việc với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể được ủy thác giám sát thường xuyên; tập trung hướng dẫn kỹ thuật để người dân phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả. Hiện nay, thị trấn đã có các vườn cây ăn quả như ổi, sầu riêng, rau sạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Trong năm 2024, thị trấn có 108 hộ thoát nghèo; hiện còn 192 hộ nghèo (chiếm 7,23%), hộ cận nghèo còn 175 hộ (6,5%).
Trong năm 2024, các địa phương của huyện Sơn Hà đã triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất theo cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, có 53 dự án chăn nuôi bò với tổng số 806 con, hỗ trợ cho 480 hộ; có 8 dự án chăn nuôi trâu, với tổng số 120 con, hỗ trợ cho 64 hộ; 18 dự án chăn nuôi heo các loại, với tổng số 756 con, hỗ trợ cho 198 hộ. Ngoài ra, đã thực hiện 11 dự án chăn nuôi gà, với 27,5 nghìn con, hỗ trợ cho 132 hộ. Qua đó, giúp hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện giảm còn 14,71%, số hộ nghèo giảm hơn 1.300 hộ. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho biết, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo và quyết tâm giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Đặc biệt là, những hộ đã thoát nghèo cần nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tích cực khảo sát, nắm tình hình đời sống của những hộ nghèo, cận nghèo để có những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng. Tiếp tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động...
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: