(Báo Quảng Ngãi)- “Nâng cao chất lượng chuẩn bị văn kiện; quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và của cán bộ, đảng viên...”. Đây là một trong những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” (Chỉ thị 35).
Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể
Chỉ thị 35 nêu rõ, dự thảo văn kiện trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu. Một là, báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo trung tâm, phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, của cấp trên, dự báo được tình hình, đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Võ Văn Quỳnh thảo luận tại Phiên họp lần thứ II của Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: BÁ SƠN |
Hai là, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập và làm theo Bác; quy định những điều đảng viên không được làm; quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Phải đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV của Đảng, đặc biệt là báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của đại hội. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của đại hội. Để bảo đảm chất lượng văn kiện, trong quá trình xây dựng, tiểu ban văn kiện của các cấp ủy cần phải bám sát các dự thảo văn kiện của cấp trên để nắm bắt tư tưởng, quan điểm, định hướng lớn.
Đối với việc xây dựng, đóng góp ý kiến vào văn kiện, Chỉ thị 35 cũng nhấn mạnh phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, dành thời gian hợp lý để tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của đại biểu; trong thảo luận cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó.
Đổi mới, sáng tạo, đột phá
Hiện nay, tiểu ban văn kiện ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đang tiến hành xem xét, thảo luận cho ý kiến vào đề cương các văn kiện, thống nhất kế hoạch xây dựng văn kiện và các nội dung phục vụ đại hội. Đồng thời, xem xét, sắp xếp lại các nội dung, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện trên các lĩnh vực theo nghị quyết đại hội địa phương, cơ quan, đơn vị cấp mình; khảo sát, thu thập số liệu phục vụ công tác dự báo, xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái cho biết, xác định báo cáo chính trị trình đại hội là sản phẩm của trí tuệ tập thể, công trình mang dấu ấn của toàn đảng bộ. Do đó, báo cáo chính trị phải mang tầm khái quát cao những vấn đề thuộc quan điểm, đường lối, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn của trung ương, của tỉnh và huyện; đánh giá toàn diện, sâu sắc, làm nổi bật những kết quả đã đạt được trong cả nhiệm kỳ, nêu rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Từ đó rút ra những bài học lớn, định hướng phát triển huyện Minh Long trong giai đoạn mới.
Đối với cấp tỉnh, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã tổ chức 2 phiên họp; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở đó, đề xuất cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030 sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Mới đây, tại phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Bùi Thị Quỳnh Vân lưu ý, báo cáo chính trị phải đảm bảo tính đổi mới, đánh giá toàn diện, khách quan, đúng thực trạng kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2025 - 2030. Văn kiện cần đảm bảo tính kế thừa, đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và sát với tình hình thực tiễn tại địa phương.
THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: