Đáp án tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 

14:06, 06/06/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Báo Quảng Ngãi xin giới thiệu đáp án tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 - 2025, do thầy Huỳnh Ngọc Mỹ, Tổ phó Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi) thực hiện:

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Quảng Ngãi:

Đề thi môn Ngữ văn.

Đề thi môn Ngữ văn.

Đáp án tham khảo
I. ĐỌC HIỂU (mức điểm tối đa: 3,0 điểm)
Câu 1. Thể thơ của đoạn trích: Thể thơ lục bát. 
Câu 2. Những từ ngữ chỉ hoạt động của rễ: sâu (bám sâu vào lòng đất), xoắn đau núm ruột, làm ra nụ cười, im trong lòng đất, chắt chiu từng giọt.
Câu 3. Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai câu thơ: 
“Uống từng giọt nước quên đời
                                        Ăn từng thớ đá dựng nên sắc hồng”
- Tác dụng về nội dung ý nghĩa: Nhằm nhấn mạnh đến sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và chắt chiu, vượt qua mọi trở ngại của “rễ” để đem lại những hữu ích quý giá cho cuộc sống. Qua hình ảnh nhân hóa này, tác giả muốn đề cao những người có tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống để đem lại những điều quý giá cho cuộc đời.
- Tác dụng về mặt nghệ thuật: Làm cho câu thơ có hình ảnh, sinh động và giàu sức gợi.
Câu 4. Bài học cuộc sống được rút ra từ ý nghĩa câu thơ: “Bắt đầu từ rễ em ơi!”:
Ý nghĩa của câu thơ: Sở dĩ cây cối được sinh trưởng và phát triển là nhờ có nền tảng và được bắt nguồn từ sự chắt chiu của “rễ” trong lòng đất. Từ đó, chúng ta có thể rút ra được bài học cuộc sống: Sự trưởng thành của mỗi người nhiều khi cũng bắt nguồn từ sự khổ luyện, khó khăn vất vả ban đầu. Nếu chúng ta kiên trì vượt qua những trở ngại ban đầu thì có thể gặt hái được thành công trên hành trình của cuộc đời. Người đời xưa nay thường động viên nhau: “Vạn sự khởi đầu nan”.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận xã hội (mức điểm tối đa: 2,0 điểm)
1. Yêu cầu chung: 
- Thí sinh biết vận dụng kiến thức xã hội và kĩ năng viết văn nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.
- Đoạn văn phải có kết cấu rõ ràng, viết đúng vấn đề nghị luận được nêu ở đề bài; đảm bảo tính liên kết về nội dung và hình thức; diễn đạt trôi chảy; không mắc các lỗi: chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; đảm bảo đúng một đoạn văn và không thừa, không thiếu số câu so với yêu cầu của đề (từ 7 đến 10 câu).
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.
2. Yêu cầu cụ thể: 
a. Tiêu chuẩn 1: Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn:
- Chữ đầu đoạn văn phải viết hoa và lùi đầu dòng; cuối đoạn phải có dấu hiệu kết thúc.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành hoặc tổng - phân - hợp; bảo đảm yêu cầu về cấu trúc đoạn văn.
b. Tiêu chuẩn 2: Xác định đúng vấn đề nghị luận: “ý nghĩa của tinh thần vượt khó trong học tập”.
c. Tiêu chuẩn 3: Triển khai luận điểm một cách hợp lý, đúng với đoạn văn nghị luận:
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách để làm rõ vấn đề…; bảo đảm hợp lý, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật; bảo đảm tính liên kết về nội dung và hình thức. Có thể theo hướng:
* Dẫn dắt vào đề và giới thiệu vấn đề cần nghị luận được nêu ở đề bài: “ý nghĩa của tinh thần vượt khó trong học tập”.
* Giải thích vấn đề: “tinh thần vượt khó trong học tập” là ý thức vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn trước mắt để quyết tâm thực hiện tốt yêu cầu và nhiệm vụ học tập đã đặt ra. 
* Phân tích và chứng minh vấn đề: Trong thực tế cuộc sống, nếu “tinh thần vượt khó trong học tập” thể hiện đúng chỗ và đúng thời điểm thì sẽ tạo được nhiều ý nghĩa:
      - Một khi chúng ta có ý thức vượt qua những khó khăn trong học tập một cách cao độ thì chắc chắn sẽ có được kết quả tốt đẹp như mong đợi (đạt giải cao trong các kỳ thi, kết quả học tốt…).
      - Tinh thần vượt khó trong học tập cũng là biểu hiện của lối sống có ý chí, sống có mục đích và lý tưởng cao đẹp.
      - Nếu học sinh có tinh thần vươn lên trong học tập sẽ được thầy cô, gia đình và xã hội tôn vinh, được bạn bè kính nể, yêu thương quý trọng…
      (…)
      Lưu ý: Thí sinh có thể nêu những ý nghĩa có ý nội dung tương đương (hoặc những ý nghĩa khác), miễn là làm rõ được “ý nghĩa của tinh thần vượt khó trong học tập”.và có những lí giải hợp lý.
      - Nêu dẫn chứng thực tế để chứng minh (chú ý đến những tấm gương vượt khó trong học tập và đã đạt được thành công, được mọi người xưa nay đã từng ca ngợi).
* Khẳng định chung về vấn đề nêu ở đề bài; rút ra bài học nhận thức và hành động; phê phán những quan điểm và lối sống sai lầm, nêu ra lời nhắn gửi đối với mọi người.
d. Tiêu chuẩn 4: Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt:
Thí sinh cần lưu ý: Không cho điểm tiêu chuẩn này nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
đ. Tiêu chuẩn 5: Sáng tạo (thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ):
Thí sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng, đạo lý; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.
3. Đoạn văn tham khảo:
      (1) Trong cuộc sống, ý chí, nghị lực và tinh thần vươn lên của con người nhiều khi trở thành những điều có ý nghĩa lớn lao. (2) Quả thật, từ nội dung của đoạn trích ở phần đọc hiểu đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về vấn đề tư tưởng đạo lý: “ý nghĩa của tinh thần vượt khó trong học tập”. (3) Theo ý nghĩa chung nhất, “tinh thần vượt khó trong học tập” là ý thức vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn trước mắt để quyết tâm thực hiện tốt yêu cầu và nhiệm vụ học tập đã đặt ra; và nếu như tinh thần ấy thể hiện đúng chỗ và đúng thời điểm thì sẽ tạo được những “ý nghĩa tích cực”. (4) Trước hết, một khi chúng ta có ý thức vượt qua khó khăn trong học tập một cách cao độ thì chắc chắn sẽ có được kết quả tốt đẹp như mong đợi (đạt giải cao trong các kỳ thi, kết quả học tốt…). (5) Đặc biệt, tinh thần vượt khó trong học tập cũng là biểu hiện của lối sống có ý chí, sống có mục đích và lí tưởng cao đẹp. (6) Trong nhà trường, nếu học sinh có tinh thần vươn lên trong học tập thì sẽ được thầy cô, gia đình và xã hội tôn vinh, được bạn bè kính nể, yêu thương quý trọng…(7) Trong suốt những thập kỷ qua, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký luôn được xã hội tôn vinh, bởi vì thầy chính là tấm gương mẫu mực của tinh thần vượt khó trong học tập. (8) Nhìn chung, “tinh thần vượt khó trong học tập” là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với con người ở mọi thời đại, đặc biệt là trong xã hội ngày nay. (9) Chính vì thế, mỗi cá nhân (nhất là thế hệ trẻ) cần có thái độ sống tích cực trong việc xây dựng thái độ và phương pháp học tập đúng đắn để xứng đáng mình là “một tế bào hữu ích của xã hội”; đồng thời cũng biết phê phán những người lười biếng, không có chí tiến thủ, làm ảnh hưởng đến danh dự của bản thân và gia đình mình. (10) Mọi người trong xã hội nói chung và mỗi học sinh trong các nhà trường nói riêng hãy là “một đóa hoa thơm” để tô điểm thêm cho “vườn hoa cuộc sống” ngày càng đẹp hơn!
Câu 2. Viết bài văn nghị luận văn học (mức điểm tối đa: 5,0 điểm)
1. Yêu cầu chung: 
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết có bố cục chặt chẽ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy; bảo đảm tính liên kết giữa các câu trong đoạn văn và giữa các đoạn văn trong toàn bộ văn bản; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; trình bày bài làm sạch, đẹp.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.
2. Yêu cầu cụ thể: 
a. Tiêu chuẩn 1: Bảo đảm cấu trúc bài nghị luận:
Bài làm có đầy đủ các phần “mở bài”, “thân bài”, “kết bài”. “Mở bài” giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận; “thân bài” thực hiện đúng các yêu cầu của đề bài, “kết bài” khẳng định vấn đề nghị luận.
b. Tiêu chuẩn 2: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về vẻ đẹp đức hạnh của nhân vật Vũ Nương trong một đoạn trích từ truyện “Người con gái Nam Xương” (trích “Truyền kì mạn lục”) của Nguyễn Dữ; từ đó nhận xét về tình cảm, thái độ của nhà văn đối với nhân vật. 
c. Tiêu chuẩn 3: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, phối hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 
- Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí và có sự liên kết chặt chẽ.
Bài viết có thể trình bày theo định hướng sau:
ĐỊNH HƯỚNG VIẾT PHẦN MỞ BÀI:
* Dẫn dắt vào đề (có thể dẫn dắt từ đề tài, bối cảnh xã hội, hoàn cảnh ra đời, từ đặc điểm thể loại, từ những nét chính về tác giả, từ những đề lí luận văn học hoặc lịch sử văn học…).
* Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tập truyện “Truyền kì mạn lục”, truyện “Người con gái Nam Xương”.
* Giới thiệu nhân vật Vũ Nương, giới thiệu “yêu cầu bổ sung” (câu lệnh phụ) nêu đề bài.
* Giới thiệu và trích lược đoạn trích nêu ở đề bài (…)
Ví dụ về đoạn văn mở bài:
      Tác phẩm văn học là “một công trình nghệ thuật bằng ngôn ngữ” do nhà văn sáng tạo nên. Ở đó, mọi ý tưởng và tình cảm của người cầm bút được gửi gắm một cách tinh tế thông qua những hình ảnh và những chi tiết nghệ thuật độc đáo. Truyện “Người con gái Nam Xương” (trích “Truyền kì mạn lục”) của Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ điều đó! Ở tác phẩm này, nhà văn đã tập trung bút lực khắc họa hình tượng nhân vật Vũ Nương – một hình tượng nhân vật phụ nữ với những vẻ đẹp đức hạnh vô cùng đáng quý. Và mỗi khi tìm hiểu những vẻ đẹp của nhân vật, chắc hẳn độc giả sẽ cảm nhận được tình cảm, thái độ của nhà đối với nhân vật của mình. Đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn văn tiêu biểu: “Nàng rót chén rượu đầy tiễn chồng mà rằng (…) Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ để của mình”. 

ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI CÁC Ý Ở PHẦN THÂN BÀI:
* Cảm nhận chung về nhân vật Vũ Nương và về đoạn trích nêu ở đề bài:
      - Như đã biết, Vũ Nương là nhân vật chính, đồng thời cũng là hình tượng nhân vật trung tâm của truyện “Người con gái Nam Xương”, là nơi để nhà văn Nguyễn Dữ gửi gắm nhiều “thông điệp nghệ thuật” có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Bởi thế, xuyên suốt tác phẩm, nhà văn đã tập trung bút lực để khắc họa đậm nét nhân vật này thông qua những đoạn văn đặc sắc. 
     - Riêng đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn trích tiêu biểu thể hiện sự “tỏa sáng” và “thăng hoa” của nhà văn trong việc miêu tả vẻ đẹp đức hạnh của nhân vật Vũ Nương. Phải nói rằng, ở đoạn trích này, Nguyễn Dữ đã rất công phu trong việc miêu tả thật tinh vi lời nói, hành động và diễn biến nội tâm của nhân vật. 
* Phân tích và nêu cảm nhận cụ thể về nhân vật Vũ Nương qua đoạn trích nêu ở đề bài (trọng tâm):
    - Khái quát qua những chi tiết nghệ thuật liên quan đến nhân vật Vũ Nương ở những đoạn văn trước đó:
   (Tóm lược ngắn gọn nội dung sự việc và những chi tiết liên quan đến nhân vật ở những đoạn văn trước đó…)
    - Phân tích cụ thể từng từ ngữ, hình ảnh, câu văn, biện pháp nghệ thuật…trong đoạn trích nêu ở đề bài để làm rõ vẻ đẹp đức hạnh của nhân vật Vũ Nương. Căn cứ vào đoạn trích nêu ở đề bài, người viết cần làm rõ những ý sau:
       + Một người vợ hiền thục, thủy chung
    ++ Khi tiễn chồng đi lính:
  +++ Vũ Nương không ham Trương Sinh được “đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm”, chỉ mong chồng bình yên trở về. 
  +++ Vũ Nương cảm thông với những vất vả, gian lao mà chồng sẽ chịu đựng; lo lắng cho tính mệnh của chồng; bày tỏ nỗi khắc khoải, nhớ nhung.
    ++ Khi chồng đi lính xa nhà:
  +++ Vũ Nương luôn giữ trọn lòng chung thủy: “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết, tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”
 +++ Nỗi buồn thương nhớ chồng của Vũ Nương khắc khoải triền miên theo ngày tháng. 
         + Một người con dâu đảm đang, hiếu thảo
 ++ Vũ Nương đối xử với mẹ chồng như mẹ đẻ của mình:
 +++ Chồng ra nơi trận mạc, một mình nàng vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc mẹ chồng.
 +++ Khi mẹ chồng ốm đau, nàng đã hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào, khôn khéo để khuyên lơn. 
         ++ Khi mẹ chồng chết: Vũ Nương đã hết lòng thương xót, lo liệu ma chay, tế lễ chu đáo.
* Đánh giá chung về nhân vật và về đoạn trích nêu ở đề bài:
    - Nhìn chung, đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn trích hay nhất mà nhà văn Nguyễn Dữ đã tập trung bút lực trong việc khắc họa vẻ đẹp đức hạnh của hình tượng nhân vật Vũ Nương. Đoạn trích chính là sự “kết tinh” và “hội tụ” tư tưởng và nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm. 
    - Thông qua những vẻ đẹp đáng quý của nhân vật được khắc họa trong đoạn trích nêu ở đề bài nói riêng và trong toàn bộ tác phẩm nói chung, nhà văn đã gửi gắm những “thông điệp nghệ thuật” giàu ý nghĩa nhân sinh: đề cao những người phụ nữ, những người vợ một lòng một dạ yêu thương, chung thủy với chồng; hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
   - Qua hình tượng nhân vật Vũ Nương được khắc họa trong đoạn trích nêu ở đề bài, chúng ta thấy được tài năng nghệ thuật và những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn (nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật, tình huống truyện và kết hợp tự sự với trữ tình...).
* Thực hiện “yêu cầu bổ sung” của đề bài (“lệnh phụ” nêu trong đề):
     Việc khắc họa vẻ đẹp đức hạnh của nhân vật Vũ Nương thể hiện ở đoạn trích nêu ở đề bài cũng cho thấy được tình cảm, thái độ của Nguyễn Dữ đối với nhân vật – đứa con tinh thần của nhà văn. Đây cũng là một yêu cầu mà đề bài đặt ra cần phải tìm hiểu một cách thấu đáo.
    - Tác giả hết lòng ca ngời những phẩm chất đáng quý của Vũ Nương: Là người phụ nữ tập trung những vẻ đẹp, phẩm hạnh của người phụ nữ truyền thống: nết na, hiền thục, lại đảm đang, tháo vát; rất mực hiếu thảo với mẹ chồng; một dạ thủy chung với chồng; hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Một con người như thế đáng ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
    - Tác giả cũng trân trọng những khát khao bình dị mà đẹp đẽ của Vũ Nương: coi ấm êm hạnh phúc gia đình là quý hơn hết thảy mọi vinh hoa phú quý…
ĐỊNH HƯỚNG VIẾT PHẦN KẾT BÀI:
* Khẳng định chung về nhân vật Vũ Nương, về vị trí của đoạn trích trong toàn tác phẩm và trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.
* Khẳng định chung về tên tuổi, tầm vóc của nhà văn Nguyễn Dữ trong nền văn học trung đại Việt Nam.
Ví dụ về đoạn văn kết bài:
      Tóm lại, đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn trích ấn tượng nhất của nhà văn Nguyễn Dữ khi khắc họa hình tượng nhân vật Vũ Nương trong truyện “Người con gái Nam Xương”. Thông qua đoạn trích này, chúng ta thấy được rất rõ tài năng xây dựng nhân vật cũng như việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo của “nhà nghệ sĩ ngôn từ tài hoa” trong nền văn học nước nhà. Trong mỗi câu văn, trong từng từ ngữ, ở mỗi biện pháp nghệ thuật…, tác giả luôn chứng tỏ nét tài hoa và lối viết văn già dặn của mình. Dù chỉ tìm hiểu qua một đoạn trích ngắn nhưng độc giả vẫn bắt gặp những lớp từ ngữ phong phú, những hình ảnh nghệ thuật độc đáo và đầy bất ngờ. Phải nói rằng, đoạn trích nêu ở đề bài nói riêng và toàn bộ truyện “Người con gái Nam Xương” nói chung đã nâng tầm vóc nhà văn Nguyễn Dữ trở thành một cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. 
d. Tiêu chuẩn 4: Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt:
Lưu ý: Không cho điểm tiêu chuẩn này nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
đ. Tiêu chuẩn 5: Sáng tạo (thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ):
Thí sinh biết vận dụng lý luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật vấn đề bàn luận; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

BÁO ĐIỆN TỬ QUẢNG NGÃI

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 

 

 

 

 

 

 

 


 

Xuất bản lúc: 14:06, 06/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.