(Báo Quảng Ngãi)- Đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là cách làm được các sở, ngành, địa phương ở tỉnh ta triển khai thường xuyên, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Vào tháng 9/2024, khi nghe thông tin có buổi tiếp xúc, đối thoại giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với đại diện các ngành chức năng do Sở LĐ-TB&XH tổ chức tại địa phương, ông Đỗ Như Hải, ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức) đã sắp xếp thời gian tham gia. Tại buổi đối thoại, ông Hải bộc bạch, vợ chồng tôi đã quá tuổi lao động, lại thường xuyên đau ốm, kinh tế khó khăn, hiện là hộ cận nghèo. Vì vậy, tôi kiến nghị ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để gia đình tôi đầu tư chăn nuôi bò, cải thiện thu nhập.
Hoàn cảnh của chị Trần Thị Điểm, ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong cũng rất khó khăn. Chồng của chị Điểm bị chấn thương sọ não do tai nạn phải thường xuyên nhập viện điều trị. Chị Điểm trở thành trụ cột chính trong gia đình, vừa chăm chồng bệnh, vừa nuôi 3 con còn nhỏ đang tuổi đi học. Tại buổi đối thoại, chị Điểm mong muốn được hỗ trợ phát triển kinh tế và muốn biết thêm thông tin về chính sách hỗ trợ học sinh nghèo để con chị yên tâm đến trường.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở xã Đức Phong (Mộ Đức) tham dự buổi đối thoại chính sách giảm nghèo. |
Tại buổi đối thoại, đa số các hộ dân bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình... Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Trần Xuân Lâm cho biết, buổi đối thoại giúp chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương. Qua đó, có hướng thực hiện công tác giảm nghèo ở xã hiệu quả hơn trong thời gian đến. Đây cũng là dịp để chính quyền địa phương nắm bắt, trả lời những vấn đề mà người dân quan tâm.
Sau buổi đối thoại chính sách giảm nghèo được tổ chức ở xã Ba Bích (Ba Tơ), ông Phạm Văn Tình, ở thôn Nước Đang chia sẻ rằng, tham gia đối thoại đã giúp ông hiểu rõ hơn về các chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Trước đây, tôi được biết hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tạo việc làm, cho vay học sinh, sinh viên. Tại buổi đối thoại, tôi được biết hộ nghèo còn được hỗ trợ vay vốn để làm công trình nước sạch, nên tôi đề nghị được hỗ trợ vay vốn chương trình này. Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hướng dẫn tôi đầy đủ các thủ tục vay, vậy là gia đình tôi sắp có nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng rồi”, ông Tình cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Dũng, đối thoại chính sách giảm nghèo là cách làm đã được ngành LĐ-TB&XH triển khai nhiều năm nay và đem lại hiệu quả. Từ đầu năm 2024 đến nay, sở đã tổ chức 4 buổi đối thoại chính sách giảm nghèo tại các huyện Mộ Đức, Ba Tơ, Minh Long và Nghĩa Hành. Những buổi đối thoại chính sách giảm nghèo không chỉ giúp các ngành chức năng hiểu được nhu cầu, nguyện vọng, mà còn đánh giá được năng lực và mức độ tiếp cận của người dân đối với chính sách giảm nghèo. Qua đó, các cơ quan, đơn vị liên quan phân loại từng nhóm đối tượng để có hướng hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, hướng đến giảm nghèo bền vững hơn.
Bài, ảnh: V.YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: