Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận các dự án luật 

11:44, 20/06/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH

Sáng 19/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên thảo luận Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Về quy định và định danh về bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có định danh rõ ràng về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại... 

Các quy định về bất động sản này nằm ở những văn bản pháp luật khác nhau mà nội dung không đồng bộ, chi tiết. Chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này, cơ chế giao dịch loại bất động sản này trên thị trường.

Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận. Ảnh: PV
 

Đại biểu Lương Văn Hùng cho biết, các dự án liên quan đến bất động sản du lịch cần tuân thủ pháp luật hiện hành về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư, quy hoạch đô thị, xây dựng, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch. Tuy nhiên, chưa có quy định và định danh về bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, và các quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay các văn bản pháp luật liên quan chưa đề cập đầy đủ đến loại hình bất động sản này.

Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị, để hoàn thiện Luật Nhà ở, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển cần phải có quy định pháp luật cụ thể, định danh về bất động sản du lịch và các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại; làm rõ đặc tính, mục đích phục vụ du lịch; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý, vận hành đối với mỗi loại hình. Bổ sung vào Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, phù hợp với Luật Du lịch; quy định về quyền sở hữu bất động sản du lịch của người nước ngoài và chính sách ưu đãi đối với đầu tư bất động sản du lịch (về vốn vay, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thuế; chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật xung quanh các dự án bất động sản du lịch để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả khai thác dự án; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài...), nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước, thu hút đầu tư, thu hút ngoại tệ về cho đất nước. 

Hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ quy định giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng và hình thức sử dụng đất phù hợp với mỗi loại hình. Cần có khung pháp lý hoàn thiện về đầu tư, xây dựng, sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn và các cơ chế hợp tác đối với loại bất động sản đặc thù này...

HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN

Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận ở Tổ 9, các ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung của dự thảo luật. 

Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre. 

Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản trong việc khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, từng địa bàn và Nhà nước có cơ chế, chính sách điều tiết thị trường BĐS khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm thực thi, sự can thiệp phải bảo đảm phù hợp theo quy luật thị trường, vừa đảm bảo công cụ quản lý của Nhà nước có hiệu quả. Về khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (tại Điều 81), đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần quy định theo hướng công khai, minh bạch nhưng phải bảo đảm về nguyên tắc an toàn thông tin, nhất là việc quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc khai thác thông tin.

Các đại biểu tham gia phiên họp tại Tổ 9. Ảnh: PV
 

Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm nhiều về quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai” (Điều 27). Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, bỏ quy định này, bởi vì có một số “bất cập, hạn chế” và làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu khi mua nhà. Cụ thể, khi thực hiện quy định trên thì chủ đầu tư phải trả “phí bảo lãnh ngân hàng” thường bằng khoảng 2% tổng giá trị tài sản bảo lãnh là dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn nên “phí bảo lãnh” cũng rất cao. “Phí bảo lãnh ngân hàng” được chủ đầu tư “trả trước” cho ngân hàng nhưng được chủ đầu tư tính vào giá thành, nên làm tăng giá bán nhà ở mà “cuối cùng” thì người mua nhà phải gánh chịu “phí bảo lãnh ngân hàng” này (tương đương khoảng 2% giá bán nhà). Do vậy, nên cần thiết xem xét bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để góp phần kéo giảm giá bán nhà ở, có lợi cho người mua nhà.

Theo đại biểu Lương Văn Hùng, Điều 57 quy định: “Các giao dịch kinh doanh BĐS mà một bên là doanh nghiệp kinh doanh BĐS (chủ đầu tư) thì buộc phải thông qua sàn giao dịch BĐS”. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp, mâu thuẫn, xung đột với quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự. Vì theo Bộ luật Dân sự thì giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, chứ không bắt buộc thông qua sàn giao dịch kinh doanh BĐS. Ngoài ra, quy định này còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch này mà người có lợi được xác định rõ ràng nhất chính là các sàn giao dịch BĐS. Trong khi đó, trong thời gian qua, hoạt động của không ít sàn giao dịch BĐS chưa được kiểm soát chặt chẽ, quy định về điều kiện thành lập còn lỏng lẻo. Bên cạnh một số sàn giao dịch hoạt động có uy tín thì nhiều sàn hoạt động không lành mạnh, có dấu hiệu lũng đoạn thị trường, thậm chí tiếp tay cho các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, hợp thức hóa sai phạm của chủ đầu tư, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, cần cân nhắc lại quy định nêu trên theo hướng chỉ nên “khuyến khích” thông qua sàn giao dịch BĐS (môi giới) chứ không nên “bắt buộc”.

Về quy định một số trường hợp hợp đồng kinh doanh BĐS không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực gây khó khăn trong kê khai, nộp thuế. Theo quy định tại Điều 57, thì có những trường hợp không bắt buộc thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS. Những trường hợp này, theo quy định tại khoản 3 Điều 45 dự thảo Luật thì không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực. Như vậy, những trường hợp giao dịch không qua sàn giao dịch BĐS và không thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch thì cơ sở nào để các chủ thể tham gia giao dịch kê khai nộp thuế cho Nhà nước, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất theo quy định. 

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng kiến nghị sửa quy định tại Khoản 3, Điều 45 dự thảo Luật theo hướng: Trường hợp giao dịch thực hiện qua sàn giao dịch bất động sản thì hợp đồng kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực; trường hợp không giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản thì hợp đồng kinh doanh bất động sản phải thực hiện công chứng, chứng thực.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thảo luận tại phiên họp. Ảnh: PV
 

Thảo luận về nghĩa vụ triển khai thực hiện các dự án BĐS, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, dự thảo luật đã dành nguyên Chương V quy định về chuyển nhượng dự án BĐS, quy định về: Nguyên tắc chuyển nhượng dự án BĐS; điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS; thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS; quyền và nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS; thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS. 

Trên thực tế, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS thông qua hình thức bán cổ phiếu hoặc huy động vốn theo hình thức khác; có trường hợp dự án chuyển nhượng nhiều lần, qua nhiều nhà đầu tư, nhưng vẫn không tiếp tục thực hiện dự án, để kéo dài, nhưng khi Nhà nước thu hồi thì gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nên dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án bất động sản. Đây là một vấn đề cần khắc phục trong luật. Do đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị dự luật phải quy định chặt chẽ hơn về nhiệm vụ, nghĩa vụ đối với người bán và người nhận chuyển nhượng dự án BĐS trong việc cam kết bảo đảm tiếp tục thực hiện dự án và thực hiện đúng tiến độ theo quy định.

H.T - H.A

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.