Thích ứng với quy định chống mất rừng của EU

10:35, 03/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quy định chống mất rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) có hiệu lực từ ngày 30/12/2024 sẽ tạo ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp (DN). Song, đây cũng là cơ hội nhằm tái cấu trúc ngành lâm nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.

Việt Nam hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chịu sự điều chỉnh của EUDR, đó là cà phê, gỗ và cao su. Với Quảng Ngãi, gỗ và dăm gỗ được xác định là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, có giá trị và lợi thế cạnh tranh cao. Trong đó, Châu Âu là một trong những thị trường lớn và tiềm năng, đã và đang được các DN chế biến, xuất khẩu gỗ, sản phẩm làm từ gỗ của tỉnh nỗ lực khai thác. Vì vậy, những rào cản kỹ thuật từ EUDR sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ, toàn diện đến ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi, nhất là nhóm vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, quản lý đất lâm nghiệp đối với vùng trồng, loài cây được sử dụng để chế biến thành sản phẩm gỗ xuất khẩu...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, EUDR bắt buộc các DN xuất khẩu gỗ, sản phẩm làm từ gỗ vào thị trường Châu Âu phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tính hợp pháp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ xuất khẩu - tức là không gây mất rừng của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Do đó, những sản phẩm được sản xuất từ gỗ đã được cấp chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến quản lý rừng bền vững sẽ có lợi thế cạnh tranh cao.

Bên cạnh những thách thức, thì EUDR tạo cơ hội và động lực để ngành tái cấu trúc ngành lâm nghiệp, từng bước ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng. Đồng thời, thu hút DN đầu tư liên kết với người dân hình thành và phát triển vùng nguyên liệu rừng bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn FSC, PEFC (Hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững), VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia). Bởi thực tế, tổng diện tích rừng trồng của tỉnh đạt gần 24,4 nghìn héc ta, nhưng rừng được cấp các chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến quản lý rừng bền vững rất thấp, chưa đến 5%. Vì vậy, dù sản lượng gỗ khai thác bình quân mỗi năm trên 2,4 triệu mét khối, nhưng chủ yếu là nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất dăm thô, rất ít lượng gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Để đáp ứng EUDR, ngành nông nghiệp cần tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về khu vực rừng, khu vực đất lâm nghiệp và vùng trồng. Đồng thời, triển khai các hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng có gắn với định vị điểm (GPS) và ranh giới số (Polygon) của từng khu rừng trồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương phối hợp, triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung liên quan đến công tác tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng gắn xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn. Đó cũng là điều kiện để gia tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 là 20 nghìn héc ta và 40 nghìn héc ta vào năm 2030 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 đề ra. Qua đó, góp phần tạo nguồn nguyên liệu gỗ đáp ứng các yêu cầu của thị trường về tính hợp pháp cũng như nguồn gốc, xuất xứ.

MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 10:35, 03/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.