(Baoquangngai.vn)- Tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 11 (vòng IV) với chủ đề “Báo chí tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh”, do Báo Lâm Đồng tổ chức vào sáng 17/8 tại TP.Đà Lạt, các cơ quan báo Đảng đã có những tham luận đặc sắc, ý nghĩa, làm rõ vai trò của báo chí nói chung, các cơ quan báo Đảng nói nói riêng đối với tuyên truyền thúc đẩy Chuyển đổi xanh.
CHỦ ĐỀ THỜI SỰ, Ý NGHĨA
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đánh giá cao công tác tổ chức hội thảo của Báo Lâm Đồng và khẳng định đây là hội thảo rất có ý nghĩa. Hội thảo đã chọn một chủ đề rất thời sự hiện nay là chuyển đổi xanh. Chủ đề này càng ý nghĩa, thiết thực hơn đối với Lâm Đồng, trong bối cảnh địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nắng nóng, thiên tai ngày càng gia tăng. Điều này đã gây không ít khó khăn trong đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu tại hội thảo. |
Các tham luận đã đề cập đến nhiều khía cạnh và nêu lên đặc trưng của từng địa phương trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây cũng sẽ là nguồn tài liệu rất có giá trị để các địa phương tham khảo trong quá trình đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chuyển đổi xanh; giúp các tầng lớp nhân dân tiếp cận, nhận thức đúng về chuyển đổi xanh. Từ nhận thức đúng và đủ thì sẽ có suy nghĩ tích cực, dẫn đến hành động quyết liệt và thiết thực trong đời sống.
Sản xuất sản phẩm rau sạch, an toàn tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). |
Thực hiện đường lối của Đảng và Chương trình Nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia, lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đã xác định mô hình phát triển là kinh tế xanh, xã hội xanh, lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hoá quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bình đẳng, bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu.
Chủ đề hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 11 (vòng IV): “Báo chí tuyên truyền thúc đẩy Chuyển đổi xanh” là một chủ đề mang tính thời sự, thiết thực, quan trọng với báo chí nói chung và báo Đảng địa phương nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
BÁO CHÍ VỚI TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI XANH
Tham luận tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phú Đức cho rằng, thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết đối với quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phú Đức. |
Với Quảng Ngãi, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là xu hướng tất yếu của thời đại phải thực hiện để phát triển bền vững. Quảng Ngãi không chấp nhận “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh trên địa bàn Quảng Ngãi là tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
Trên quan điểm đó, từ năm 2022 đến nay, Báo Quảng Ngãi luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho công tác tuyên truyền về chuyển đổi xanh. Đồng thời, khẳng định đây là mô hình tăng trưởng tất yếu mà tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và các quốc gia trên thế giới đều hướng đến. Chuyển đổi xanh còn là một giải pháp hữu hiệu để ứng phó với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các thách thức về môi trường, nên rất hữu ích với Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Theo Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Nguyễn Phú Đức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trong thời gian tới, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin về những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, để báo chí kịp thời tuyên truyền một cách đầy đủ, chính xác. Chủ động đặt hàng để các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của mỗi địa phương.
“Các địa phương và cơ quan báo Đảng địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng cần liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện và tuyên truyền về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Thực tế cho thấy, các cơ quan báo Đảng trong khu vực đang tập trung đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, nên có rất nhiều lợi thế để các báo liên kết tuyên truyền trong lĩnh vực này”, đồng chí Nguyễn Phú Đức nhấn mạnh.
Nhà báo Uông Thái Biểu, Phụ trách Báo Nhân Dân khu vực Tây Nguyên. |
Còn theo Nhà báo Uông Thái Biểu, Phụ trách Báo Nhân Dân khu vực Tây Nguyên, toàn bộ hệ sinh thái Báo Nhân Dân trong thời gian vừa qua liên tục có những tuyến thông tin sâu về những vấn đề mới đặt ra đối với nền kinh tế. Trong lĩnh vực tuyên truyền về chiến lược “chuyển đổi xanh”, các phóng viên thực hiện vai trò “bắc những nhịp cầu” từ các nhà lãnh đạo, quản lý, quy hoạch, hoạch định chính sách, các nhà khoa học đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; và theo chiều ngược lại. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo xu hướng “chuyển đổi xanh” cũng đã được phản ánh trên các nền tảng của Báo Nhân Dân.
Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên. |
Trong khi đó, Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên chia sẻ, tỉnh Gia Lai ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững. Trong tiến trình ấy, Báo Gia Lai đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm góp phần lan tỏa ý thức và khích lệ cộng đồng tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh.
ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỂN
Tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy chia sẻ, thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã quan tâm, dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ số để thực hiện các bản tin cập nhật về bão, lũ, ngập lụt, mưa lớn, chống hạn hán và thiếu nước, nhiễm mặn. Nhiều tác phẩm báo chí tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường... đã đoạt các giải báo chí TP.Đà Nẵng.
Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy. |
Bên cạnh có nhiều tin, bài viết trên báo in hằng ngày, cuối tuần, báo điện tử (video, infographic, multimedia...) trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, Báo Đà Nẵng cũng dành “đất” để tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, có đến 3 chuyên trang tuyên truyền hằng tháng về lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm: “Thành phố môi trường”, “Môi trường đô thị”, “Vì thành phố xanh, sạch, đẹp”.
Còn Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa Ngô Văn Tự chia sẻ, việc tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh là một trong những nội dung quan trọng mà Ban Biên tập Báo Thanh Hóa định hướng các phòng chuyên môn tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền. Đặc biệt, ngoài chú trọng về nội dung, hình thức tuyên truyền là một vấn đề được Báo Thanh Hóa quan tâm, sao cho thông điệp truyền thông không bị nhàm chán và đạt hiệu quả lan tỏa nhanh chóng, tích cực. Cùng với các thể loại báo chí truyền thống, những năm gần đây Báo Thanh Hóa liên tục đổi mới, đa dạng loại hình, thể loại báo chí khi tuyên truyền nói chung và vấn đề chuyển đổi xanh nói riêng. Ngoài báo in, thì báo điện tử chính là “mũi nhọn” để Báo Thanh Hóa có cơ hội phát huy thế mạnh, tạo sức hấp dẫn khi tuyên truyền chủ đề này.
Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa Ngô Văn Tự. |
Trên Báo Thanh Hóa điện tử tích hợp nhiều thể loại, loại hình báo chí, trong đó chú trọng đầu tư về công nghệ để sản xuất các tác phẩm có hình thức thể hiện đẹp, phong phú, bắt mắt, có hiệu quả tuyên truyền trực quan cao như: tin, bài đa phương tiện, video clip, E-Magazine, Long-form, Infographic... Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, khuyến khích các phòng chuyên môn, phóng viên học hỏi, cập nhật, đầu tư, tích hợp, làm chủ việc sản xuất các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, phù hợp với xu thế trong dòng chảy báo chí hiện đại.
Cũng theo Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa Ngô Văn Tự, với kinh nghiệm từ thực tiễn trong công tác tuyên tuyền về chuyển đổi xanh của một cơ quan báo Đảng địa phương ở phía bắc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Báo Thanh Hóa cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chuyển đổi xanh, cần chú trọng nghiên cứu đầu tư, đa dạng các loại hình tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, trong đó lấy báo điện tử là mũi nhọn với lợi thế đa phương tiện, có tính lan tỏa nhanh và trực quan trên các nền tảng mạng xã hội. Chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng cho phóng viên, nhất là kỹ năng chụp ảnh, quay phim, sản xuất video, tin, bài đa phương tiện nhằm đặc tả sống động các nội dung truyền thông trên nhiều vấn đề trong tuyên truyền chuyển đổi xanh, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường, các mô hình, giải pháp mới tạo hiệu quả tích cực, xứng đáng được nhân rộng.
MINH TOÀN - PHẠM DANH (lược ghi)