Hình thành ý thức từ nhỏ

11:07, 28/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều năm nay, Trường Mầm non Chánh Lộ, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đã triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại trường. Mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giáo viên, phụ huynh và học sinh của ngôi trường này.

Tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, nhà trường trang bị 3 thùng rác chuyên biệt, gồm: Thùng chứa rác vô cơ, thùng chứa rác hữu cơ, thùng chứa rác tái chế. Và đã thành nếp, trước khi cho rác vào thùng, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều phân loại rác thải đúng quy định. Sau khi phân loại, đối với rác thải có thể tái chế được, như vỏ hộp sữa, chai nhựa, vỏ hộp sữa chua, muỗng nhựa... giáo viên tái sử dụng, biến chúng thành đồ dùng học tập, vật dụng trang trí. Với những rác thải không thể tái chế có thể gom góp bán làm “kế hoạch nhỏ”. Quả là lợi cả đôi bề.

Các cô giáo Trường Mầm non Chánh Lộ, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), phân loại rác thải. Ảnh TL
Các cô giáo Trường Mầm non Chánh Lộ, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), phân loại rác thải. Ảnh: TL

Nhưng không chỉ có thế, mà điều ý nghĩa hơn là Ban giám hiệu của ngôi trường này còn lồng ghép nội dung phân loại rác vào trong giảng dạy, giáo dục trẻ kiến thức phân loại rác ngay tại lớp. Theo như lời của cô phó hiệu trưởng nhà trường, thì việc làm này giúp trẻ thấy được lợi ích của phân loại rác thải và giúp hoạt động phân loại rác thải đi sâu vào tiềm thức của các em. Việc làm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường trong ngắn hạn, mà mục đích lớn hơn là nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho trẻ- thế hệ tương lai của đất nước.

Đây quả là mô hình tốt để giáo dục, giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ em từ nhỏ. Mô hình này có thể lan tỏa, nhân rộng hết sức dễ dàng ở tất cả các trường học trong tỉnh, trong cả nước. Hiện nay, hoạt động dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm nhằm kết nối kiến thức, kỹ năng với thực tiễn cuộc sống, giúp học sinh hình thành nếp nghĩ, thói quen đã được nhiều trường học triển khai. Việc tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh cũng là nội dung phù hợp với định hướng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế, việc chọn mô hình “phân loại rác thải sinh hoạt tại trường” là một nội dung hết sức thiết thực và hữu ích đối với các trường học, nhất là bậc mầm non, tiểu học.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định là vậy, nhưng để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống và trở thành thói quen hằng ngày như phân loại rác sinh hoạt tại nguồn là việc khó có thể chuyển biến ngay. Vậy nên, việc tuyên truyền, giáo dục cần phải được thực hiện thường xuyên và việc hình thành thói quen từ nhỏ cho trẻ em, học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước là việc cần làm, bắt đầu từ các trường học.

THANH NHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

     

Xuất bản lúc: 11:07, 28/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.