(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Nghĩa Hành đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ những quyết sách đúng đắn. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để huyện phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
oOo
Năm 2023, huyện Nghĩa Hành thực hiện đạt và vượt 26/27 chỉ tiêu, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 5.400 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch. Thu ngân sách địa phương trên 65,6 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,42 triệu đồng/người/năm, tăng 3,36 triệu đồng/người/năm so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,68%...
Một trong những điểm nhấn của huyện Nghĩa Hành là phát triển du lịch cộng đồng, gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Như làng du lịch cộng đồng Bình Thành (Hành Nhân) không chỉ để lại ấn tượng qua những vườn cây trái sum suê, mà còn hấp dẫn du khách thông qua trải nghiệm các ngành nghề truyền thống và hiểu thêm về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Năm 2023, Làng du lịch cộng đồng Bình Thành đã thu hút trên 60 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, tăng hơn 20% so với năm 2022.
Cùng với phát triển kinh tế, năm 2023 đánh dấu bước tiến của huyện Nghĩa Hành trong công tác đầu tư phát triển, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.156 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là công trình dân sinh, giao thông, trường học. Từ các nguồn lực, huyện đã đầu tư, sửa chữa và trang bị máy móc, thiết bị phục vụ dạy và học với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng, đảm bảo 28/36 trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án lớn, như: Kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang, đoạn qua thị trấn Chợ Chùa; đường Cầu Dài - Hành Nhân, cầu Hành Dũng - Hành Nhân, đường Quảng Ngãi - Chợ Chùa, dự án Đầu tư hệ thống điện chiếu sáng ở Tỉnh lộ 628, 624... Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2024, huyện Nghĩa Hành xác định chủ đề: “Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025”. Huyện đề ra 27 chỉ tiêu, nhiệm vụ gồm: Tốc độ tăng trưởng đạt 9,23%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,4 - 0,6%; thu nhập bình quân trên 47 triệu đồng/người/năm; 100% dân cư được dùng nước hợp vệ sinh; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và 2 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; xây dựng 6 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 34/36 trường; kết nạp 145 đảng viên mới...
Giới thiệu các sản phẩm trái cây của ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành. Ảnh T.L |
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện Nghĩa Hành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 5 nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy khóa XXII, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao. Huyện tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước gắn với cải cách hành chính, đồng thời cải thiện các chỉ số cải cách hành chính...
Du khách tham quan vườn cây ăn trái ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). ẢNH: NGUYỄN MINH |
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm nhấn mạnh, huyện tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với liên kết chế biến theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt là các loại nông sản, đặc sản địa phương thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và nâng cao chất lượng huyện, xã NTM và đô thị loại V. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng NTM, phát triển đô thị; phát triển ngành chăn nuôi và vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa và 2 nhiệm vụ đột phá, gồm: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; huy động mọi nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị.
Làng quê bình yên. ẢNH: NGUYỄN MINH |
Nội dung: THANH PHONG
Trình bày: L.H
TIN, BÀI LIÊN QUAN: |