Tại phiên chất vấn, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đặt câu hỏi: Thưa Bộ Trưởng, với điều kiện tự nhiên khí hậu và thời tiết Việt Nam, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Ý kiến của Bộ trưởng và giải pháp của Bộ VH - TT&DL như thế nào thưa Bộ trưởng?
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chất vấn tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN |
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hương, Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngày 27/7/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, có giao Bộ VH - TT&DL xây dựng và thí điểm ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Theo đó, Bộ VH - TT&DL đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm.
Nhìn lại từ khi ban hành Đề án cũng như những nỗ lực của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế du lịch và thường xuyên có khách quốc tế thì đã nhận được những tín hiệu bước đầu khá tích cực như ở Hà Nội đã phát huy giá trị của các di sản để làm nên sản phẩm. Ví dụ điển hình nhất mà các đại biểu thấy là từ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành sản phẩm tinh hoa đạo học. Hay từ vấn đề về thiết chế thể thao, văn hóa của Hà Nội đã bắt đầu giới thiệu về tinh hoa văn hóa thủ đô.
Còn ở Ninh Bình, từ cố đô Hoa Lư thì có Đêm cố đô Hoa Lư. Ở Quận 1 TP.Hồ Chí Minh thì có sắc màu đêm Sài Gòn. Và nhiều địa phương khác cũng tìm được một số sản phẩm du lịch ban đêm. Các sản phẩm này tập trung vào các việc: Loại hình văn hóa; loại hình đi bộ của phố đi bộ… để thưởng ngoạn các nghệ thuật đường phố biểu diễn, ẩm thực… Vì vậy thu hút và đáp ứng được một phần nhu cầu của khách.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: V.TÂN |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Sương, Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau Đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực ngành du lịch đang thiếu. Do đó, để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành du lịch thì phải tiến hành đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nhân lực ngành du lịch được cơ cấu ở dạng: Làm tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và các nhiệm vụ khác như ở các đơn vị văn phòng.
Trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, hiện đã có 8 Trường Cao đẳng du lịch do Bộ VH - TT&DL quản lý. Các trường đào tạo rất bài bản và hằng năm thu hút rất đông người theo học. Các học viên ra trường đều được các doanh nghiệp đón nhận hết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có nhiều cách đào tạo nhân lực ngành du lịch của mình như cử người đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các hình thức đào tạo được tổ chức rất đa dạng.
B.SƠN - V.TÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: