Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin

17:38, 12/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Minh Long đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quá trình chuyển đổi số.

Đa dạng hình thức

Mặc dù có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng người dân tại nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Minh Long vẫn giữ thói quen xem tạp chí, báo giấy. Chị Đinh Thị Huỳnh, ở thôn Gò Tranh dưới, xã Long Sơn (Minh Long) chia sẻ, khi đọc báo giấy, có những bài viết về mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, rồi lưu gữ báo cẩn thận để có cơ hội sẽ học hỏi, áp dụng. 

Bí thư Chi bộ thôn Gò Tranh Đinh Xuân Rơn bảo, thông tin từ báo, tạp chí đáng tin cậy, giúp người dân nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để không bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Các ấn phẩm báo, tạp chí cung cấp nhiều kiến thức, thông tin sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi để người dân học hỏi kinh nghiệm. Vậy nên gặp những bài báo hay, nhất là bài viết về các gương tiêu biểu, sự đổi thay ở miền núi hoặc địa phương mình, người dân hào hứng đọc, chia sẻ cho nhau.

Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Long Hiệp (Minh Long) Lê Vũ Rô lựa chọn nội dung để phát sóng.
Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Long Hiệp (Minh Long) Lê Vũ Rô lựa chọn nội dung để phát sóng.

Tại xã Long Hiệp (Minh Long), người dân hào hứng nghe thông tin trên Đài Truyền thanh xã. Định kỳ sáng, trưa và chiều tối, Đài Truyền thanh xã truyền tải những thông tin kinh tế, tấm gương tiêu biểu, điển hình trong phong trào thi đua hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới... Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Long Hiệp Lê Vũ Rô cho biết, xác định đài truyền thanh cơ sở là kênh quan trọng truyền tải chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân nên tôi luôn nỗ lực để làm mới nội dung chương trình, phục vụ thính giả. Đặc biệt, từ khi Đài Truyền thanh xã được đầu tư các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông thì việc phát, tiếp phát các chương trình thuận lợi, nội dung đa dạng và phong phú hơn. Chỉ cần điện thoại hoặc máy tính kết nối mạng, tôi sẽ chủ động lựa chọn chương trình, thời gian và điểm phát; đồng thời, theo dõi được tình trạng các cụm loa để phát hiện, sửa chữa kịp thời những hư hỏng. 

Không chỉ Đài Truyền thanh xã Long Hiệp, đài truyền thanh 2 xã Long Mai, Long Môn (Minh Long) cũng đã được đầu tư và vận hành cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin cho người dân.

Anh Võ Văn Ý, ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long), sử dụng máy 
tra cứu thông tin hành chính công tại Bộ phận một cửa huyện để kiểm tra thông tin hồ sơ.
Anh Võ Văn Ý, ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long), sử dụng máy tra cứu thông tin hành chính công tại Bộ phận một cửa huyện để kiểm tra thông tin hồ sơ.

Theo Trưởng phòng VH - TT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thanh Hòa, để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, từ nhiều nguồn lực, huyện chú trọng cấp phát nhiều loại ấn phẩm báo, tạp chí, như: Tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân, báo Quảng Ngãi... Đồng thời, huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông di động và Internet băng rộng. Đến nay, toàn huyện hiện có 26 trạm phát sóng mạng thông tin di động (BTS) của VNPT và Viettel, đảm bảo 100% UBND cấp xã kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng và 100% các thôn, khu dân cư tại các xã đã được phủ sóng di động 4G.

Bắt nhịp chuyển đổi số

Chiều 6/9/2024, anh Võ Văn Ý, ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn, đến Bộ phận một cửa huyện Minh Long và được cán bộ tại đây hướng dẫn thao tác sử dụng máy tra cứu thông tin hành chính công. Sau khi thực hiện các thủ tục, anh Ý quét mã QR để thanh toán phí và nhận kết quả là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Anh Ý cho biết, ngày 8/8/2024, tôi được cán bộ tại Bộ phận một cửa cấp huyện hướng dẫn cách nộp hồ sơ và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bằng hình thức trực tuyến. Lúc đầu chưa quen và lo ngại xảy ra sai sót, nhưng sau khi được cán bộ hướng dẫn tường tận thì tôi thấy việc nộp hồ sơ trực tuyến đơn giản, giảm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức. Hơn nữa, việc giao dịch trực tuyến an toàn, tiện lợi chứ không rủi ro, phức tạp như tôi nghĩ.

Chị Đinh Thị Huỳnh, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, thường xuyên xem báo để biết thông tin, học hỏi cách làm ăn phát triển kinh tế.
Chị Đinh Thị Huỳnh, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, thường xuyên xem báo để biết thông tin, học hỏi cách làm ăn phát triển kinh tế.

Trong 6 tháng năm 2024, bộ phận một cửa cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết 245 hồ sơ, trong đó có 127 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (52%). Cấp xã tiếp nhận 455 hồ sơ, trong đó có 452 hồ sơ trực tuyến (99,3%).

Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết nhấn mạnh, bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, huyện nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt ứng dụng VNeID; sử dụng chữ ký số cá nhân của công dân trong quá trình giải quyết TTHC. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới công nghệ thông tin từ huyện đến xã. Đến nay, huyện đã triển khai đưa vào sử dụng hệ thống phòng họp không giấy tại phòng họp Ban Thường vụ Huyện ủy; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân trên hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, 100% cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã sử dụng chữ ký số và thực hiện 100% việc số hóa hồ sơ TTHC khi tiếp nhận tại bộ phận một cửa của huyện và xã.

Bên cạnh đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường tuyên truyền; đồng thời các ngân hàng trên địa bàn cũng tích cực hỗ trợ và hướng dẫn người dân trong việc mở và sử dụng tài khoản. Đến nay, toàn huyện có trên 6.700 tài khoản giao dịch qua ngân hàng (57,5%); 8.716/8.787 lượt sử dụng thẻ căn cước công dân, hoặc truy cập phần mềm VNeID để thay thế thẻ BHYT khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện (99,2%). Nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nông sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị và thu nhập.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn trên cả 3 yếu tố: Hạ tầng, nhân lực và cơ chế, chính sách. Nhất là chất lượng đường truyền chưa đáp ứng yêu cầu trong việc kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, kỹ năng số của người dân chưa cao và một bộ phận người dân chưa quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi số.

Ông Điết cho biết, để tháo gỡ những khó khăn này, huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy hạ tầng số, ưu tiên triển khai các nội dung chuyển đổi số có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, như cung cấp dịch vụ kết nối Internet băng rộng cố định cho các khu dân cư trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, nhất là việc thanh toán trực tuyến, kích hoạt và sử dụng công dân số VNeID... Đồng thời, phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng các phần mềm, ứng dụng thanh toán trực tuyến và các dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận thông tin cho người dân.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:38, 12/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.