Hiệu quả thiết thực
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh (Bình Sơn) Nguyễn Hữu Pháp cho biết, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, những năm gần đây từ nguồn vốn cấp trên hỗ trợ, xã đầu tư mua con giống về cấp cho các hộ nghèo phát triển chăn nuôi. Năm 2022, xã được hỗ trợ 300 triệu đồng để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế. Qua đó đã mua gà giống và bò sinh sản để cấp cho 22 hộ gia đình để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh, một trong những hộ được hỗ trợ từ chương trình cho biết, giữa năm 2022 gia đình tôi được địa phương hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, đến nay đã sinh được 1 con bê con và hiện bò mẹ đã mang thai 3 tháng. Càng vui mừng hơn khi bê con nhanh lớn, được nhiều người hỏi mua với giá 10 triệu đồng, nhưng tôi chưa bán đợi đến Tết bò có giá hơn mới bán.
Đàn bò của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh (Bình Sơn), được hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo. |
Ông Nguyễn Hữu Pháp cho biết thêm, trong năm 2023, xã Bình Chánh tiếp tục được phân bổ vốn gần 450 triệu đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và đã đăng ký mua 17 con bò để hỗ trợ cho hộ nghèo. Ngoài nuôi bò, gà, thì địa phương cũng đã hỗ trợ nguồn vốn sinh kế để hộ nghèo mua vật tư nông nghiệp, đồ dùng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất. Bằng nhiều nguồn vốn xã hội hóa trong năm 2023 xã cũng đã xây dựng 2 ngôi nhà cho hộ cận nghèo. Nhờ vậy từ đầu năm 2023 đến nay, xã giảm được 110 hộ nghèo, 210 hộ cận nghèo. Hiện nay hộ nghèo ở xã chỉ còn 175 hộ, chiếm 3%.
Năm 2023, xã Bình Đông (Bình Sơn) cũng được Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ nguồn vốn để phát triển sản xuất cho hộ nghèo. Xã đã chọn dự án chăn nuôi bò sinh sản và dự kiến mua 16 con bò về cấp phát cho hộ dân vào cuối tháng 11/2023. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Tài Oanh cho biết, là xã bãi ngang ven biển, đời sống người dân còn khó khăn nên xã luôn quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo để thoát nghèo bền vững. Ngoài nguồn vốn của cấp trên hỗ trợ, hằng năm xã tạo điều kiện cho hộ nghèo vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế...
Quyết tâm giảm nghèo bền vững
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, đơn vị, địa phương. Lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ. Tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Từ nay đến cuối năm 2025, huyện Bình Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,29%. |
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bình Sơn được thực hiện 9 tiểu dự án liên quan gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ việc làm bền vững; giảm nghèo về thông tin; truyền thông giảm nghèo đa chiều; nâng cao năng lực thực hiện chương trình; giám sát, đánh giá, kết quả chương trình. Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện được phân bổ từ ngân sách trung ương hơn 20 tỷ đồng. Riêng năm 2023, huyện được phân bổ hơn 7,8 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 6,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 681 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách huyện). Nguồn kinh phí thực hiện các tiểu dự án được phân bổ đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng phát huy hiệu quả. Mỗi năm huyện đào tạo nghề cho khoảng 800 lao động nông thôn, liên kết với các công ty, doanh nghiệp giải quyết việc làm cho 2.000 lao động nông thôn; phối hợp đưa đi xuất khẩu lao động 70 - 100 lao động. Hội đoàn thể các cấp trong huyện còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện ủy thác cho vay 664 tỷ đồng, với trên 13,7 nghìn hộ vay để phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, nâng cao thu nhập. Mỗi năm huyện còn kêu gọi vận động các nguồn ủng hộ, đóng góp khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng mới, sửa chữa nhà ở và hỗ trợ sinh kế. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 2,88%; hộ cận nghèo giảm còn 3,98%, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: