(Baoquangngai.vn)- Sáng 23/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư liên quan đến sản xuất, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 dự án đầu tư đang hoạt động và đang triển khai đầu tư sản xuất dăm gỗ, có hợp phần dăm gỗ trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 6 dự án thực hiện sản xuất 100% dăm gỗ; 13 dự án đầu tư nhiều hợp phần, trong đó có hợp phần dăm gỗ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp. |
Đối với việc triển khai chủ trương của tỉnh về giảm tỷ lệ băm dăm thô, tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa số các nhà đầu tư thống nhất với định hướng, chủ trương của tỉnh, tuy nhiên, phần lớn chưa đưa ra được lộ trình chuyển đổi của từng dự án.
Nguyên nhân là do, hiện nay thị trường ngành gỗ của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp không có đơn hàng, tồn kho lớn không xuất khẩu được; vấn đề này được thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam trong thời gian qua chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tình trạng chung là không thể sản xuất đồ gỗ nhưng vẫn phải duy trì lực lượng nhân công, trả lãi suất ngân hàng, bảo hiểm... nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT báo cáo tại cuộc họp. |
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cho rằng, để sản xuất, chế biến sâu, tinh chế gỗ thì cần gỗ lớn nhưng nguồn nguyên liệu gỗ lớn hiện nay tại tỉnh rất thấp; một số nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động. Các nhà đầu tư và địa phương ủng hộ quan điểm không khai thác keo non. Nhà đầu tư sẽ không mua hoặc không khai thác; địa phương tuyên truyền người dân không khai thác keo non...
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan cũng nêu ra các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, đề xuất một số giải pháp và hiến kế cho tỉnh để khắc phục tình trạng khó khăn trong ngành gỗ.
Các doanh nghiệp dăm gỗ trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, qua hơn 20 năm hoạt động nhưng sự phát triển của ngành chế biến gỗ của tỉnh đang dậm chân tại chỗ. Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp không cao; thu nhập của người dân trồng rừng để phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng không cao. Điều đó cho thấy, chúng ta đi chưa đúng hướng và lỗi từ cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định, có tình trạng cạnh tranh mua bán không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp khác.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để ngành chế biến gỗ phát triển tướng xứng với tiềm năng của tỉnh. “Quan điểm của tỉnh là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả với chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo một chu trình khép kín. Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, người dân có thu nhập tăng cao, ngân sách có nguồn thu và phát triển ngành lâm nghiệp không thua kém so với các địa phương trong khu vực”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu của tỉnh đưa ra đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần rà soát lại những mặt còn tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm của mình để có giải pháp khắc phục. Theo nguyên tắc, lỗi của cơ quan , đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó phải sửa với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kết luận cuộc họp. |
Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp và báo cáo của Sở KH&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của quản lý của mình. Trong đó, giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, rà soát lại kết quả thực hiện của các nhà đầu tư có dự án đang sản xuất liên quan đến lĩnh vực dăm gỗ trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, gửi Sở KH&ĐT tổng hợp chậm nhất trước ngày 15/7/2023.
Đồng thời, trên cơ sở báo cáo của Sở Công thương, giao cho Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi và Sở KH&ĐT khẩn trương phố hợp với Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và các địa phương có liên quan, rà soát toàn diện về quy mô, công nghệ thiết bị của các dự án liên quan đến lĩnh vực dăm gỗ theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt để phân loại, xử lý, giải quyết theo đúng quy định.
Giao Sở NN&PTNT hoàn thành hồ sơ lâm bạ để làm cơ sở cho ngành TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trồng rừng; khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh quy định xác định tỷ lệ phần trăm các sản phẩm gỗ để làm cơ sở cho Sở KH&ĐT điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các sản phẩm đã được cấp cho nhà đầu tư nếu có đề nghị; nghiên giống cây keo phù hợp để cung cấp cho người dân; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, đề án về vốn để hỗ trợ cho người dân trồng rừng.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm về chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn đối với lĩnh vực này. Tuyên truyền, giải thích, định hướng cho người dân về lợi ích của trồng keo đúng chu kỳ sinh trưởng,... Khẩn trương hình thành các tổ, đội, hợp tác xã để liên kết trồng rừng và hưởng được nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 88 của các Quốc hội...
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp cần rà soát toàn diện quá trình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp tục phát huy những mặt tốt và khắc phục, điều chỉnh những mặt chưa tốt. Doanh nghiệp cần đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân để cùng nhau liên kết trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ có hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước, địa phương.
Tin, ảnh: N.ĐỨC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: