Doanh nghiệp và ESG

14:57, 17/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), và Governance (Quản trị). Đây là bộ ba tiêu chuẩn không chỉ đo lường, đánh giá tính bền vững, mà còn góp phần định hướng chiến lược của một doanh nghiệp (DN).

Yếu tố môi trường liên quan đến cách DN quản lý tài nguyên thiên nhiên và tác động của DN đối với môi trường, được thể hiện qua các chỉ số quản lý khí thải, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải. Tiêu chí xã hội là mối quan hệ giữa DN với nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng. Điều này được thể hiện qua các chỉ số về các chính sách an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, tôn trọng cộng đồng. Yếu tố quản trị bao gồm cơ cấu quản lý, văn hóa DN và các chính sách về quản trị DN, gồm các chỉ số về cấu trúc điều hành, minh bạch trong tài chính, đạo đức kinh doanh.

Nhiều DN lớn trên cả nước đã quan tâm đến việc áp dụng ESG vào chiến lược phát triển. Tiêu biểu như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng như chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, xây dựng hệ thống giáo dục cho trẻ em vùng nông thôn. Vietcombank đã đưa ESG vào chiến lược phát triển, chú trọng các sản phẩm tài chính xanh và hỗ trợ các dự án bền vững...

Có một định nghĩa rất hay về phát triển bền vững đó là, sự phát triển thỏa mãn được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đứng trước cơ hội đầu tư, bên cạnh yếu tố lợi nhuận, khi đặt trách nhiệm, tâm tư, tình cảm sẽ để lại môi trường, xã hội như thế nào cho con cháu tương lai, sẽ giúp DN suy xét và đưa ra lựa chọn phù hợp.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi sẽ phát triển dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, là một tỉnh phát triển bền vững, đa dạng với các ngành nghề công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao. Điều này còn khẳng định vai trò, ý nghĩa của ESG trong định hướng phát triển bền vững và thành công lâu dài của DN.

Trên địa bàn tỉnh, một số DN đã chú trọng, bắt đầu tích hợp ESG vào chiến lược phát triển như thay đổi phương thức quản trị, điều hành, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư hệ thống xử lý khí, chất thải, tăng cường các hoạt động an sinh xã hội. Nhiều DN khởi nghiệp trong các ngành, nghề thân thiện với môi trường. Một số hộ gia đình tái sử dụng phế phẩm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt...

Tuy nhiên, hiện nay, việc quan tâm đến ESG vẫn chưa đồng đều giữa các DN, lĩnh vực, ngành nghề. Chủ yếu một số DN có mặt hàng xuất khẩu ứng dụng ESG vào hoạt động. Phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và vừa. Để ứng dụng ESG, DN có thể lo ngại tốn kém đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân viên, thay đổi quy trình hoạt động. Nhưng về lâu dài, việc sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình có thể giúp DN giảm chi phí trong hoạt động, tạo dựng niềm tin với khách hàng. Do đó, thay vì xem ESG như gánh nặng chi phí, DN có thể xem đây như định hướng phát triển lâu dài, bền vững.

HUỲNH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  
 

Xuất bản lúc: 14:57, 17/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.