(Báo Quảng Ngãi)- Công an TP.Quảng Ngãi vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chủ của 2 cơ sở sản xuất làm giá đỗ bằng hóa chất ở phường Nghĩa Chánh. Hai bị can bị khởi tố gồm Vũ Văn Tuấn (29 tuổi) và Đào Văn Lập (35 tuổi), cùng ở TP.Quảng Ngãi, về hành vi “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Đáng lưu ý là, đầu năm 2024, cả 2 cơ sở nói trên cũng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cụ thể là sử dụng hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, bị Công an tỉnh xử phạt mỗi cơ sở 40 triệu đồng, đình chỉ sản xuất 2 tháng. Thế nhưng, vừa hết thời hạn đình chỉ, cả 2 lại tiếp tục vi phạm cùng một hành vi như đã từng bị phạt trước đó.
Công an TP.Quảng Ngãi kiểm tra giá tẩm hóa chất ở cơ sở của ông Đào Văn Lập. Ảnh: T.L |
Tiếp nhận thông tin từ người dân phản ảnh về 2 cơ sở sản xuất giá đỗ bằng hóa chất nguy hiểm này, Công an TP.Quảng Ngãi phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra 2 cơ sở sản xuất nói trên, thu giữ các mẫu giá đỗ nghi ngờ được sản xuất bằng hóa chất. Sau khi kiểm nghiệm, cơ quan chức năng xác định, việc làm giá đỗ của 2 cơ sở này có sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng, sẽ gây ngộ độc cấp tính, tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng một khi bán ra thị trường.
Loại giá đỗ được làm bằng chất kích thích này có thân ngắn, không có phần rễ, nên được gọi là “giá đỗ không chân”. Giá đỗ thường được ăn sống kèm các loại rau trong các bữa ăn, nhiều quán bánh xèo cũng hay sử dụng giá đỗ khi làm bánh. Đặc biệt, các quán phở là hay dùng loại giá đỗ nhất, thay cho rau xanh. Loại “giá đỗ không chân” này trông rất bắt mắt, rất được ưa chuộng.
Từ bao đời nay, người dân Quảng Ngãi vẫn dùng giá đỗ như một loại thực phẩm quen thuộc. Đã hình thành cả một xóm làm giá đỗ ven sông Trà, thuộc thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Nhưng cách làm giá đỗ ở đây hoàn toàn theo cách truyền thống. Người ta ra bãi sông Trà moi cát lên, đổ đậu xanh vào rồi lấp lại. Đậu nhờ hơi ẩm của nước sông thẩm thấu vào và nẩy mầm thành giá. Những người phụ nữ chỉ việc ra moi lên, rửa cho trôi lớp cát và mang ra chợ bán. Giá đỗ làm theo cách này thường thì có thân dài, mềm nhưng sạch tuyệt đối, nên người tiêu dùng hoàn toàn không lo ngại gì về việc ô nhiễm từ các loại hóa chất.
Nhiều người hám lợi, muốn làm giá theo kiểu “thần tốc”, lại trông bắt mắt, tiêu thụ mạnh nên họ dùng hóa chất như một “công cụ hỗ trợ” để kiếm lời mà quên rằng, đó chính là đi gieo rắc bệnh tật cho đồng bào mình.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý những người gieo rắc bệnh tật cho cộng đồng bằng việc làm giá đỗ có sử dụng hóa chất, chứ phạt rồi đình chỉ một thời gian như cách làm lâu nay là không diệt tận gốc được.
TRẦN ĐĂNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: