(Baoquangngai.vn)- Sáng 1/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, Phó Trưởng ban Thường thực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ trì hội nghị.
Năm 2023, mưa bão, lũ lụt làm hư hỏng nhiều nhà cửa, trường học, cơ sở y tế và gây thiệt hại nhiều công trình cấp nước sạch, giao thông, thủy lợi… Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do sa bồi thủy phá… Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 105 tỷ đồng.
Để phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống thiên tai; kịp thời tổ chức di dời hàng chục nghìn hộ dân đến nơi an toàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận và phân bổ hơn 8,7 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục dân sinh. Sở NN&PTNT tiếp nhận từ trung ương 100 tấn giống lúa để hỗ trợ nông dân. UBND tỉnh phân bổ 157 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và tỉnh để khắc phục các công trình hư hỏng, sạt lở do thiên tai.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 127 hồ chứa nước, với tổng dung tích trữ theo thiết kế là 399,8 triệu m3; trong đó có 21 hồ bị hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 4.231 tàu cá, trong đó có hơn 1.500 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1 và 1.600 tàu cá hoạt động ở vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Kiên Giang. Hiện có gần 3.100 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Để đảm bảo an toàn cho người và công trình Nhà nước, tài sản của người dân, Sở NN&PTNT phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng và triển khai các biện pháp khắc phục, phương án ứng phó. Đồng thời, theo dõi tình hình hoạt động của tàu thuyền, thông tin kịp thời diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới gắn với kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào nơi trú ẩn an toàn…
Dự báo năm 2024 sẽ có khoảng từ 10 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó, có khoảng từ 2 - 4 cơn bão ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến tỉnh; có 4 - 6 đợt mưa lũ lớn lớn tập trung từ tháng 10 - 11. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những kết quả cũng như bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện công tác PCTT&TKCN.
|
||
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền biểu dương nỗ lực của sở, ngành, địa phương trong thực hiện công tác PCTT&TKCN năm 2023; qua đó góp phần giảm thiểu được những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Năm 2024 dự báo thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, do đó các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCTT&TKCN theo phương châm “Hành động sớm - chủ động trước thiên tai”.
Trong đó, chú trọng công tác phối hợp, tập huấn cho các lực lượng trực tiếp tham gia PCTT&TKCN ở tuyến cơ sở; kiểm tra, sửa chữa gắn với trang bị các phương tiện, thiết bị đảm bảo yêu cầu PCTT&TKCN. Phương án PCTT&TKCN đảm bảo cụ thể, chi tiết và sát với thực tiễn cơ sở; cũng như tương ứng với từng loại hình, tình huống, mức độ thiên tai. Riêng các huyện miền núi chú ý xây dựng phương án, kế hoạch sơ tán, di dời dân do ảnh hưởng của động đất.
|
||
Giao Sở NN&PTNT, Sở Công thương chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thi công của các công trình trọng điểm và tình hình hoạt động của hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhằm sẵn sàng phương án ứng phó với các sự cố rủi ro thiên tai. Đồng thời, có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng lực lượng tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Dịp này, có 15 tập thể và 16 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích trong công tác PCTT&TKCN năm 2023.
Tin, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: