Một nhà vô địch điền kinh cự ly trung bình, một tay vợt bóng bàn vô địch đôi nam nữ và một VĐV không giành được bất kỳ thành tích nào tại SEA Games 32 nhưng vẫn đủ sức làm dấy lên trong giới trẻ thành phố biết bao cảm xúc.
Ba nhân vật SEA Games nhận nhiều phần thưởng |
SEA Games 32 đã chính thức khép lại tròn một tháng trước nhưng những câu chuyện ấn tượng của kỳ đại hội thể thao khu vực trên đất Campuchia chắc chắn sẽ còn khiến người hâm mộ nhớ mãi.
Từ cuộc thi viết về "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32" của báo Tuổi Trẻ, rất nhiều gương mặt được người hâm mộ đề cập đến và theo kết quả bình chọn của ban giám khảo cũng như của độc giả, ba nữ vận động viên Trần Mai Ngọc (bóng bàn), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và Bou Samnang (Campuchia, điền kinh) là những nhân vật được chọn.
19 tuổi nhưng đã có thâm niên 11 năm ăn tập bóng bàn, Trần Mai Ngọc không nghĩ có lúc cô có thể cùng đồng đội Đinh Anh Hoàng tái lập thành tích vô địch SEA Games nội dung đôi nam nữ mà người thầy Vũ Mạnh Cường – cùng với Ngô Thu Thủy – giành được tại SEA Games 1997.
Sớm mất cha ở tuổi lên 2 còn mẹ tần tảo nuôi ba chị em với thu nhập còm cõi của một công nhân xưởng may ở Bình Dương, Trần Mai Ngọc và cô em sinh đôi Trần Ngọc Ngà chọn theo tập bóng bàn ở "lò" T&T tận Hà Nội để giúp mẹ bớt nặng gánh sinh kế.
Xa mẹ từ lúc mới 8 tuổi và mỗi năm chỉ được về nhà một lần thăm gia đình vào dịp Tết, Trần Mai Ngọc ban đầu rất hay khóc và luôn ước có mẹ ở bên cạnh mỗi lúc buồn vui.
Sống ở thủ đô quá lâu, Mai Ngọc giờ không còn nói được giọng miền Nam nữa. Hai chị em song sinh, Mai Ngọc thuận tay trái còn Ngọc Ngà thuận tay phải, như một cặp "song kiếm hợp bích" từng nhiều lần vô địch đôi nữ ở các giải trẻ.
Khi Mai Ngọc tỏa sáng với tấm HCV bóng bàn đôi nam nữ tại SEA Games 32, mọi người thực sự bất ngờ khi biết cô em Ngọc Ngà không còn đam mê với bóng bàn và nghỉ ngang gần 2 năm trước.
Mẹ Mai Ngọc cho biết nếu Ngọc Ngà muốn trở lại thi đấu bên cạnh chị mình, bà chắc chắn sẽ hết sức ủng hộ để hai cô con gái tài năng được thỏa mãn niềm đam mê.
Nguyễn Thi Oanh giờ đã trở thành gương mặt thân thuộc với người hâm mộ bằng những thành tích tuyệt vời của mình. Kỳ tích của "cô gái vàng", "nữ siêu nhân đường chạy" hay "nhà vô địch không phổi" tại SEA Games 32 xứng đáng được người hâm mộ trong nước và khu vực nhắc đến, các đối thủ luôn xem trọng.
Chỉ trong vòng hơn 30 phút, cô gái quê Bắc Giang về nhất hai cự ly gian khổ là 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật.
Khi lịch thi đấu bất ngờ thay đổi vào phút chót, nhiều người đã lo lắng liệu Oanh có thể kham nổi hay không. Vẫn như thường khi, cô gái nhỏ nhắn này lại âm thầm lặng lẽ ra sân, thi đấu và chiến thắng.
Không chỉ là kỳ tích, cái cách mà Nguyễn Thị Oanh ra sân và đương đầu với khó khăn là biểu tượng cho sự bền bỉ của người phụ nữ Việt Nam. Bất chấp gian nan đến đâu, cô vẫn không một lần than vãn!
Cùng tranh tài ở cự ly 5.000m, trong khi Nguyễn Thị Oanh về đích và tận hưởng mọi vinh quang của nhà vô địch thì Bou Samnang vừa khóc vừa chạy một mình trong màn mưa, cán đích sau cùng dù như cô thừa nhận, mình hoàn toàn có thể bỏ cuộc khi mọi đối thủ kết thúc cuộc thi từ lâu.
"Dù nhanh hay chậm, chúng ta đều sẽ về đích. Tôi về sau cùng ở cuộc đua này không có nghĩa tôi không thể giành chiến thắng tại các cuộc thi khác. Tôi không bỏ cuộc bởi luôn nghĩ đến mục tiêu mang huy chương về cho thể thao Campuchia" - Bou Samnang chia sẻ.
Phần thưởng chương trình "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32" trao tặng các VĐV 20 triệu đồng mỗi người. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp quyết định đồng hành cùng với ba nhân vật SEA Games truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng việc tặng tiền mặt và các suất quà có giá trị.
Theo ĐÔNG LINH/NLĐO