Đừng việc gì cũng “đẩy” cho cấp trên

12:44, 02/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trao đổi tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực, đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi từ cấp dưới. Tránh bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên “xin” cấp trên, mà phải căn cứ vào quy định để làm.

Có một thực tế trong thực thi công vụ hiện nay là cán bộ, công chức, nhất là ở cấp dưới còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, nên “đẩy” việc lên cấp trên. Có những việc trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của mình nhưng nhiều cán bộ không mạnh dạn làm, mạnh dạn quyết và chịu trách nhiệm, mà “đẩy” trách nhiệm cho cấp trên, hoặc đùn đẩy sang cơ quan, đơn vị khác. Kết quả là công việc không “trôi”, chậm trễ, vướng mắc, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính”. Vậy nên, bên cạnh trách nhiệm của trung ương trong việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thì các địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hãy làm việc với ý chí và tinh thần công tâm, khách quan vì việc chung, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm.

Trong tháng 9/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chính sách này được ban hành xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, có thể do mới được ban hành, thực thi, cũng như việc triển khai chính sách chưa quyết liệt, sâu rộng nên đến nay Nghị định 73 chưa thật sự đi vào thực tiễn.

Đối với Quảng Ngãi, thời gian gần đây, trong một số nội dung chỉ đạo của tỉnh và các sở, ngành, địa phương có yêu cầu cấp dưới thực hiện theo tinh thần “4 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Phân tích cụ thể cụm từ trên, chúng ta có thể hiểu rằng, rõ người là phân công nhiệm vụ, công việc, việc giải quyết thủ tục hành chính... cho cá nhân nào; rõ việc là xác định việc đó cần phải làm gì, tốt hay không tốt; rõ kết quả tức là kết quả phải rõ ràng và rõ trách nhiệm là theo dõi, xác định được trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, không nói chung chung.

Thực thi tốt theo tinh thần “4 rõ” nói trên có thể xem là một giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, hoặc “đẩy” việc lên cấp trên, cũng như nâng cao trách nhiệm, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới, của mỗi cán bộ, công chức nhà nước.

PHẠM DANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 12:44, 02/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.