(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Lý Sơn đã triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chuyển đổi nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Đây là kết quả từ các nguồn hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo bền vững được thực hiện trên địa bàn huyện.
Nắm bắt nhu cầu khách du lịch đi tham quan đảo Bé ngày càng nhiều, chị Nguyễn Thị Thành, ở thôn Bắc An Bình, đã cải tạo lại ngôi nhà của mình để làm cơ sở lưu trú phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, ban đầu chị Thành ít kinh nghiệm khiến việc phục vụ chưa được chuyên nghiệp, nên lượng khách còn ít. Đầu năm 2024, chị Thành tham gia khóa tập huấn về nghiệp vụ du lịch do huyện tổ chức, được hướng dẫn về một số kỹ năng, nghiệp vụ để phục vụ khách tốt hơn. "Qua lớp tập huấn, tôi học được nhiều điều bổ ích về cách giao tiếp, phục vụ nhu cầu ăn ở cho du khách chu đáo hơn...", chị Thành bày tỏ.
Người dân Lý Sơn tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức. Ảnh: HD |
Việc tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế được huyện Lý Sơn quan tâm triển khai. Hằng năm, huyện tổ chức rà soát số lượng lao động nông thôn chưa được đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề để tổ chức mở các khóa dạy nghề. Trong đó, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho người dân. Qua đó, giúp người dân có điều kiện tận dụng lợi thế tiềm năng về du lịch của địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tại phiên giao dịch việc làm thứ 7 tổ chức tại huyện Lý Sơn vào tháng 7 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ngãi Võ Duy Yên cho biết, nhiều lao động huyện Lý Sơn có truyền thống làm nông và đi biển. Trong khi đó, thị trường lao động Hàn Quốc hiện đang cần tuyển lao động ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, nên lao động Lý Sơn có nhiều cơ hội tìm việc làm phù hợp với mức thu nhập khá tại thị trường này. |
Huyện Lý Sơn xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo bền vững là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp cho người dân, để họ chọn ngành nghề phù hợp. Trong đó, huyện hỗ trợ và ưu tiên đưa người lao động đi làm việc ở các thị trường đòi hỏi chất lượng lao động cao, thu nhập khá như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lý Sơn Dương Thị Hoàng Dung cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ngãi tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng trăm người tham gia. Qua đó, có 24 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài và đã có 5 lao động được sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc. Được làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không những giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập cao cho người lao động, mà còn tạo cơ hội cho họ tiếp cận nền công nghiệp phát triển, học hỏi được kinh nghiệm quản lý, tác phong công nghiệp của các nước tiên tiến.
Một trong những trường hợp đã có việc làm tại Nhật Bản là chị Trần Thị Kim Chi, con gái bà Ngô Thị Phấn, ở thôn Tây An Vĩnh. Bà Phấn cho biết, con gái tôi gọi về cho hay, đã được đơn vị sử dụng lao động ở Nhật Bản hỗ trợ chỗ ăn ở. Tháng lương đầu tiên, sau khi trừ các chi phí còn khoảng 20 triệu đồng. Nếu quen việc và chịu khó tăng ca, thu nhập sẽ cao hơn.
X.THIÊN - Đ.NHỰT
TIN, BÀI LIÊN QUAN: